Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tiến hành thẩm định SGK lớp 1 biên soạn theo chương trình GDPT mới. Bộ GD-ĐT cho biết, tinh thần xã hội hóa theo Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, hiện đã có 5 bản thảo bộ SGK lớp 1 được gửi tới hội đồng thẩm định SGK quốc gia, từ các nhà xuất bản: Giáo dục Việt Nam, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TPHCM. Như vậy, chủ trương xã hội hóa SGK bước đầu đã có tín hiệu tốt, bởi việc biên soạn 5 bộ SGK nêu trên đều không đụng đến ngân sách nhà nước.
Vấn đề đặt ra là chất lượng những bộ SGK theo tinh thần xã hội hóa đó phải được bảo đảm. Đến nay, theo đánh giá sơ bộ của hội đồng quốc gia thẩm định SGK, các SGK mà các nhà xuất bản gửi đến thẩm định được thể hiện đa dạng theo đúng tinh thần mở và bám sát các yêu cầu. Đội ngũ viết SGK là những nhà khoa học có năng lực chuyên môn đã được khẳng định qua thực tiễn nhiều năm nay, làm việc tâm huyết. Các bộ SGK được viết công phu, nghiêm túc, trải qua nhiều “bộ lọc” của các nhà chuyên môn, các đơn vị, nhóm biên soạn đã đầu tư rất nhiều để có các SGK chất lượng. Bộ GD-ĐT tin tưởng sẽ có những bộ thực sự chất lượng. Dự kiến, trong tháng 10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ công bố các bộ SGK lớp 1 để áp dụng cho năm học sau. Cùng với SGK lớp 1, Bộ GD-ĐT sẽ thẩm định các bộ SGK lớp 2, lớp 6 để triển khai thực hiện vào năm học 2021-2022. Cứ thế, bộ sẽ lần lượt thẩm định để có đủ các bộ SGK phổ thông mới từ lớp 1 đến lớp 12. Mỗi môn học sẽ có nhiều SGK được thẩm định. Như vậy, trách nhiệm của hội đồng quốc gia thẩm định SGK là rất quan trọng, để quyết định được những bộ SGK chất lượng nhất.
Ai cũng biết SGK chỉ là tài liệu dạy học quan trọng, còn chương trình giáo dục phổ thông thống nhất chung toàn quốc mới là “pháp lệnh” cao nhất và tất cả hoạt động chuyên môn trong các cơ sở GDPT phải dựa vào chương trình, theo đúng yêu cầu của chương trình. Thế nhưng, ngay cả khi Quốc hội đã quyết định thực hiện “một chương trình, nhiều SGK” thì vẫn có rất nhiều ý kiến lo lắng chủ trương này sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là nếu không xử lý tốt các vấn đề như chất lượng thẩm định SGK; quản lý việc chọn sách, sử dụng sách thế nào để hiệu quả... Để thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều SGK thực sự hiệu quả, một mặt vừa phải bỏ quan điểm coi SGK như “pháp lệnh”, bởi thực hiện chương trình GDPT với nhiều bộ SGK là xu thế các nước trên thế giới đã làm từ lâu.
Tuy nhiên, dù SGK chỉ là một trong nhiều tài liệu sử dụng trong dạy học, nhưng SGK vẫn phải được thẩm định cẩn thận, và đó là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, của hội đồng thẩm định. Để có những bộ SGK chất lượng nhất, cần thực hiện nghiêm các quy định cho việc chọn sách, sử dụng sách, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức, nhóm làm sách, ảnh hưởng đến việc dạy học, quyền lợi học sinh. Những người được giao trọng trách thẩm định SGK phải là những người thực sự có chuyên môn, có tâm huyết với giáo dục, quyết định thẩm định phải là của cả một tập thể, để nếu ai đó định dùng “hoa hồng” lót tay cũng khó thực hiện ý định. Mặt khác, sau khi các bộ sách đã được công bố, các cấp quản lý, các trường cần tiến tới giao quyền chủ động cho giáo viên, tổ bộ môn lựa chọn các SGK khác nhau để thiết kế bài dạy. Cần thống nhất chỉ đạo các cấp giáo dục triển khai, quản lý, đánh giá dạy học căn cứ vào chương trình, không chỉ căn cứ vào SGK. Bộ GD-ĐT cũng cần có những giải pháp hạn chế, ngăn ngừa cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức, cá nhân làm sách; xử lý nghiêm cá nhân có hành vi tiêu cực tác động đến việc lựa chọn SGK ở các trường… Có như thế, học sinh mới được học những bộ SGK mới hay nhất.