Cuộc sống của chúng ta rất phong phú, rất sôi động. Và, để thích ứng, để tồn tại, để phát triển luôn xuất hiện thực trạng “nhất dạ sinh bá kế” – trong một đêm, một người nghĩ ra rất nhiều kế sách, “chín người mười ý”. Vì vậy, ở đâu và làm gì cũng cần có tổ chức, phải có người đứng đầu. Có như vậy thì từ “10 ý” của “9 người” thống nhất thành “1 ý”, hành động vì một ý, theo một chủ ý – một sợi chỉ đỏ xuyên suốt, dưới sự chỉ huy lãnh đạo của người đứng đầu.
Phục tùng lãnh đạo, phục tùng chỉ huy là phục tùng một tổ chức hoạt động có đạo lý theo tôn chỉ mục đích đã xác định. Người lãnh đạo – chỉ huy là người đại diện cao nhất của tổ chức – của đơn vị, có trách nhiệm quyền hạn, có nghĩa vụ và quyền lợi cụ thể khi chỉ huy – lãnh đạo đơn vị được tổ chức giao phó.
Muốn cho cấp dưới, cho quần chúng nhân dân nghe theo mình, phục tùng mình thì người lãnh đạo – chỉ huy phải là hạt nhân đoàn kết nội bộ, phải nghiêm túc, cần kiệm, liêm chính trong quá trình thực hiện trọng trách được giao; không ngừng học hỏi nâng cao trình độ nhận thức chính trị khoa học kỹ thuật nghiệp vụ cũng như học từ thực tế cuộc sống; phải thông hiểu cấp dưới, không quan liêu xa rời thực tế, là tấm gương tốt, xứng đáng là “người thầy” của cấp dưới, được cấp dưới tin cậy, quý mến, kính trọng, và là chỗ dựa vững chắc của tổ chức, của đơn vị. Được như vậy, người lãnh đạo sẽ được cấp dưới, được nhân dân ủng hộ, tôn vinh, bao bọc nhất là những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn.
Đối với cấp dưới, quần chúng nhân dân lao động, để có được nhân hòa bền vững thì: trước công việc, người lãnh đạo phải có bàn bạc dân chủ công khai, thống nhất kết luận, nghị quyết chuyển thành hành động cụ thể thì có “khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Ở đâu người lãnh đạo cũng đòi hỏi mọi người phải chấp hành, phải tuân thủ quy định của tổ chức, tuân thủ luật pháp; luôn yêu cầu cấp dưới thấu hiểu nhiệm vụ được giao, phải luôn tận tâm, tận lực làm thật tốt nhiệm vụ được cấp trên giao phó; luôn yêu cầu cấp dưới có được 6 phẩm chất: một là đoàn kết – nhân hậu, hai là phục tùng, ba là trung thực, bốn là chăm chỉ, năm là kiên định, sáu là năng động sáng tạo.
Làm được những điều trên, cấp dưới từng bước đã tự khẳng định tài – đức của mình, tự trang bị cho mình hành trang quý báu vững bước tiến tới trên đường đời, trở thành nòng cốt của tổ chức đơn vị, đó là cơ sở tốt nhất để phấn đấu trở thành người lãnh đạo - người chỉ huy có uy tín, giỏi giang của tổ chức, đơn vị.
Nguyễn Kim Quất