Bạn đọc báo SGGP lên tiếng với Vedan…

Việc Công ty Vedan xả chất thải xuống sông Thị Vải  khiến cho dư luận hết sức bức xúc, vì  công ty này đã ngang nhiên xả chất thải suốt 14 năm nay nhưng không được xử lý triệt để. Nghịch lý hơn Vedan đã từng đã được khen thưởng về thành tích bảo vệ môi trường (!?). Báo SGGP xin trích đăng những ý kiến bức xúc của bạn đọc về vấn đề này.

Đủ yếu tố để xử lý hình sự

Theo tôi vụ Công ty Vedan xả nước thải trực tiếp không qua xử lý xuống sông Thị Vải đã đủ yếu tố để xử lý hình sự vì vi phạm của Vedan là vi phạm có hệ thống và đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi này đã vi phạm Điều 37, 81, 82 Luật Bảo vệ môi trường.

Vedan còn vi phạm Điều 183 Bộ luật Hình sự quy định “Tội gây ô nhiễm nguồn nước”. Ngoài ra, còn có những tình tiết tăng nặng vì đã bị xử phạt hành chính nhiều lần và cố ý xả nước thải chưa xử lý ra sông gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống.

Nguyễn Thị Thu (Tân Bình, TPHCM)

Cần làm rõ nguyên nhân nhiều người đột tử

Trước đây, người dân chúng tôi sống nhờ vào nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản dọc theo sông Thị Vải nhưng đến nay phải bỏ nghề hơn 10 năm vì nước sông bị ô nhiễm. Không những gây ô nhiễm trên sông, mà các khu vực lân cận cũng bị ảnh hưởng bởi hóa chất thải ra. Những vật dụng bằng kim loại trong nhà bị rỉ sét, mái tôn mới lợp chưa bao lâu đã bị thủng. Nguy hiểm nhất là người dân khu vực xã Phước Thái thường xuyên bị các bệnh về hô hấp. Số lượng người bị ung thư càng nhiều, đặc biệt là trên địa bàn xã đã xuất hiện tình trạng hàng loạt người đột tử (thời điểm năm 2006 có khoảng 20 người).

Người dân chúng tôi mong các nhà khoa học làm rõ nguyên nhân có phải nhiều người đột tử là do khí thải từ Nhà máy Vedan?

 Nguyễn Thanh Ngọc (Phước Thái, Long Thành-Đồng Nai)

Cần Giờ đã “lãnh” hậu quả từ Vedan

Trước đây người dân ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) chúng tôi sống nhờ nuôi trồng hải sản dọc theo sông Thị Vải-Cái Mép. Nhưng những năm gần đây, tình trạng tôm cá, nghêu chết hàng loạt do ô nhiễm từ nước sông Thị Vải.

Thiệt hại kinh tế đã rõ, nhưng bệnh phát sinh do nguồn nước ô nhiễm, nhất là các bệnh về hô hấp, bệnh ngoài da khiến cho ngư dân ở đây lo lắng. Lúc đầu chỉ có triệu chứng ngứa, nhưng sau đó da phồng rộp, nhất là ngư dân ở khu vực Gò Gia, xã Thạnh An. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị nhưng chỉ nhận được câu trả lời là đơn vị gây ô nhiễm không thuộc quản lý của TPHCM.

Trọng Thịnh (Huyện Cần Giờ, TPHCM)

Không chỉ Vedan gây ô nhiễm

Theo tôi, không chỉ Vedan xả thải không đạt tiêu chuẩn quy định ra sông Thị Vải mà còn có hàng loạt công ty như: Dệt Hualon Corporation Việt Nam, Dệt Choong Nam, Công ty TNHH S.Y VINA, Công ty TNHH sản xuất ngư cụ ChingFa... và 5 KCN nằm dọc theo sông Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gồm: Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân A2, Mỹ Xuân B1, Phú Mỹ I, Cái Mép…

Kết quả khảo sát sông Thị Vải, gần đây cho thấy hàm lượng khí độc NH3 và H2S trong thủy vực sông rất cao so với ngưỡng thích hợp cho điều kiện phát triển bình thường của các loài thủy sản.

Cụ thể, giới hạn cho phép NH3 trong môi trường nước phải nhỏ hơn 0,5mg/l và H2S nhỏ hơn 0,005mg/l nhưng thực tế trên sông Thị Vải hiện NH3 đang ở mức 1,73mg/l và H2S ở mức 0,8mg/l. Hàm lượng ô xy trong nước cũng rất thấp 1,2mg/l (ngưỡng cho phép để duy trì sự sống 5mg/l). Các nhà khoa học đã cảnh báo điều này, nhưng…

Nguyễn Văn Tiêu (Quận 3, TPHCM)

Thông tin liên quan

- Vụ “giết” sông Thị Vải: Sáng nay, Công ty Vedan bị đình chỉ hoạt động

- Về vụ Công ty Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải, Bộ trưởng Bộ TN - MT Phạm Khôi Nguyên: Đình chỉ hoạt động của nhà máy và xử lý ở mức cao nhất

- Vụ Công ty Vedan: 23 triệu đồng tiền phạt cho hơn 10 năm xả thải “vô tư”

- Có đủ hành lang pháp lý xử lý vụ Vedan

- Bắt quả tang Công ty Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải

Tin cùng chuyên mục