Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng Đảng (ngày 6-9, tại TPHCM), một vấn đề được đại biểu quan tâm, đó là xử lý đảng viên sử dụng bằng giả và sinh con thứ ba.
Lâu nay, mỗi tỉnh, TP xử lý theo cách riêng của mình, với những cách hiểu khác nhau. Có nơi ra quyết định kỷ luật, rồi điều chuyển công tác hoặc nếu thấy nghiêm trọng thì cho nghỉ việc. Tuy nhiên, có nơi lại lúng túng không biết xử lý ra sao. Chuyện này đã xảy ra ở một số huyện của các tỉnh phía Nam. Chả là khi phát hiện trường hợp sử dụng bằng trung học phổ thông giả và thấy “không có gì nghiêm trọng” nên huyện ủy cho đương sự này… học lại bổ túc để lấy bằng cấp 3 nhằm hợp thức hóa bằng đại học! Tương tự như vậy, có nơi cho đây là vụ việc “không có gì phải ầm ĩ” hoặc chiếu cố “diện chính sách, do chiến tranh để lại nên ít học”, hay nhận thấy “trường hợp này có năng lực thực tiễn” nên ngầm bỏ qua…
Việc sinh con thứ ba cũng tương tự như thế. Chính quyền nhiều tỉnh, TP, trong đó có TPHCM ban hành quy định: CBCNV sinh con thứ ba trở lên sẽ không được đề bạt vào các chức vụ lãnh đạo và không được xét thi đua trong năm vi phạm. Đấy là xử lý về mặt Nhà nước. Còn xử lý thế nào về mặt Đảng? Cách đây 3 năm, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 47-NQ/TƯ về chính sách dân số và chỉ đạo “xử lý nghiêm” trường hợp sinh con thứ ba, nhưng nghiêm ra sao, xử lý hình thức nào, trường hợp nào, có cần phải xét hoàn cảnh “thiếu con trai nối dõi” không… thì đến nay chưa thấy các ban Đảng thể chế thành những quy định cụ thể, thống nhất.
Sinh con thứ ba và sử dụng bằng giả đều là hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức tư cách đảng viên. Lẽ nào sự vi phạm này không bị xử lý nghiêm?
TUẤN SƠN