Ngày 30-10, đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TPHCM, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM cùng các sở ngành có liên quan về công tác đào tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (VHNT) của TP.
Những yêu cầu cấp thiết và khá nhiều vấn đề trăn trở về cơ chế, chính sách trong công tác đào tạo nguồn nhân lực VHNT của TP đã được nêu ra.
Hai nghệ sĩ trẻ Lê Thanh Thảo - Nguyễn Điền Trung biểu diễn trong chương trình kỷ niệm 9 năm đoàn 3 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Tiến độ thực hiện quá chậm
Ngày 14-5-2011, UBND TPHCM đã ra quyết định số 22/2011/QĐ-UBND ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX về Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TPHCM giai đoạn 2011-2015. Theo đó, Sở VH-TT-DL (nay là Sở VH-TT TPHCM) được phân công chủ trì phối hợp các trường đào tạo năng khiếu trong và ngoài nước xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình nâng cao chất lượng, phát triển bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài VHNT. Đây được xác định là một trong 6 chương trình nhánh trong Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TPHCM giai đoạn 2011-2015. Sở VH-TT-DL đã dự thảo kế hoạch và nhiều lần điều chỉnh theo ý kiến chỉ đạo của UBND TPHCM và ý kiến đóng góp của các sở ngành liên quan. Tuy nhiên mãi đến ngày 22-1-2014, UBNDTP mới ban hành quyết định (số 410/QĐ-UBND) kế hoạch thực hiện chương trình này. Do vậy so với mục tiêu đề ra, tiến độ thực hiện chương trình đến nay vẫn tiến hành rất chậm.
Theo Sở VH-TT TPHCM, từ năm 2011 đến nay, ngoài các trường hợp được đào tạo tại chỗ và trong nước trong lĩnh vực VHNT, mới có 6 trường hợp được đào tạo trung cấp chuyên ngành nhạc cụ (2008-2014), 10 người theo học cao đẳng múa (2007-2013) tại Trung Quốc và hiện có 5 người đang theo học trung cấp diễn viên múa (2012-2016) tại Trung Quốc, 1 cử nhân thanh nhạc tại Pháp, 1 thạc sĩ chỉ huy dàn nhạc tại Italia (với 1 phần kinh phí do Thành ủy TPHCM cấp, 1 phần do cá nhân tự túc). Về định hướng đào tạo nguồn nhân lực VHNT ở nước ngoài trong thời gian tới, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, cho biết thêm: “Thay cho trước nay phần đông các trường hợp được đào tạo chủ lực là tại Trung Quốc, hiện nay TP đã có chủ trương mở hướng đào tạo tại Nga, từ đây sẽ làm điểm mở cho hướng đào tạo nhân lực VHNT sang các nước châu Âu như Hà Lan, Pháp... Trước mắt, Tổng lãnh sự quán Nga tại TPHCM đã đồng ý hỗ trợ chương trình, hai bên đang xúc tiến nhiều cuộc gặp mặt, dự thảo kế hoạch”.
Trăn trở về chế độ đãi ngộ
Nhằm ghi nhận sự đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ trong lĩnh vực văn hóa, từ năm 2006, UBND TPHCM cũng đã có chế độ bồi dưỡng luyện tập cho văn nghệ sĩ, TP còn linh động 1 phần hỗ trợ thêm bồi dưỡng biểu diễn cho văn nghệ sĩ, thế nhưng qua thời gian, những chế độ này đã không còn phù hợp. Ngoài ra, từ đề xuất của Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM, TP đã chi tiền hỗ trợ 113 văn nghệ sĩ cao tuổi (trên 70 tuổi) neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn số tiền 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Sở VH-TT TPHCM đang thực hiện lấy ý kiến đóng góp về xây dựng thang bảng lương cho văn nghệ sĩ, báo cáo Bộ VH-TT-DL để trình Thủ tướng Chính phủ. Vấn đề này tuy không mới vì được triển khai đã lâu nhưng cũng mang lại sự phấn khởi cho những người đóng góp cho hoạt động VHNT, cho bộ mặt văn hóa của TP - là một trong những đơn vị có đời sống văn hóa sôi động nhất cả nước. Tuy nhiên, vấn đề đang đối diện với không ít bất cập, bởi thực tế hoạt động, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý, được người dân tôn vinh nhưng không qua trường lớp, không có bằng cấp chuyên môn… nên việc xếp thang bảng lương hiện là vấn đề hết sức nan giải, rất cần sự quan tâm tháo gỡ của nhiều cấp ngành liên quan.
Một trong những vấn đề được các đại biểu hết sức quan tâm là cảnh hẩm hiu của nghệ thuật truyền thống. Thống kê của các đơn vị đào tạo tại TPHCM cho thấy, các bộ môn hát bội, cải lương, múa rối nước, xiếc gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh bởi không có người theo học. Tại trường ĐH Sân khấu điện ảnh TPHCM, mấy năm nay đã không còn bộ môn hát bội, bộ môn cải lương (ngành kịch hát dân tộc) đang trong tình trạng èo uột, ngày càng ít người theo học. Riêng với cải lương, lâu nay đây là một hoạt động chủ yếu mang tính truyền nghề, đối tượng có bằng đại học sân khấu rất hạn chế; tình hình sân khấu cải lương cũng đang dần mai một; các trường khó mà có được lực lượng giảng dạy đúng như quy định của Bộ GD-ĐT. Đây chính là điều bất cập, gây khó khăn rất lớn trong công tác đào tạo môn nghệ thuật truyền thống cải lương.
“Tôi thấy xót xa và cảm giác lo lắng khi nghe một số trường đã không còn giảng dạy môn hát bội. Hát bội, bài chòi, cải lương, ca trù… phải tự mình truyền nghề, tự mình học với nhau. Đã đến lúc việc khôi phục giảng dạy, truyền nghề và giữ lửa được những môn nghệ thuật truyền thống như hát bội, rối nước, xiếc, cải lương là vấn đề cần được quan tâm sâu sắc và đưa ra giải pháp căn cơ. Chúng ta xây dựng các thiết chế văn hóa cụ thể như thế nào để thu hút được người trẻ kế thừa nghệ thuật truyền thống”, NSND Hồng Vân, Giám đốc Sân khấu Kịch Phú Nhuận, tâm tư.
Về những kiến nghị của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM, yêu cầu Sở VH-TT TPHCM cần có kế hoạch trình UBND TPHCM. Trên cơ sở đó, UBND TPHCM kiến nghị Bộ VH-TT-DL cấp mã ngành để nhà hát thực hiện chức năng vừa là một đơn vị tổ chức biểu diễn vừa là một trung tâm đào tạo nghệ sĩ cải lương theo hình thức truyền nghề. Về những khó khăn của Sở VH-TT, ông Huỳnh Công Hùng cho rằng sở nên xem lại quy hoạch các thiết chế văn hóa, cái nào cần xây mới, cải tạo hoặc nâng cấp để đưa vào phục vụ. Sở VH-TT cũng cần xem lại quy hoạch sân khấu, quá nhiều ở khu vực trung tâm và quá ít ở các quận huyện ngoại thành.
MINH AN