(SGGP).- Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, khoảng 17 giờ ngày 30-9, tâm bão số 10 đã đổ bộ vào tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và ảnh hưởng một dải rộng trên khu vực Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ. Khi đổ bộ vào bờ, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh vẫn đạt cấp 11, giật cấp 12-13.
Dự báo sáng 1-10, bão đi sâu vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3-4m.
Trước đó vào sáng 30-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến kiểm tra công tác phòng chống bão số 10 tại một số tỉnh nằm trong vùng bão.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết, toàn tỉnh đã kêu gọi 2.508 chiếc tàu thuyền với 6.405 người vào nơi tránh trú bão an toàn, trong đó có 11 tàu với 70 người trú ẩn tại các tỉnh khác. Trên địa bàn toàn tỉnh đã sơ tán 2.614 hộ với 8.392 người tập trung ở các huyện ven biển. Số hộ dự kiến sơ tán ở các vùng ngập lụt, sạt lở, lũ quét là 10.507 hộ với 35.288 người. Tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành công thương và các đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng thiết yếu để cung ứng và cứu trợ khẩn cấp với số lượng 28.000 thùng mì tôm, 90 tấn gạo tẻ, 40.000 chai nước uống, 565.000 lít xăng, 780.000 lít dầu với tổng số tiền dự trữ trên 37 tỷ đồng.
Đến 16 giờ 30-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải xác định Quảng Bình là nơi hứng trọn toàn bộ đường đi của bão nên hậu quả để lại sẽ rất nặng nề và đã quyết định lập Sở Chỉ huy chống bão số 10 tại UBND tỉnh Quảng Bình. Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có cuộc họp với UBND tỉnh Quảng Bình về phòng chống bão số 10. Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết các máy bay từ Cam Ranh (Khánh Hòa) và từ Hà Nội sẵn sàng xuất phát ứng cứu khi có yêu cầu. Trong quá trình đi từ Quảng Trị ra Quảng Bình trong mưa bão, Đại tá Nguyễn Văn Hiếu, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, cho biết đã điều động 5 xe lội nước, 20 thuyền cứu hộ cứu nạn, 30 xe quân sự đặc chủng, gần 1.000 chiến sĩ và hơn 5.000 dân quân về giúp dân trong bão.
15 giờ ngày 30-9, trên QL 1A từ trung tâm tỉnh Quảng Trị ra các huyện phía Bắc, mưa mịt mù cộng gió bão giật trên cấp 10. Những đoàn xe lưu thông một cách chậm chạp hoặc dừng hẳn hai bên đường để tránh bão. Gió bão gầm rú dữ dội khiến một số người đang điều khiển xe máy phải bỏ lại phương tiện trên đường, tìm chỗ trú ẩn an toàn. Những cây cổ thụ hai bên đường bị gãy đổ, trốc gốc khiến QL 1A ngổn ngang. Biển quảng cáo đổ ngổn ngang. Nhà cửa bắt đầu đổ sập, nhiều người la khóc trong tiếng gió rít. Tại các vùng ven biển thuộc huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, sóng biển quật liên hồi vào bờ cao hơn 3m. Trong khi đó, thủy điện Đakrông 3 bị thủng một lỗ trên thân đập khiến gần 700 hộ dân phía hạ lưu đã di dời khẩn cấp lên khu vực cao vào trưa 30-9. Tại huyện đảo Cồn Cỏ, mưa, sóng to, gió mạnh đã làm tốc mái 100% nhà dân trên đảo, trụ sở UBND huyện đảo cũng bị gió to đập vỡ kính, hư hỏng.
Đến 17 giờ, đường phố Đồng Hới bị bão quần nát, cây cối ngã đổ, các tuyến đường liên huyện, liên xã của bị mưa lũ phong tỏa. Bão khiến hàng ngàn nhà dân và cơ quan công sở tốc mái. Trong khi đó tại xã Ngư Thủy Bắc có hơn 200 nhà dân bị tốc mái hoàn toàn. Đã có 2 người bị chấn thương nặng, một người ở huyện Quảng Trạch trong khi đi giúp dân chằng néo nhà cửa đã bị ngã bất tỉnh. Tại xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, anh Trần Văn Quyết (22 tuổi), chiến sĩ dân quân cơ động xã giúp Trường Tiểu học An Ninh chặt cành cây bị gãy, đã bị trượt chân ngã ở độ cao 10m gây chấn thương sọ não nặng. Tại chợ Đồng Hới, tiểu thương bỏ họp chợ từ sớm vì gió quần dữ dội. Khoảng 25.000 người dân được di dời đến các điểm an toàn.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Chủ tịch xã Bảo Ninh, nói: “Đây là cơn bão lớn nhất trong 10 năm qua, gió bão rất mạnh, cây cối trong các thôn gãy đổ rất nhiều”. Tâm bão quét qua địa bàn thành phố Đồng Hới, kéo dài đến Bố Trạch, quần thảo đến 21 giờ. Mọi thông tin chỉ có thể nắm bắt qua điện thoại nhưng sóng rất yếu do thời tiết bão quần thảo ảnh hưởng đến các trạm phát sóng. Ghi nhận ban đầu tại huyện Lệ Thủy có hơn 2.000 nhà dân bị tốc mái, trong khi đó lượng người bị thương tại Quảng Bình lên 7 người.
Đến 18 giờ tối 30-9, tỉnh Hà Tĩnh có mưa rất to trên diện rộng, một số nơi đạt đỉnh 200-300mm, đặc biệt là tại huyện ven biển Lộc Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh sóng biển đánh cao 6-7m, gió giật cấp 9, cấp 10. Nhiều huyện, thị xã trên địa bàn Hà Tĩnh đã mất điện hoàn toàn. Do sóng đánh quá mạnh khiến tuyến kè ven biển dài 250m đoạn qua thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng. Nước biển đã xâm thực sâu vào trong đất liền xã Thạch Kim. Hiện các lực lượng dân quân, công an địa phương đang tiếp tục được huy động đến ứng cứu, hộ kè, vận chuyển bao tải đất, đá hộc, gạch… ngăn nước tràn vào. Nhiều cây cối cổ thụ, panô áp phích trên các tuyến đường trung tâm TP Hà Tĩnh bị gió bão quật gãy đổ hàng loạt.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát và các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương đã trực tiếp vào huyện Lộc Hà và Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) thị sát và chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão.
Vấn đề lo nhất hiện nay là do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, nên từ chiều 30-9 đến ngày 1-10, mực nước trên các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế sẽ lên nhanh. Trong đợt lũ này, lũ thượng nguồn sông La (Hà Tĩnh) và các sông từ Quảng Bình đến Quảng Trị có khả năng lên mức báo động 2 - báo động 3; hạ lưu sông La, các sông ở Nghệ An và Thừa Thiên - Huế lên mức báo động 1 - báo động 2, có nơi trên báo động 2. Chính vì vậy, ngay sau khi bão đi qua, các địa phương tiếp tục triển khai các phương án để ứng phó với lũ dâng cao.
| |
NHÓM PV
Ảnh: MINH PHONG - DƯƠNG QUANG
- Miền Trung khẩn cấp ứng phó với siêu bão