Vươn khơi xa bám biển dài ngày, ngư dân miền Trung thường xuyên đối mặt với những nguy hiểm như: bão biển, đâm va… khiến tàu chìm, hư hại. Thế nhưng, đến nay phần lớn tàu cá không mua hoặc mua với tỷ lệ rất thấp bảo hiểm thân vỏ - máy tàu.
Lằng nhằng thủ tục chi trả
Mấy ngày nay, ông Nguyễn Chí Thạnh (ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) - chủ tàu cá QNg 96084 đứng ngồi không yên. Chẳng là ngày 10-6, tàu của ông bị cháy rồi chìm nghỉm khi đang trên đường ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt. 16 ngư dân đi trên tàu may mắn được tàu khác tiếp cứu sống sót đưa về đất liền an toàn. Cả đời ông Thạnh đi biển tích cóp rồi chạy vạy vay mượn hàng xóm mới đủ tiền đóng được con tàu ra khơi. Giờ đây, gia tài lớn nhất đã tiêu tan, bảo hiểm thân tàu cũng không có, ông không biết lấy tiền đâu trả nợ, đóng lại tàu mới.
Cũng như ông Thạnh, còn hàng ngàn trường hợp tàu cá miền Trung không mua bảo hiểm hoặc mua với tỷ lệ thấp nên mỗi khi xảy ra tai nạn trên biển là chủ tàu đứng trước nguy cơ phá sản. Theo nhiều ngư dân, sở dĩ các chủ tàu không mặn mà với việc mua bảo hiểm vì những dích dắc trong thủ tục giấy tờ khi có sự cố xảy ra và phí bảo hiểm phải chi trả hàng năm quá cao.
Thuyền trưởng Lê Văn Sang, chủ tàu hậu cần nghề cá ĐNa-90444TS lớn nhất miền Trung và là người đồng sở hữu tàu cá vỏ sắt đầu tiên của Đà Nẵng Sang Fish 01, cho rằng “người mua bảo hiểm như cầm đằng lưỡi, còn công ty bảo hiểm cầm cán”. Anh Sang giải thích: “khi mua bảo hiểm thì chủ tàu bỏ hàng chục triệu đồng ra mua cái rẹt, nhưng khi lỡ có tai nạn xảy ra thì không biết đến khi nào mới được nhận tiền chi trả.
Cụ thể, vợ chồng anh Sang là chủ một tàu cá có mua bảo hiểm nhưng khi tàu chìm đến nay đã 1 năm rưỡi mà vẫn chưa nhận được tiền bảo hiểm vì thủ tục rườm rà. “Đối với những chủ tàu bị chìm tàu, trên vai họ đã biết bao nhiêu mối lo cơm-áo-gạo-tiền cho gia đình và cho cả bạn (lao động làm thuê trên tàu - PV), thậm chí là nợ ngân hàng, trong khi bảo hiểm không xác nhận là thời gian nào sẽ chi trả bảo hiểm. Không thể chờ đợi tiền bảo hiểm, khi tàu xảy ra tai nạn, vì mưu sinh nên các chủ tàu phải đi vay tiền sửa chữa để tiếp tục ra khơi đánh bắt cá.
Lằng nhằng trong việc chi trả bảo hiểm, trong khi chi phí hàng năm để mua bảo hiểm toàn bộ thân vỏ và máy tàu trị giá từ 3 tỷ đồng trở lên có mức phí trên 30 triệu đồng/chiếc, là khoản tiền rất lớn khiến nhiều chủ tàu chấp nhận “đánh bạc” với biển trong những chuyến khơi xa.
Không những thế, ngư lưới cụ và các trang thiết bị trên tàu như máy tầm ngư, máy định vị có tổng giá trị ngang với con tàu nhưng các công ty bảo hiểm dường như không bán bảo hiểm loại hình này. Vì thế, mỗi khi có bão biển hoặc bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, các chủ tàu đành phải cắt lưới bỏ chạy.
Chưa có bảo hiểm ngư lưới cụ
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Kim Thái, Giám đốc Chi nhánh Bảo Việt Đà Nẵng, cho biết: Trong số 260 tàu đánh bắt xa bờ của Đà Nẵng thì chỉ có 60 tàu mua bảo hiểm. Trong đó chỉ số ít mua bảo hiểm toàn bộ thân vỏ và máy tàu, số còn lại là mua với tỷ lệ thấp.
Có trường hợp, trị giá con tàu 5 tỷ đồng, nhưng chủ tàu chỉ mua 1/10 giá trị vì chủ tàu chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc mua bảo hiểm và coi việc mua bảo hiểm là… xa xỉ phí. Vì thế, trong 1 năm, tổng số tàu của Đà Nẵng mua bảo hiểm chưa tới 1 tỷ đồng.
“Dịch vụ bảo hiểm tàu cá có rủi ro rất cao (bão biển, tai nạn) nên các công ty bảo hiểm không mặn mà khi kinh doanh dịch vụ này, vì chưa bao giờ có lãi. Tuy nhiên, vì mục đích lâu dài nên các công ty bảo hiểm vẫn phải duy trì” - ông Thái cho biết. Các công ty không cung cấp dịch vụ bảo hiểm ngư lưới cụ và trang thiết bị trên tàu, vì bảo hiểm thân vỏ và máy tàu đã là rủi ro rất lớn, trong khi bảo hiểm ngư lưới cụ còn rủi ro cao hơn nữa. Vả lại, ngư lưới cụ, thiết bị tầm ngư… mặc dù có giá trị rất lớn nhưng lại dễ di chuyển từ nơi này sang nơi khác nên không có công ty bảo hiểm nào dám cung cấp dịch vụ này.
Thuyền trưởng Lê Văn Sang cho rằng, đối với các thiết bị có giá trị lớn từ vài trăm triệu đồng trở lên như máy tầm ngư thì các nhà cung cấp dịch vụ nên liên kết với công ty bảo hiểm nào đó để cung cấp bảo hiểm chứ khi đã bán cho chủ tàu rồi thì lại làm khó cho chủ tàu vì không mua được bảo hiểm.
Trong bối cảnh tình hình biển Đông phức tạp, việc mua bảo hiểm tàu cá là cần thiết hơn bao giờ hết. Nếu không, mỗi chuyến ra khơi là những canh bạc với biển trời mênh mông.
| |
NGUYÊN KHÔI - HÀ MINH