Nhu cầu văn hóa, thông tin, giải trí trong xã hội ngày càng cao thì việc sáng tạo tác phẩm và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ càng được khích lệ. Việc sáng tạo tất yếu phải đi kèm với bảo vệ thành quả sáng tạo. Đó là trí lực rất đáng trân trọng và được luật pháp thừa nhận, được xã hội khuyến khích. Và khi bản quyền bị xâm phạm tràn lan đồng nghĩa với việc triệt tiêu sức sáng tạo, một động lực thúc đẩy phát triển xã hội. Đó là mối nguy hại rất lớn trong bối cảnh ta đang xây dựng nền kinh tế tri thức và nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bản quyền phần mềm của Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể. Mấy năm qua, Việt Nam đã chi nhiều triệu USD cho việc mua bản quyền, nhất là bản quyền phần mềm. Nhiều ngân hàng lớn, cơ quan nhà nước đã trang bị 100% phần mềm hệ điều hành có bản quyền. Nhà nước cũng đã mua bản quyền phần mềm văn phòng của Microsoft cho nhiều cơ quan quản lý từ cấp trung ương đến các địa phương.
Tuy nhiên theo cảnh báo của các tổ chức bảo vệ bản quyền thế giới, tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam vẫn còn cao, có thời điểm lên đến gần 85%. Ở các nước phát triển, không có gì xấu hổ hơn khi bị mang tiếng “ăn cắp bản quyền”, vì đó là kiểu tước đoạt trí tuệ, ý tưởng sáng tạo của người khác. Tình trạng vi phạm bản quyền tại nước ta đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực, nghiêm trọng nhất là trong lĩnh vực âm nhạc, ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, kỹ thuật số, chương trình máy tính… Các cơ quan chức năng đã vào cuộc và nhiều đơn vị vi phạm bị xử lý. Song song đó, quy định xử phạt vi phạm sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền phần mềm, đã được nâng lên tới mức 500 triệu đồng (trước đây tối đa là 30 triệu đồng). Hành vi vi phạm bản quyền phần mềm cũng được đưa vào khung xử lý hình sự với mức cao nhất lên tới 7 năm tù.
Qua đó, hiệu quả răn đe khá hơn, tuy nhiên vẫn chưa tạo ra bước chuyển biến cơ bản. Những vụ vi phạm vẫn xuất hiện ngày càng trầm trọng hơn. Việc các đài truyền hình trả tiền chạy đua giành mua bản quyền phát sóng các chương trình truyền hình của nước ngoài khiến bản quyền bị đẩy giá lên cao gấp bội, đã gây thiệt hại lớn cho người hưởng thụ trong nước.
Tình trạng này xuất phát từ mấy nguyên nhân: Nhận thức về bản quyền và bảo vệ bản quyền ở Việt Nam nói chung còn hạn chế; hệ thống thực thi bảo vệ bản quyền còn thiếu về nhân lực và non kém về chuyên môn. Điều này thấy rõ khi tại nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam thường không có bộ phận chuyên trách về bản quyền; nhân sự có năng lực chuyên môn đúng nghĩa về bản quyền trong cả nước chỉ trên 300 người.
Để khắc phục triệt để nạn xâm phạm bản quyền, trước tiên cần có khung pháp lý rõ ràng hơn cùng với việc giáo dục pháp luật phải được coi trọng và triển khai sâu rộng; tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả - tác phẩm; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm. Bảo vệ bản quyền phải là vấn đề đạo đức xã hội mà mọi cá nhân, tập thể, tổ chức phải tuân thủ.
Nạn xâm phạm bản quyền đang gióng lên hồi chuông báo động, các cơ quan chức năng cần nhập cuộc mạnh mẽ. Đây là lương tâm, là trách nhiệm và uy tín quốc gia khi nước ta đã gia nhập WTO và đang trên bước đường hội nhập, phát triển toàn diện.
X.THÁI