Ban hành Nghị quyết chống tội phạm rửa tiền

Sáng 31-5, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Lễ Công bố Nghị quyết số 03 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội "Rửa tiền".

Theo TANDTC, ở Việt Nam hiện loại tội phàm này còn khá mới mẻ, nhưng trong thời đại toàn cầu hóa tội phạm rửa tiền đang có diễn biến phức tạp và tác động xấu đến nền kinh tế, đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thực tế phòng chống tội phạm thời gian qua cũng cho thấy đã xuất hiện khá nhiều phương thức, thủ đoạn rửa tiền tinh vi, xảo quyệt. Tội phạm này lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt của người dân để mua tài sản có giá trị cao như bất động sản, ô tô, vàng bạc…, sau đó nhờ người khác đứng tên nhằm hợp pháp hóa nguồn tiền “bẩn” thu được từ các hoạt động tội phạm.

Ban hành Nghị quyết chống tội phạm rửa tiền ảnh 1 Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tại Lễ Công bố Nghị quyết số 03.
Theo nghị quyết, các tội phạm rửa tiền liên quan tới các tội phạm nguồn như: Giết người; tội cố ý gây thương tích; tội mua bán người; tội trộm cắp tài sản; cướp tài sản; tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa; tội thao túng thị trường chứng khóa; tội sản suất buôn bán hàng giả; tội đánh bạc…
Bên cạnh đó, cũng được coi là tội phạm nguồn đối với hành vi phạm tội thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, do công dân nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài thực hiện mà theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam, pháp luật của quốc gia và vùng lãnh thổ sở tại quy định là tội phạm.

Trong Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng thể hiện, việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội về tội rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn. Một số các tình tiết định tội của loại tội phạm này, đó là những hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng và các giao dịch khác như thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện qua các hành vi chơi, kinh doanh, casino; trò chơi có thưởng; mua bán cổ vật. Các hành vi khác như cản trở việc xác minh thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có…

Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, trên thế giới tội rửa tiền không còn xa lạ, nhưng Việt Nam rõ ràng đang là tội phạm mới. Việc ban hành Nghị quyết 03 lần này sẽ tạo ra hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này, bởi tội rửa tiền liên quan tới hầu hết các loại tội phạm nguồn (Ma túy, buôn lậu, tham nhũng…). Việc ra đời Nghị quyết 03 thể hiện cam kết của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết công ước quốc tế.

“Thế giới quan sát xem Việt Nam nội lực hóa các cam kết như thế nào, Nghị quyết thể hiện được và tuân thủ cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Bên cạnh đó, theo Chánh án TANDTC, trong quá trình thực thi, căn cứ vào quy định chống rửa tiền của Nghị quyết để xếp hạng tài chính, do đó tín nhiệm của Ngân hàng phụ thuộc vào các cam kết. Theo đó, Nghị quyết ra đời không chỉ là ý nghĩa đấu tranh phòng chống tội phạm mà còn mang ý nghĩa của định chế tài chính.

Để cho ra đời Nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán về tội rửa tiền, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, TANDTC đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế, qua thực tế xét xử và tổ chức nhiều hội thảo quốc tế, đã thu được nhiều góp ý quý báu từ các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Sắp tới, TANDTC sẽ tiến hành tập huấn trong hệ thống thẩm phán cả nước, từ đây hy vọng các cơ quan điều tra, tố tụng sẽ phát hiện, truy tố nhiều tội phạm liên quan tới tội rửa tiền.

Tin cùng chuyên mục