Triển khai các biện pháp chống hạn

Bảo đảm đủ nước cho 98% diện tích sản xuất nông nghiệp

Bảo đảm đủ nước cho 98% diện tích sản xuất nông nghiệp

Ngày 13-1, tại Hà Nội, đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ: NN-PTNT, Công nghiệp, Tài nguyên - Môi trường và nhiều đơn vị liên quan đã bàn các phương án chống hạn phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2005 - 2006 ở Bắc bộ. Theo Cục trưởng Cục Thủy lợi Phạm Xuân Sử, mục tiêu tối quan trọng là phải bảo đảm đủ nước cho 98% diện tích sản xuất nông nghiệp trong vụ đông xuân này.

  • Sông cạn, hồ vơi…

“Hạn hán ở Bắc bộ năm nay sẽ rất khốc liệt. Các sông ở Bắc bộ thiếu hụt khoảng 20% - 25% lượng nước so với trung bình nhiều năm. Trong khi đó, các hồ chứa đang vơi dần, thấp hơn so với thiết kế 2 - 5m”, ông Nguyễn Hữu Hải, Trưởng Phòng dự báo hạn dài (Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn trung ương) cho biết.

Bảo đảm đủ nước cho 98% diện tích sản xuất nông nghiệp ảnh 1

Sông Hồng đoạn qua Hà Nội đang cạn kiệt, nhiều tàu bè mắc cạn. Đây cũng là thời điểm mực nước sông Hồng xuống thấp nhất kể từ năm 1902.

Đến ngày 13-1, mực nước sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục ở mức rất thấp 1,87m, thấp hơn 0,8m so với mức trung bình nhiều năm (TBNN); dòng chảy trên sông Hồng đã hụt tới 50%. So với mức TBNN, lượng dòng chảy trên sông Đà tại Hòa Bình, sông Thao tại Yên Bái cũng bị hụt khoảng 25%; còn dòng chảy của sông Lô tại Tuyên Quang cũng đã hụt tới 37%.

Theo ông Phạm Đức Thăng, Phó Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, đến nay, mặc dù đã nạo vét được trên 2 triệu m3 từ cửa cống Xuân Quan đến Tăng Bảo và khu vực sông Đình Dù và Lạc Cầu nhưng nguồn nước vẫn cạn kiệt. Hạn lại càng nặng hơn khi vừa bước vào vụ đông xuân 2005 – 2006, tại cửa cống Liên Mạc, nơi dẫn nước tưới chủ chốt cho 3 tỉnh Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam vừa xuất hiện bãi bồi gần 2 km chặn nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ.

  • Không để nước trôi ra biển

Dù nước ở sông Hồng cạn, nhưng hồ Hòa Bình và hồ Thác Bà không thể xả 1.000m3/giây để bảo đảm cho mực nước sông Hồng tại Hà Nội ở mức 2,3m và kéo dài từ ngày 15-1 đến ngày 28-2. “Nếu xả như thế, hồ Hòa Bình chỉ đủ nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân và sẽ không có nước để phát điện trong tháng 3, 4 và 5” - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Văn Được khẳng định.

Hiện nay, hồ Hòa Bình còn phải tích nước để phát điện vào mùa khô, bảo đảm an ninh năng lượng, tránh tình trạng thiếu điện như mùa khô năm 2005. Vì vậy, hồ Hòa Bình chỉ xả theo từng đợt vào kỳ triều cường, cố gắng bảo đảm ở mức 2,3 - 2,5m. Song song đó, Bộ NN-PTNT phải chỉ đạo các địa phương lên lịch lấy nước tưới ngay khi hồ Hòa Bình xả nước, không để nước trôi ra biển.

Để phân bổ lịch tưới cho từng vùng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Ngọc Thuật đề nghị, hệ thống nước sông Nhuệ tập trung ưu tiên cho Hà Nội và Hà Tây. Hệ thống thủy nông của Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà sẽ tập trung giải quyết nguồn nước cho hai tỉnh Hà Nam và Nam Định. Hệ thống Bắc Hưng Hải tập trung cấp nước cho Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh.

Trong khi đó, EVN có thể điều chỉnh theo hướng tăng thêm lượng xả cho tháng 1, tháng 2 và giảm lượng xả trong tháng 3, tháng 4, nhưng tổng lượng xả không thay đổi. Đối với từng tỉnh cụ thể, cần lên lịch gieo mạ cho từng huyện xen kẽ với nhau để lên kế hoạch phân nước xuống khi mạ đã đủ tuổi cấy.

Các Sở NT-PTNT các tỉnh ở khu vực này đã bổ sung mỗi huyện 3-5 trạm bơm dã chiến để sẵn sàng ứng trực khi nhu cầu nước cấp bách. Các trạm bơm chỉ được phép bơm nước theo phương châm: gieo cấy đến đâu, lấy nước đến đó. Bộ NN-PTNT đã đề nghị các địa phương vận động nhân dân nạo vét kênh mương, sửa chữa công trình, tích cực làm mới và gia cố các đập để ngăn sông suối nhỏ. Các tỉnh phải nghiêm cấm tháo nước ở các hồ chứa, đập dâng nhỏ để bắt cá hoặc chạy máy phát điện gia đình.

Mới đây, Bộ NN-PTNT đã thành lập tổ điều hành công tác chống hạn của Chính phủ, do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thuật làm tổ trưởng. Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh cũng thành lập tổ chống hạn của tỉnh do Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp làm tổ trưởng, nhằm phối hợp thực hiện việc triệt để tiết kiệm nước, lấy nước hợp lý cho sản xuất và chống hạn. 

VĂN NGHĨA

Tin cùng chuyên mục