Bản quyền tác phẩm nghệ thuật từ AI: Ai cấp và cấp cho ai?

Tranh vẽ AI bắt đầu được các họa sĩ chuyên nghiệp thử nghiệm, hay nhờ chatGPT viết một đoạn văn miêu tả phong cảnh, đồ vật… trở thành xu hướng được giới làm sáng tạo quan tâm. Nhưng bản quyền của những tác phẩm sáng tạo này, ai cấp và cấp cho ai?
Người dùng mạng xã hội chia sẻ theo phong cách anime từ ứng dụng Loopsie
Người dùng mạng xã hội chia sẻ theo phong cách anime từ ứng dụng Loopsie

Xu hướng thịnh hành nhất mạng xã hội mấy ngày qua là việc biến đổi ảnh chụp thành hình vẽ anime (phong cách hoạt hình Nhật Bản), nhờ ứng dụng chỉnh sửa ảnh áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Nhiều bình luận vui như “Ai cũng có thể trở thành nhân vật hoạt hình và ai cũng có thể làm họa sĩ”…

Câu nói 3 phần đùa nhưng đến 7 phần thật, không thiếu phần mềm trên máy tính hay ứng dụng trên điện thoại áp dụng công nghệ AI, giúp người dùng trở thành họa sĩ trong tích tắc, chỉ việc miêu tả bức tranh mình mong muốn hoặc đưa bức ảnh thật vào để AI xử lý và chuyển đổi.

Không chỉ trong lĩnh vực hội họa, trước đó vào tháng 5-2023, Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA) đã kêu gọi hàng loạt biên kịch đình công, trải dài ở các mảng như: phim điện ảnh, phim truyền hình, talkshow…

Và sau đó, một trong những điều khoản mới được WGA đề xuất với Liên đoàn Nhà sản xuất Điện ảnh và Truyền hình (AMPTP) về việc sử dụng AI trong quá trình viết kịch bản. Đề xuất nhằm ngăn chặn việc các hãng phim sử dụng AI để viết nên một “tài liệu gốc” và thuê biên kịch để chỉnh sửa tài liệu gốc ấy.

Thực tế nhiều biên kịch hàng đầu của Hollywood cho biết, họ không quá lo sợ AI có thể cướp mất “chén cơm” của mình, nhưng mối đe dọa là có thật và nguy cơ ngày càng cao.

Vì để tiết kiệm chi phí sản xuất, nhiều nơi đã tính toán đến việc dùng AI viết kịch bản, và vị trí danh giá của biên kịch chỉ còn lại như một người sửa lỗi, điều này không thỏa đáng với công việc của người làm sáng tạo nội dung cho tác phẩm nghệ thuật.

Việc ứng dụng AI vào lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật cũng không có gì quá xa lạ, bởi dù muốn hay không thì công nghệ vẫn phát triển và AI có mặt gần như trong tất cả lĩnh vực của đời sống 4.0. Nhưng công nghệ hiện đại tới đâu, thay thế vị trí của người lao động ở cấp độ nào còn rất nhiều vấn đề đặt ra, để đảm bảo môi trường sáng tạo thăng hoa và công bằng cho người làm nghệ thuật.

Trong năm 2022, bức tranh “Lối vào thiên đàng” của tác giả Stephen Thaler bị Văn phòng Bản quyền Mỹ từ chối công nhận vì vẽ từ AI. Người này khiếu kiện lên tòa án và ngày 22-8 vừa qua, Tòa án Washington D.C (Mỹ) đã bác đơn kiện của ông và khẳng định không cấp bản quyền cho tất cả tác phẩm từ AI, khẳng định luật pháp chỉ bảo vệ thành quả chính con người tạo ra.

Văn phòng Bản quyền Mỹ cho biết, “Lối vào thiên đàng” không phải do con người vẽ và không có lý do thuyết phục để thay đổi quy tắc về bản quyền - vốn có từ hơn một thế kỷ trước. Thẩm phán Beryl Howell (Mỹ) cho biết thêm, bản quyền được cấp với mục đích nâng cao quyền con người. Vì thế, những tác phẩm không tạo ra từ trí óc và công sức con người sẽ không được công nhận.

Trong nước, nhiều đơn vị sản xuất âm nhạc cũng bắt đầu thử nghiệm với ca sĩ AI. Sự kiện âm nhạc quốc tế tại TPHCM - Hozo (Hò dô) có sự góp mặt của ca sĩ ứng dụng công nghệ này. Tranh vẽ AI bắt đầu được các họa sĩ chuyên nghiệp thử nghiệm, hay nhờ chatGPT viết một đoạn văn miêu tả phong cảnh, đồ vật… trở thành xu hướng được giới làm sáng tạo quan tâm. Nhưng bản quyền của những tác phẩm sáng tạo này, ai cấp và cấp cho ai?

Nhìn xa để thấy gần, việc ứng dụng ca sĩ AI là cách để đơn vị sản xuất âm nhạc tiết kiệm chi phí đầu tư cho thử nghiệm bài hát mới. Và ca sĩ AI góp mặt như một xu hướng của đời sống công nghệ, hoàn toàn không thể mang lại những cảm xúc riêng biệt trong giọng hát cho người nghe, thậm chí nhiều ca sĩ AI như một sự sao chép giọng hát của ca sĩ thật, không có gì gọi là hay và cảm xúc trong biểu diễn.

Và tác phẩm hội họa do AI thực hiện cũng vậy. Ưu thế lớn nhất của AI là thời gian, chỉ cần người dùng miêu tả thật chi tiết bức tranh mà mình mong muốn, phần mềm ứng dụng công nghệ AI sẽ tiếp nhận và xử lý bằng cách tổng hợp trên hàng loạt dữ liệu và cho ra “tác phẩm”…

Vì thế, câu chuyện bản quyền cho tác phẩm nghệ thuật do AI sáng tạo sẽ đặt ra vấn đề: công nhận bản quyền cho phần mềm công nghệ hay cấp cho người đã miêu tả để AI tổng hợp? Có lẽ cấp cho ai cũng không thỏa đáng, bởi sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ là thành quả lao động mà bản thân có thể làm theo cảm xúc hay đơn đặt hàng, còn AI là vẽ theo mệnh lệnh…

Công nghệ vẫn sẽ không dừng lại, nhưng đón nhận và tỉnh táo đến đâu là thái độ của chính chúng ta, công nghệ hỗ trợ hay làm rối thêm câu chuyện bản quyền tác phẩm nghệ thuật, phụ thuộc vào cách chúng ta vận hành chúng.

Tin cùng chuyên mục