Cùng một chiếc nhẫn vàng trang sức 18k 2,5 chỉ nhưng giá bán tại các tiệm vàng chênh nhau khoảng 700.000 đồng đến 1 triệu đồng. Người tiêu dùng không biết rằng, số tiền chênh lệch ấy là do người bán rút ruột hàm lượng vàng trong sản phẩm dù nhẫn có đóng dấu vàng 18k nhưng chỉ là vàng 4 - 5 tuổi thay vì 7,5 tuổi.
Mua đâu bán đó
Cách đây 3 tháng, chị Nguyên Hạnh (quận 3) mua 1 đôi bông tai 6,5 phân vàng 18k với giá 2,5 triệu đồng đồng và 1 chiếc nhẫn 2 chỉ vàng 24k với giá hơn gần 9 triệu đồng tại một tiệm vàng trên đường Phó Cơ Điều, gần chợ Thiếc quận 11. Do muốn đổi kiểu nên chị đến một tiệm vàng trên đường Nguyễn Đình Chiểu quận 3 để bán nhưng chị được tiệm vàng này thu vào 2 món nữ trang chưa đến 8 triệu đồng với lý do “vàng yếu”. Chị Hạnh thắc mắc: “Rõ ràng trên nhẫn và đôi bông tai có đóng dấu vàng 18k và 24k tại sao bảo vàng yếu, không đủ tuổi? Giá vàng hiện tại chỉ giảm khoảng 70.000 đồng/chỉ so với thời điểm tôi mua trước đây nhưng sau khi trừ tiền công ra, tôi phải lỗ tiền vàng đến gần 2 triệu đồng”.
Không đồng ý vì bị ép giá, chị Hạnh mang 2 món nữ trang này đến tiệm vàng chị mua trước đây thì được thu vào với giá hơn 9 triệu đồng. Tương tự, chị Nam Hoài (quận 1) cho biết, chị mua một chiếc nhẫn đá quý hàng nhập trong trung tâm thương mại lớn tại quận 1 cách đây 3 năm. Khi mua, chị Hoài được cửa hàng cho biết không thu lại sản phẩm mặc dù vẫn cung cấp chứng chỉ đá quý và hóa đơn ghi rõ nhẫn vàng 18k, 2,5 chỉ.
Cách đây 1 tuần, chị Hồng mang nhẫn ra tiệm vàng trên đường Lê Lợi quận 1 bán để mua nhẫn mới thì được cho biết hàm lượng vàng trong nhẫn chỉ có 68% (tức 6,8 tuổi) chứ không phải 75% (7,5 tuổi) nên thu vào với giá rất rẻ. “Khi mua tôi trả tiền cho giá vàng 18k, họ có ghi rõ trong hóa đơn và đóng dấu trên nhẫn, vậy làm sao tôi biết được vàng có đủ tuổi hay không, hơn nữa tôi mua tại một trung tâm thời trang lớn chứ đâu phải mua hàng trôi nổi ngoài chợ?” - chị Hoài bức xúc.
Nói về chất lượng vàng trang sức hiện nay, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TPHCM thừa nhận, thị trường vàng trang sức đang bị thả nổi, vàng trang sức kém chất lượng được đưa ra thị trường ngày càng nhiều, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. “Để cạnh tranh lẫn nhau, người ta đua nhau hạ tiền công thợ. Người thợ bị tác động của giá vàng nguyên liệu quá cao, sự hao hụt trong quá trình sản xuất, tiền công chế tác sản phẩm không đủ bù hao hụt làm cho người thợ không thể sống được nên không còn cách khác là họ cho ra những sản phẩm kém chất lượng, bị hạ tuổi vàng, bị độn lót bên trong để lừa dối người tiêu dùng” - ông Dưng cho hay.
Tại thị trường Việt Nam, giá của một món trang sức được tính dựa trên các yếu tố: tuổi vàng, trọng lượng, tiền công thợ và một số chi phí hao hụt trong pha chế, chế tác và phụ liệu. Vì vậy, mỗi nơi bán ra một sản phẩm trang sức tự hạch hoán phần hao phí này mỗi khác làm cho người tiêu dùng rất mơ hồ và nghi vấn. Chính vì thế, hiện thị trường đang thực hiện theo cơ chế tự điều chỉnh giữa người mua và người bán trên nguyên tắc “mua gì bán nấy, mua đâu bán đó”.
“Loạn” tiêu chuẩn
Thực tế chất lượng vàng nữ trang luôn là vấn đề nhức nhối phát xuất từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân cơ bản là do sự sơ hở về chính sách quản lý thị trường vàng của cơ quan nhà nước. Thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã nhiều lần vào cuộc kiểm tra nhưng đành bó tay vì không thể xử lý. Trong bộ tiêu chuẩn quốc gia về vàng có đến 17 tiêu chuẩn và được chọn đến 4 phương pháp thử. Chính vì lợi dụng quá nhiều về tiêu chuẩn nên các DN tự công bố, đóng ký mã hiệu về chất lượng đủ loại, muôn hình vạn trạng nên người tiêu dùng chỉ có cách tin vào người bán. Chính vì vậy, khi kiểm tra chất lượng DN nào cũng đúng theo công bố chất lượng thuộc các tiêu chuẩn vàng vì có quá nhiều cách lách.
Để lấy lại niềm tin của thị trường và xóa bỏ tâm lý của người tiêu dùng rằng: chất lượng vàng trang sức là lĩnh vực mà người mua luôn bị ép và bị lừa, còn những DN bán vàng thì giàu lên từng ngày, cơ quan nhà nước phải can thiệp ngay bằng những quy định cụ thể, chi tiết về tiêu chuẩn chất lượng vàng trang sức, vàng mỹ nghệ trên thị trường.
Để người dân không phải mua các sản phẩm vàng kém chất lượng, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty PNJ, cho rằng cần thiết phải có một trung tâm kiểm định thứ ba kiểm định chất lượng vàng. “Nếu tất cả các sản phẩm nữ trang đưa ra thị trường được công ty kiểm định vàng độc lập kiểm định và đóng dấu thì người tiêu dùng khi mua nữ trang sẽ chọn những sản phẩm có đóng dấu chất lượng để không phải “mua ở đâu, bán ở đó” như hiện nay” - bà Cúc nói.
| |
Hạnh Nhung