Bão đi, lũ về: Thiệt hại chồng chất

Thiệt hại khủng khiếp
Bão đi, lũ về: Thiệt hại chồng chất

Trong lúc cơn bão số 10 quét qua các tỉnh miền Trung còn chưa tan, hoàn lưu của bão gây mưa lớn đã khiến nhiều địa phương chìm trong biển lũ, nhiều hồ đập bị vỡ và thêm những cái chết thương tâm.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tỏa về các địa phương giúp người dân khắc phục hậu quả bão số 10.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tỏa về các địa phương giúp người dân khắc phục hậu quả bão số 10.

Thiệt hại khủng khiếp

Theo thống kê sơ bộ, đến chiều 1-10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có 5 người chết do bão số 10; hàng chục ngàn ngôi nhà bị tốc mái và sập đổ; 8 tàu cá của xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) bị chìm ở khu neo đậu sông Roòn và 12 tàu khác bị sóng biển đánh bật lên đất liền, hư hỏng nặng. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống điện vẫn chưa được khôi phục gây mất điện toàn tỉnh, nhiều cột điện bị đổ, gãy và xiêu vẹo.

Xã Quảng Phúc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình là nơi bão giật cấp 14, 15 khi đi vào đất liền. Ông Nguyễn Văn In, xã Quảng Phúc, nói: “Đã hơn 60 tuổi, tui biết mấy cơn bão to những năm 80 của thế kỷ trước, mạnh hơn cấp 12, nhưng năm nay cơn bão này là cuồng phong quá lớn, tàu bè của ngư dân còn bị đánh lên trên đê, đúng là kinh khủng”.

Đến chiều 1-10 nguồn điện vẫn tê liệt trên toàn tỉnh. Tại Đồng Hới, sớm nhất đến ngày 2-10 mới có điện cục bộ tại một số phường trọng điểm, trong khi đó hàng vạn dân ở thành phố này đang thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng do mất nước kéo dài. Hiện toàn bộ hơn 800.000 dân Quảng Bình đang được huy động toàn sức khắc phục hậu quả bão số 10 tại gia đình, trong từng thôn xóm, từng khu phố.

Chiều 1-10, báo cáo từ Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Hà Tĩnh cho biết, bão số 10 quét qua địa bàn Hà Tĩnh đã khiến ít nhất 18 người bị thương; 8 ngôi nhà bị sập; 26.951 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng; 983 nhà ngập nước; gần 300ha lúa, 7.598ha hoa màu các loại bị ngập nặng... Ngoài ra nhiều tuyến đê biển ở huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên bị sạt lở và vỡ. Đến chiều 1-10, tại huyện Vũ Quang, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã ở Ân Phú, Đức Giang, Đức Lĩnh, Hương Thọ… bị ngập nước sâu từ 40-60cm, hơn 8 xóm với 750 hộ/2.130 nhân khẩu bị cô lập.

Sáng 1-10, tại Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, khu vực giáp tỉnh Quảng Bình, cũng là nơi bão tàn phá nặng nhất của tỉnh Quảng Trị. Hình ảnh một huyện ven biển trù phú sau bão là cảnh xơ xác tiêu điều khi hệ thống đường dây điện cao thế, điện thoại bị đứt gãy, nằm ngả nghiêng khắp các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã... Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, cho biết, gió bão đã làm gãy đổ 4.000ha cây cao su đang kỳ khai thác mủ, 1.500 ngôi nhà bị tốc mái.

Chiều 1-10, ông Bh’ling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, đã nhiều tuần qua, tuyến đường từ trung tâm huyện lên các xã vùng cao biên giới Lào, như: A’Xan, G’ry, Ch’um bị chia cắt hoàn toàn do sạt lở núi. Nếu thời tiết nắng ráo thì trong khoảng 1 tuần, UBND huyện Tây Giang sẽ huy động phương tiện và nhân lực để giải phóng khoảng 70.000m³ đất đá mới đảm bảo thông tuyến trở lại.

Trong khi đó, mấy ngày qua do mưa kéo dài nên tại thôn 2 xã Trà Mai (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng. Ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền xã Trà Mai đã điều động hơn 50 dân quân tự vệ, thanh niên và lực lượng PCLB xã tập trung chuyển 7 hộ có nguy cơ bị đất vùi lấp đến nơi ở an toàn.

Hàng ngàn hộ dân chìm trong lũ

Từ đêm 30-9 đến sáng 1-10, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 10, trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa có mưa to đến rất to khiến đập Đồng Đáng (xã Trường Lâm), đập Thung Cối (xã Phú Lâm) bị vỡ; tràn xả lũ hồ Cây Trầu (xã Trúc Lâm) bị sạt lở nặng, vỡ cống phía Nam; đê chắn lũ Cầu Tây xã Trúc Lâm (Tĩnh Gia) vỡ 20m. Tình trạng mưa to và bị vỡ đập như trên khiến nước lũ nhấn chìm hàng ngàn hộ dân trong biển nước.

Tại huyện Nông Cống, 3 học sinh ở xã Công Bình, trên đường đi học về bị lũ cuốn trôi, trong đó 1 cháu đã được người dân địa phương cứu sống. Huyện Nông Cống đã huy động lực lượng của 3 xã Yên Mỹ, Công Chính, Tượng Sơn huy động nhân lực, thuyền để tìm kiếm các cháu. Đến gần 14 giờ đã tìm thấy thi thể 2 cháu và huyện đã hỗ trợ ban đầu cho gia đình mỗi cháu là 6 triệu đồng.

Thông tin từ UBND thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, đến 20 giờ 30 tối 1-10, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy 2 mẹ con trú tại khu tập thể Nhà máy xi măng Hoàng Mai. Do lượng mưa cường độ lớn và tập trung trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai rất lớn (đo được từ 17 giờ ngày 30-9 đến 14 giờ ngày 1-10 là 541mm) nên hồ Vực Mấu phải thực hiện quy trình điều tiết vận hành xả lũ tại 5 cửa tràn. Việc xả lũ cộng với thủy triều dâng cao đã khiến hàng trăm nhà dân tại thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu bị ngập chìm trong nước, một số đoạn quốc lộ 1A qua địa bàn 2 địa phương này cũng bị ngập nặng khiến hàng trăm xe bị mắc kẹt.

Ngày 1-10, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN Bộ TT-TT đã có công điện khẩn gửi sở TT-TT các tỉnh, thành phố Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế; Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, về việc khôi phục mạng lưới bưu chính, viễn thông sau bão số 10. Ưu tiên khôi phục liên lạc đã mất cho các tuyến truyền dẫn quang, các trạm BTS của các mạng di động và mạng cáp ngoại vi.

* Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc khắc phục hậu quả cơn bão số 10. Công điện nêu rõ: bão số 10 đã đổ bộ vào đất liền, gây thiệt hại rất lớn cho các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Do ảnh hưởng của bão, dự báo trong một vài ngày tới ở một số địa phương còn có mưa to đến rất to, lũ trên các sông còn diễn biến phức tạp. Để chủ động đối phó với diễn biến mưa lũ, đồng thời khắc phục hậu quả do bão gây ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh phải theo dõi sát diễn biến mưa lũ để chỉ đạo ứng phó, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở, an toàn hồ chứa, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Các tỉnh bị thiệt hại nặng do bão số 10 gây ra phải khẩn trương tổ chức ngay việc kiểm tra nắm chắc tình hình thiệt hại để xử lý kịp thời: cứu chữa người bị thương, hỗ trợ các hộ gia đình có người bị chết, nhà bị sập đổ hư hỏng; huy động mọi nguồn lực để xử lý ách tắc giao thông, khắc phục sự cố thông tin, điện lực, xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân.


Cấp nhu yếu phẩm cho dân

Ngày 1-10, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thảm họa và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã quyết định cấp hỗ trợ khẩn cấp thuốc và áo phao cho Sở Y tế các tỉnh thành trong vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Theo đó, Hà Tĩnh: 60 cơ số thuốc, 65.000 viên Cloramin B, 300 áo phao; Quảng Bình: 50 cơ số thuốc, 500.000 viên Cloramin B, 100 áo phao; Quảng Trị: 50 cơ số thuốc, 500.000 viên Cloramin B, 100 áo phao; Thừa Thiên - Huế: 50 cơ số thuốc, 100.000 viên Cloramin B, 100 áo phao, 50.000 viên Aquatab; Đà Nẵng: 50 cơ số thuốc, 500.000 viên Cloramin B, 100 áo phao và một số địa phương khác.

Ngày 1-10, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quyết định trích Quỹ cứu trợ thiên tai để cứu trợ ban đầu cho người dân ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị bị thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 10. Theo đó, hỗ trợ mỗi gia đình có người chết tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị 3 triệu đồng; mỗi tỉnh nhận 200 thùng hàng cứu trợ trị giá 500.000 đồng/thùng gồm: chăn, màn, thùng đựng nước, bộ đồ nấu ăn (xoong, chảo, ấm đun nước) để cấp phát miễn phí cho những hộ gia đình bị thiệt hại sau cơn bão.

NHÓM PV


Cảnh báo triều cường vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai

Ngày 1-10, Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 12-15 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp mới hình thành trên khu vực giữa biển Đông có vị trí vào chiều 1-10 ở khoảng 12,5 - 13,5 độ vĩ Bắc và 111,5 - 112,5 độ kinh Đông, nên khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) đang có thời tiết rất xấu. Mưa trên diện rộng, tầm nhìn ngắn. Cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh. Ngoài ra, vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận, khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.

Hiện ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa rất to do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão. Từ đêm ngày 1 đến 2-10, lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục lên. Hiện nay hồ chứa Sông Tranh đang mở hoàn toàn các cửa xả tràn, mức nước hiện tại là 140,71m, cao trình ngưỡng tràn 161m. Ngoài ra, có 12 hồ đang xả điều tiết, cụ thể: A Lưới, A Vương, Sông Ba Hạ, Hồ A Thủy điện Vĩnh Sơn, Buôn Tua Sha, Buôn Kuốp, Srêpốk 3, An Khê, Play Krông, Ialy, Sê San 3, Sê San 4.

Tại các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, mực nước hồ chứa thủy lợi đang tích phổ biến ở mức từ 70%-100% so với thiết kế. Hiện có 11 hồ đang xả tràn gồm: Sông Mực, Yên Mỹ (Thanh Hóa), Vực Mấu, Vệ Vừng, Khe Đá (Nghệ An), Kẻ Gỗ, Sông Rác, Thượng Tuy (Hà Tĩnh), Tiên Lang (Quảng Bình), Bảo Đài (Quảng Trị), Hòa Mỹ (Thừa Thiên - Huế). Có 31 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, phải tổ chức lực lượng thường trực 24/24 giờ tại công trình, chuẩn bị vật tư dự phòng để kịp thời ứng cứu khi tình huống xấu xảy ra.

* Cùng ngày, theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai đang lên theo kỳ triều cường đầu tháng 9 âm lịch và sẽ còn tiếp tục lên trong các ngày sắp tới. Mực nước đỉnh triều sáng ngày 1-10 tại trạm Phú An là 1,12m, tại trạm Nhà Bè là 1,06m. Dự báo đỉnh triều cường cao nhất trong đợt triều này tại hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ xuất hiện trong các ngày từ 6 đến 8-10.

Mực nước đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) và tại trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) có khả năng ở mức 1,48 - 1,53m (tương đương mức BĐIII). Thời gian xuất hiện đỉnh triều buổi sáng từ 5 - 7 giờ và buổi chiều 17 - 19 giờ.

PHÚC HẬU - TRƯƠNG NGỌC


ĐBSCL: Phòng chống lũ đầu nguồn

Hiện các huyện đầu nguồn ở Đồng Tháp đang tập trung chống lũ để đảm bảo tính mạng, tài sản và hoa màu cho nông dân. Mực nước ở huyện đầu nguồn Hồng Ngự trung bình mỗi ngày lên từ 10cm - 20cm, chỉ thấp hơn mực nước năm 2011 khoảng 60cm. Nước lũ lên nhanh đã làm sạt lở một số đoạn đường giao thông và khu dân cư ở các xã Thường Phước 1, Thường Thới Hậu A và Long Thuận.

Tại thị xã Hồng Ngự, nước lũ lên nhanh làm vỡ miệng cống Xẻo Tre thuộc phường An Lạc và ô bao khu II xã Tân Hội, nước tràn vào lúa vụ 3 đang trong thời kỳ trổ chín. Tại khu vực chùa Phật Nổi, ấp Tân Phú A, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình cũng xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 50m, có nơi ăn sâu vào đất liền từ 2 - 3m.

Tại An Giang, đến cuối tháng 9-2013, các địa phương đã khảo sát nhu cầu, xây dựng kế hoạch, triển khai công tác giữ trẻ mùa nước nổi nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ em đuối nước. Trước mắt, huyện đầu nguồn An Phú có 2 điểm giữ trẻ mùa lũ với 70 em; huyện Chợ Mới 4 điểm (110 em), tập trung ở 2 xã cù lao (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp) và huyện Thoại Sơn có 3 điểm ở 3 xã Phú Thuận, Thoại Giang, Định Thành… Các em ngoài việc được bảo vệ, chăm sóc, mỗi trẻ được hỗ trợ 15.000 đồng/ngày và được đưa rước đối với các trường hợp gia đình không có phương tiện đưa trẻ đến các điểm tập trung.

VĂN THI - AN GIANG

- Bão số 10 đổ bộ vào đất liền: Miền Trung tan hoang

Tin cùng chuyên mục