
Bài 1: Con dao hai lưỡi
(SGGP-12G).- Chủ nghĩa bảo hộ thương mại trên thực tế đã trở thành vấn đề gây tranh cãi từ rất lâu, với vô số những lý lẽ không thể thuyết phục được nhau của cả bên ủng hộ cũng như bên phản đối. Chủ đề này càng trở nên nóng bỏng hơn vào thời điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, khi nhiều nước phương Tây dù ra sức hô hào ủng hộ tự do thương mại, trong khi mặt khác vẫn đưa ra những quyết định nhằm bảo hộ nền kinh tế trong nước…
Vấn đề của lịch sử
Dù vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng phần lớn các chuyên gia kinh tế thời hiện đại đều thống nhất cho rằng, tương quan giữa những tác hại và lợi ích của chủ nghĩa bảo hộ thương mại là 2:1, đồng nghĩa với biện pháp này có nhiều tác động xấu hơn gấp đôi so với những lợi ích nó mang lại cho từng quốc gia.
Còn theo ý kiến của cựu Giám đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ Alan Greenspan, những chính sách kiểu như vậy sẽ làm thui chột tính chất cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế. Chưa kể chủ nghĩa bảo hộ thương mại còn được coi là nguyên nhân của nhiều cuộc chiến tranh. “Khi hàng hóa không thể vượt qua các biên giới thì quân đội sẽ giúp làm điều này” - chuyên gia kinh tế người Pháp Frederic Bastia trong thế kỷ XIX đã từng phát biểu như vậy.

Các chính sách bảo hộ vẫn đang là một trong những vật cản lớn của tiến trình toàn cầu hóa
Thực tế cho thấy trong giai đoạn thế kỷ XVII và XVIII, đã có không ít những cuộc xung đột giữa các cường quốc châu Âu xuất phát từ những chính sách bảo hộ thương mại của các chính phủ nước này.
Ví dụ như cuộc chiến Anh - Hà Lan đầu tiên (1652-1654) nổ ra khi Quốc hội Anh thông qua đạo luật hàng hải, theo đó hàng hóa của châu Phi, châu Á, châu Mỹ chỉ có thể được đưa vào Anh trên những con tàu của Anh; còn hàng hóa châu Âu cũng chỉ được hạn chế chở bằng tàu của Anh vào nước này hoặc bằng đúng tàu của chính quốc gia xuất khẩu loại hàng đó.
Còn những người chống lại chính sách thương mại tự do thì ngược lại gọi chủ nghĩa bảo hộ là biện pháp bảo vệ các nhà sản xuất. “Trong thương mại tự do, thương gia là một quý ngài, còn nhà sản xuất chỉ là một nô lệ” - phát biểu của tổng thống thứ 25 của nước Mỹ Wiliam McKinley - “Chủ nghĩa bảo hộ là quy luật tự nhiên, quy luật tự vệ, tự phát triển, là một phương pháp để đảm bảo cho một tương lai tốt hơn cho nhân loại…”.
Cũng theo những người này, chủ nghĩa bảo hộ trong nhiều giai đoạn lịch sử đã là nguyên nhân chính dẫn tới bùng nổ kinh tế cho nhiều quốc gia như Anh thời điểm trước năm 1850, Mỹ trong giai đoạn 1860-1914, Đức (1870-1914), Nhật (1950-1990)… Còn Anh do chuyển sang chính sách ủng hộ tự do thương mại từ năm 1860 đã nhanh chóng mất vị trí cường quốc hàng đầu về tay Mỹ, trước khi còn bị cả Đức vượt qua.
Đạo luật Smoot - Hawley
Trong lịch sử, nền kinh tế hàng đầu thế giới như nước Mỹ đã không ngần ngại áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại trên tư thế của “kẻ mạnh” chỉ vì những quyền lợi riêng của kinh tế trong nước. Tuy nhiên, không phải bao giờ những biện pháp đơn phương như vậy cũng đem lại hiệu quả, khi chúng thường gặp phải sự chống đối quyết liệt không những từ phía các quốc gia khác mà còn từ nhiều doanh nghiệp của chính nước Mỹ. Điển hình như trường hợp đạo luật Smoot - Hawley đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế Mỹ cũng như toàn thế giới.
Bất đầu từ những năm 20 của thế kỷ trước, khi ngành nông nghiệp Mỹ rơi vào một giai đoạn khó khăn nghiêm trọng, ứng cử viên Herbert Hoover trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 1928 đã hứa hẹn sẽ giúp đỡ các chủ trang trại Mỹ bằng cách tăng thuế đối với các hàng hóa nông nghiệp nhập khẩu. Ngay sau khi Hoover đắc cử, dự thảo về đạo luật này đã được giao cho thượng nghị sĩ Rid Smoot và nghị sĩ Willis Hawley nghiên cứu soạn thảo. Tháng 5-1929, dự thảo đạo luật Smoot - Hawley được đưa ra điều trần trước quốc hội và xuất hiện trên bàn của tổng thống để chờ ký ban hành.
Thực tế cho thấy, nhiều nước phát triển trong khi luôn hô hào về chính sách bảo vệ tự do thương mại nhưng vẫn lẳng lặng triển khai các biện pháp bảo hộ mậu dịch cho nền kinh tế của chính mình. Ví dụ điển hình cho chính sách này là quyết định của Tổng thống Mỹ George Bush vào tháng 3-2002. Ngay trong lúc tuyên bố tăng thuế đối với thép nhập khẩu từ châu Âu, ông Bush vẫn mạnh miệng tuyên bố: “Chúng ta là một dân tộc luôn tuân thủ các nguyên tắc tự do thương mại và để cho nguyên tắc trên có thể tồn tại, chúng ta cần triển khai đạo luật tương tự như tôi đang làm hiện nay”. |
Tháng 9-1929, Nhà Trắng đã nhận tổng cộng 23 công hàm phản đối của các nước đối tác với Mỹ về dự thảo luật này. Chính phủ các nước này đều khẳng định sẽ nâng thuế đối với các hàng hóa xuất khẩu của Mỹ để trả đũa nếu Washington quyết định ban hành đạo luật trên.
Chống lại đạo luật này còn có phần lớn các thương gia hàng đầu của nước Mỹ, khi tất cả đều lường trước được hậu quả từ những đòn trả đũa của các đối tác.
Tháng 5-1930, đã có tổng cộng 1.028 nhà kinh tế của Mỹ cùng ký vào một lá đơn thỉnh cầu gửi lên Nhà Trắng vì đạo luật trên. Trùm tư bản về ô tô Henry Ford đã dành cả một buổi tối để tới Nhà Trắng thuyết phục Tổng thống Hoover không ký ban hành đạo luật mà ông này gọi là “một hành vi ngu xuẩn về kinh tế”.
Còn Thomas Lamont - Giám đốc Ngân hàng Đầu tư J.P.Morgan khi đó - theo như lời chính ông, đã gần như phải quỳ xuống van nài người đứng đầu đất nước không nên đặt bút ký vào cái “đạo luật ngớ ngẩn” trên. Bản thân Herbert Hoover cũng tỏ ra chần chừ thực sự khi ông cho rằng, Smoot và Hawley đã “đi quá xa” trong việc soạn thảo đạo luật. Nhưng cuối cùng tổng thống cũng phải đặt bút ký do sức ép từ chính đảng Cộng hòa của mình, vốn từ trước đó luôn có khuynh hướng theo đường lối bảo hộ mậu dịch.
Chính thức có hiệu lực vào ngày 17-6-1930, đạo luật Smoot-Hawley đã áp giá thuế tăng lên gấp đôi đối với hơn 20.000 mặt hàng nhập khẩu khác nhau. Hậu quả là hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn 1929-1933 đã giảm tới 66%, trong khi hàng hóa xuất khẩu cũng giảm tới 61%. Tính chung, tổng giá trị thương mại toàn cầu giai đoạn 1929-1934 đã giảm tới 66%. Dù không thể đổ hết lỗi về tình trạng suy thoái này cho đạo luật bảo hộ Smoot-Hawley nhưng chắc chắn nó đã gây ra những tác động hết sức tồi tệ đối với nền kinh tế thế giới.
Bài 2: Bảo hộ sẽ làm trầm trọng thêm khủng hoảng?
Có một thực tế là nhiều chính trị gia hiện nay bề ngoài luôn đồng ý với quan điểm cho rằng bảo hộ mậu dịch sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế đang xảy ra. Tất nhiên, không một quan chức nào lại muốn vào đúng thời điểm khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp của đất nước mình lại phải hứng chịu những rào cản tại các thị trường nước ngoài. Nhưng mặt khác, họ lại cũng thầm mong tạo điều kiện ưu ái hơn cho “người nhà” tại thị trường của chính mình, mà một trong những phương pháp hữu hiệu là gây khó khăn cho “đội khách”.
“Trò chơi ái quốc” trong bảo hộ thương mại

Các quốc gia vẫn không e ngại dựng lên những hàng rào thuế quan vì mục đích bảo hộ hàng hóa nội địa.
Chính sách bảo hộ dù sao vẫn là con dao hai lưỡi khi sử dụng, có thể làm phức tạp thêm tình hình, thậm chí làm bùng nổ những cuộc chiến thương mại. Lời cảnh báo này đã được nhắc tới không phải một lần trong hội nghị thượng đỉnh G-20 hồi tháng 4 vừa qua tại London.
Đáng chú ý là những nguyên thủ tham gia hội nghị này trong cuộc gặp gỡ trước đó tại Washington (trong 2 ngày 15, 16-11-2008) đều cam kết sẽ không dựng lên những rào chắn thương mại tại thị trường của mình. Nhưng thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy.
Theo một báo cáo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chỉ trong vòng có 4 tháng rưỡi giữa hai hội nghị thượng đỉnh tại Washington và London, các nước thành viên G-20 đã cho triển khai 47 chính sách mang tính chất bảo hộ thương mại. “Các quốc gia thi nhau dựng lên những rào chắn thương mại để bảo vệ lợi ích của bản thân mình” - đó là nhận xét của chuyên gia Richard Wrainer từ hãng luật Sidley Austin LLP khi trả lời phỏng vấn của phóng viên tờ The Wall Street Journal - “Kết cục của điều này sẽ kéo dài cũng như làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng”.
Nhiều người còn nhớ khi dịch bệnh bò điên bùng nổ năm 1986 ở Anh, hầu như tất cả các nước đều cấm nhập khẩu thịt bò từ bất cứ nguồn nào. Làn sóng tương tự cũng lan ra khắp thế giới khi xuất hiện dịch cúm gia cầm ở Hồng Công năm 1997. Mọi chuyện cũng diễn ra theo cùng một kịch bản khi thế giới hiện đang đương đầu với dịch cúm A/H1N1. Tất cả những sự kiện này khi được nhìn nhận từ một khía cạnh khác sẽ làm nổi bật lên một thực tế: Có không ít quốc gia đã lợi dụng những dịch bệnh này để áp dụng các biện pháp bảo hộ cho các nhà sản xuất nội địa.
Khi cân nhắc về những biện pháp mang tính bảo hộ, bản thân các chính trị gia cũng phải đương đầu với không ít sức ép cả ngoài nước và trong nước. Thông thường họ sẽ chọn giải pháp nội bộ vì vô số những lý do: Vì tự tôn dân tộc, vì an ninh quốc gia hay vì những quyền lợi có ý nghĩa chiến lược đối với đất nước… Những quyết sách đi ngược lại với những lợi ích trên thường sẽ bị chụp mũ là không có tinh thần yêu nước.
Lý thuyết khác xa hiện thực
Ví dụ về những quyết sách ái quốc như trên có thể liệt kê khá nhiều. Như nỗ lực cách đây không lâu của tập đoàn thép khổng lồ Mittal của Ấn Độ tìm cách mua lại Công ty luyện kim Arcelor do Pháp và Luxemburg sở hữu. Chính phủ Pháp khi đó đã chống lại thương vụ một cách rất quyết liệt, khiến Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Kamal Nath phải lên tiếng cảnh báo về một cuộc chiến thương mại chống lại Paris.
Trước đó vào năm 2005, khi có tin đồn Tập đoàn PepsiCo của Mỹ có thể thôn tính hãng Danone, một nhãn hiệu nổi tiếng được xếp vào loại truyền thống của Pháp, Bộ trưởng Tài chính Thierry Breton dưới sức ép của Quốc hội đã phải tìm mọi cách ngăn chặn khả năng thương vụ trên xảy ra.
Một năm sau đó lại xảy ra kịch bản tương tự liên quan đến hệ thống cảng biển của nước Mỹ. Vấn đề là nhà điều hành cảng biển lớn nhất thế giới Dubai Ports World (DP World) từ Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã mua lại hãng P&O của Anh, trước đó đang quản lý các cảng biển tại Mỹ. Sự kiện này đã gây ra những phản ứng quyết liệt từ các nghị sĩ Quốc hội Mỹ, những người cho rằng việc chuyển giao quyền kiểm soát 6 cảng lớn nhất của nước này cho một công ty của người Ả Rập sẽ đe dọa tới an ninh quốc gia.
Một loạt những cuộc đàm phán sau đó đã diễn ra với sự tham gia của các đại diện từ DP World, các quan chức chính quyền Bush và cả các nghị sĩ Quốc hội Mỹ. DP World sau đó đã đưa ra một tuyên bố nói rằng: “Để bảo vệ mối quan hệ hữu nghị Mỹ-UAE, DP World sẽ chuyển giao hoàn toàn quyền điều hành các cảng trước đó của P&O cho một công ty tại Mỹ”.
Chính quyền Tây Ban Nha lại đưa ra một lý lẽ khác để phong tỏa vụ Tập đoàn E.ON của Đức mua lại Công ty năng lượng Endesa của nước này. Dù Ủy ban châu Âu đã chấp thuận thương vụ trên nhưng Madrid vẫn kiên quyết phản đối với lý do, những hoạt động sát nhập trong lĩnh vực năng lượng cần phải có được thỏa thuận từ trước đó của chính phủ. Trên thực tế, giới lãnh đạo Tây Ban Nha muốn thành lập một tập đoàn siêu quốc gia nên ủng hộ việc bán Endesa cho Công ty Gas Natural cũng của Tây Ban Nha. Với sức ép trên, Endesa cuối cùng vẫn thuộc về người nước ngoài nhưng không phải người Đức mà là hai Công ty Acciona và Enel của Italia. Hồi tháng 2-2009 vừa rồi, Enel đã mua số cổ phần của Acciona và trở thành người sở hữu tới 92% cổ phần của Endesa.
Hàng loạt những ví dụ nêu trên chỉ cho thấy, những lời hô hào về ủng hộ tự do thương mại nhiều khi chỉ mang tính “sách vở”. Các quốc gia sẽ luôn luôn áp dụng những chính sách này hay chính sách khác không phải vì chúng mang tính hợp lý, mà do có lợi cho họ trong từng trường hợp cụ thể. Đó là lý do khiến những chính sách bảo hộ vẫn sẽ còn đất sống dài dài trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.
Linh Nga
(SGGP 12G)