Tình trạng đào xới, đường sá xuống cấp ở phố cổ Hội An

Bao giờ di sản được… “yên bình”?

Bao giờ di sản được… “yên bình”?

Suốt 3 năm qua, người dân phố cổ và du khách đến Hội An thường bắt gặp hình ảnh đất đá, biển báo, rào sắt chắn ngang. Phố cổ có quá nhiều hố sâu, ao rộng, mương dài…

  • Gõ cửa tỉnh… cũng không xong
Bao giờ di sản được… “yên bình”? ảnh 1

Dự án trùng tu khu phố cổ Hội An, do Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Khởi công từ tháng 6-2006, dự án gồm các hạng mục thi công chạy ngầm hệ thống điện, cáp viễn thông-truyền hình, hệ thống cấp thoát nước; lát đá lại lề đường, thảm nhựa mặt đường… Theo kế hoạch, dự án hoàn thành tháng 9-2007, nhưng đến nay mọi việc vẫn... dang dở.

Chính vì thế, bây giờ đến khu phố cổ, chỗ nào cũng thấy đào đường. Từ ngã tư chính trong khu phố cổ (đường Trần Phú-Lê Lợi, Nguyễn Thái Học–Lê Lợi, Hoàng Văn Thu ï- Nguyễn Thái Học… ) bị đào lên, rào chắn cả tháng trời không có lối đi. Cạnh đó, không thể đếm xiết bao nhiêu hố sâu, ao rộng... Nhóm dân cư ở đường Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thái Học (phường Minh An, TP Hội An) than phiền: Tiếp xúc cử tri, gặp gỡ nhiều lần rồi, chúng tôi có đặt câu hỏi, song chỉ nghe hứa “sắp hoàn thành”. Tiếp tục kiến nghị nhưng cũng chẳng tới đâu. Ban đầu, người dân phố cổ cảm thấy phiền lòng nhưng nay thì ai ai cũng bức xúc ra mặt, bởi đã ảnh hưởng thật sự đến sinh hoạt thường nhật lẫn chuyện làm ăn.

Ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND TP cũng than phiền: Hạ tầng kỹ thuật ở Hội An còn kém, nâng cấp, cải tạo là cần thiết. Chúng tôi luôn tạo thuận tiện cho đơn vị thi công. Song, đào đường cứ như cơm bữa ở khu phố cổ, thật khó mọi bề cho địa phương. Chúng tôi đã chủ động mời sở trao đổi, bàn kế hoạch chỉ đạo thi công sao cho gọn, không để ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, bộ mặt của di sản. Cũng đã gõ cửa đến UBND tỉnh và có nhiều phiên họp chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Đáng tiếc mọi việc vẫn thế!.

  • Không còn là chính mình

Một trong những nguyên nhân gây chậm tiến độ là do các bên chưa phối hợp đồng bộ. Cụ thể, với dự án tôn tạo cơ sở hạ tầng khu phố cổ có 3 nhà thầu thi công, trong đó Công ty Xây dựng cấp thoát nước Quảng Nam chiếm khối lượng lớn. Công ty này nhận thầu xong, chia nhỏ cho các đơn vị khác... Để rồi, nhiều tuyến đường đã xong thì bên cấp thoát nước lại đào lên để... làm phần việc của mình. “Hội An chấp nhận “đau” một lần, trong thời gian ngắn thôi, nhưng đến nay đã hơn 500 ngày đêm trôi qua... đón khách như thế này, chúng tôi bị phản ứng”, ông Bay cho biết thêm như vậy.

Đi trên nhiều tuyến phố, du khách có cảm giác như đang bị xua đuổi. Mấy tấm biển báo với nội dung như: “Công trình đang thi công, xin vui lòng đi lối khác”. Mà có không “vui lòng” thì cũng đành phải... quay lui. Du khách bắt đầu âu lo giùm cho phố cổ, chị Bodil Lotholm, người Thụy Điển nói: “Tôi rất thích tản bộ dưới những mái nhà cổ. Nhưng hôm nay trời mưa, lại có nhiều hầm hố và đất đá. Đành thôi. Tôi rất tiếc. Hy vọng việc sửa chữa được tiến hành hết sức cẩn trọng, đừng để di tích cổ không còn là chính mình nữa”.

Không riêng gì việc thi công nói trên, các tuyến đường trong khu phố cổ, cũng như các tuyến nội thị Hội An khác (nơi có nhiều di tích phục vụ tham quan) xuống cấp nặng nề, đã khiến Hội An mất dần thiêïn cảm trong mắt du khách. Điển hình là các tuyến Thái Phiên, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Châu Trinh, Cửa Đại... Nhiều đoạn, lớp nhựa bị bóc sạch, trơ ra toàn đất, mưa xuống là bùn nhầy nhụa.

Đặc biệt, hệ thống thoát nước đã quá “già cỗi”, sau một trận mưa to là đường trở thành... sông. Ông Năm Doãn, người đã sống (ở số 137 đường Trần Phú, phường Minh An) gần cả đời người với phố cổ than vãn:“Mùa mưa, đường này nước ngập liên miên. Không thuộc đường thì dễ rơi xe xuống mấy cái hố, ổ voi. Chúng tôi cứ mỗi lần họp tổ-khối, họp toàn phường đều đã kêu cứu, chỉ được trả lời là công trình đang được triển khai. Không biết các cơ quan chức năng có hiểu thấu được tình cảnh người dân ở đây? Hơn nữa, làm du lịch theo kiểu... “không đường” thì chết...!

Cảnh nhếch nhác, ngổn ngang trên bao giờ chấm dứt, trả lại cho một Hội An “rêu phong xưa” để đón du khách từ muôn nơi đổ về?.

Minh Hải

Tin cùng chuyên mục