Báo chí truyền thống Nhật Bản vẫn “sống tốt”

Khác với báo in tại Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn vì bị các loại hình báo chí khác cạnh tranh dữ dội, báo chí truyền thống, trong đó có báo in tại Nhật Bản vẫn đang giữ thế thượng phong.

Khác với báo in tại Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn vì bị các loại hình báo chí khác cạnh tranh dữ dội, báo chí truyền thống, trong đó có báo in tại Nhật Bản vẫn đang giữ thế thượng phong.

Nhiều năm qua, tờ báo điện tử JanJan News tưởng như đã trở thành một thách thức lớn với báo in do được nhiều người đọc tham gia viết, kể cả các chủ đề được cho là cấm kỵ như việc săn cá voi hay những đề tài nhạy cảm đối với chính phủ. Thế nhưng tờ báo điện tử này chưa bao giờ thu hút đủ độc giả hay quảng cáo, dẫn đến việc đóng cửa hầu hết hoạt động của mình cách đây 3 tháng. JanJan là tờ báo cuối cùng trong số 4 tờ báo điện tử lấy bài viết của độc giả làm chủ đạo có khởi đầu tốt nhưng tất cả giờ đây đã phải đóng cửa hoặc thu hẹp phạm vi hoạt động.

Theo tờ International Herald Tribune, đây không chỉ là thất bại của cái gọi là những trang web báo chí công dân ở Nhật Bản. Cho tới nay, không một thể loại báo chí trực tuyến nào tại Nhật Bản đặt ra một thách thức với nền báo chí được xem là chắc chắn đến xơ cứng của Nhật Bản.

Ngay cả khi chính trường Nhật Bản thay đổi với việc đảng Dân chủ (DPJ) lên cầm quyền sau 50 năm thống trị của đảng Dân chủ Tự do, nền báo chí Nhật Bản vẫn chưa có chuyển động nào đáng kể. Chính phủ của DPJ bước đầu có một số cải tổ sau khi cho phép mở rộng hoạt động của các câu lạc bộ báo chí vốn độc quyền về các thông tin của các bộ. Nhưng điều đó cũng chưa thay đổi diện mạo báo chí Nhật Bản.

Vì nhiều lý do, kể cả về văn hóa và kinh tế, cuộc cách mạng kỹ thuật số chưa thể tạo cơn “địa chấn” với báo chí truyền thống tại Nhật Bản như đã xảy ra tại Mỹ và nhiều nước khác. Báo in vẫn đang thống trị ngành truyền thông tại Nhật Bản, trong đó tờ Yomiuri Shimbun hiện vẫn được xem là tờ báo có lượng phát hành lớn nhất thế giới với hơn 10 triệu bản một ngày. Trong khi các nhật ký (blog) cá nhân hay các trang web mua sắm phát triển như nấm thì những trang web chuyên về tin tức có chỗ đứng khiêm tốn. Phần lớn những trang tin này do các tổ chức báo chí lớn của Nhật Bản điều hành, xem đó là một hoạt động phụ.

Theo ông Ken Takeuchi, chủ tịch kiêm nhà sáng lập JanJan, “Nhật Bản là vùng đất khó để tạo các nguồn tin thay thế báo chí truyền thống”. Theo ông, nền văn hóa Nhật Bản không thích những người muốn “chơi trội”, không thích kiểu độc giả trở thành phóng viên.

Nhìn sang Hàn Quốc, trang tin OhMyNews đã thực sự làm cuộc cách mạng trong giới truyền thông Hàn Quốc. Bằng những bài viết do chính độc giả đóng góp, trang tin này thách thức các tờ báo lớn. Hiện hơn 62.700 độc giả trở thành người viết của OhMyNews và trang web thu hút hơn 2 triệu lượt người xem mỗi ngày.

OhMyNews sang Nhật Bản với hy vọng lập kỷ lục mới tại đây nhưng họ đã gặp thất bại khi doanh thu quảng cáo quá thấp. Trang web chỉ thu hút được 400.000 lượt xem/ngày và chỉ có 4.800 độc giả trở thành người viết tin. Đó là lý do vì sao OhMyNews Nhật Bản phải đóng cửa cách đây 2 năm, nối gót là trang web Tsukasa Net đóng cửa tháng 11-2009. PJ News thu hẹp hoạt động chỉ còn 1 biên tập viên, thậm chí không có văn phòng.

Theo học giả Toshinao Sasaki, một nền báo chí công dân chỉ phát triển khi xã hội tự nhận thấy có mâu thuẫn quyền lợi với báo chí truyền thống và họ muốn đưa ra một quan điểm mới, thông tin mới. Ở Nhật Bản, hầu hết độc giả chưa có cái nhìn săm soi với báo chí truyền thống, đa số đều thụ động chấp nhận các thông tin của những tờ báo lớn và mạng lưới truyền hình nước này. 

VŨ MINH

Tin cùng chuyên mục