(SGGPO).- Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, theo thống kê sơ bộ, bão số 11 đã làm 4 người chết tại Quảng Nam và Đà Nẵng; 5 người mất tích ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam; 69 người bị thương tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Nghệ An do sập cửa nhà và cây đổ.
Bão số 11 cũng làm 333 nhà bị sập, trôi (Quảng Trị: 02 nhà; Thừa Thiên Huế: 17 nhà; Đà Nẵng: 122 nhà; Quảng Nam: 181 nhà; Quảng Ngãi: 10 nhà; KonTum: 1 nhà); 11.818 nhà bị tốc mái, hư hỏng (Quảng Trị: 21 nhà; Thừa Thiên - Huế: 669 nhà; Đà Nẵng 5.449 nhà; Quảng Nam: 5.033 nhà; Quảng Ngãi: 577 nhà; Bình Định Định: 17 nhà, KonTum: 52 nhà); 1.698 nhà bị ngập (Thừa Thiên - Huế: 1686 nhà; KonTum: 12 nhà); 20 trường học bị tốc mái, hư hỏng (Quảng Trị: 4 trường; Quảng Ngãi: 15 trường; KonTum: 1 trường); 152 phòng học tốc mái, hư hỏng (Thừa Thiên Huế: 4 phòng; Đà Nẵng: 135 phòng; Quảng Nam: 11 phòng; KonTum: 2 phòng); 33 trụ sở cơ quan, bệnh viện bị ngập, tốc mái, hư hỏng (Quảng Trị: 5; Thừa Thiên - Huế: 3; Đà Nẵng: 13; Quảng Ngãi: 6; Kon Tum: 6).
|
Về nông nghiêp: 5.026 ha cây công nghiệp, lâm nghiệp bị gãy đổ: (Quảng Trị: 1 ha; Thừa Thiên - Huế: 580 ha; Quảng Nam: 2.974 ha; Quảng Ngãi: 1.451 ha; Bình Định: 20 ha); 151.740 cây ăn quả, cây xanh bị ngã đổ: (Đà Nẵng: 40.000 cây; Quảng Nam: 79.240 cây; Quảng Ngãi: 32.500 cây); 57 trang trại tại Quảng Nam bị tốc mái, hư hỏng, thiệt hại.
Về thủy sản: 41 tàu thuyền bị chìm: (Quảng Nam: 40 tàu; Quảng Ngãi: 1 tàu (bị chìm trong khu neo đậu)); 36 tàu thuyền bị hư hỏng: (Quảng Nam: 5 tàu; Quảng Ngãi: 30 tàu; Bình Định: 1 tàu).
Về thủy lợi: 43.597 m³ đất, đá, bê tông bị sạt, bồi lấp (Quảng Ngãi: 40.747 m3; Bình Định: 2.850 m³); 20 hồ đập loại nhỏ bị hư hỏng, sự cố (Quảng Ngãi: 18 cái; Kon Tum: 2 cái); 30m kè bị sạt lở tại Quảng Bình).
Ngoài ra, bão số 11 cũng làm 61.410 m³ khối lượng đường giao thông bị sạt lở, vùi lấp: (Quảng Nam: 2.500 m³; Quảng Ngãi: 54.500 m³; Bình Định: 2.500 m³; Kon Tum: 1.910 m³); 6 cầu, cống kiên cố ở Quảng Ngãi bị hư hỏng; 2 điểm dài 80m trên QL1 tại Quảng Nam bị ngập; hầm đường bộ Hải Vân bị mất điện lưới; đường Hồ Chí Minh nhánh Đông (tỉnh Kon Tum) sụt lở taluy dương tại 17 vị trí với khối lượng khoảng 1.400m³ gây ách tắc giao thông đến 17 giờ ngày 15-10, nhánh Tây (tỉnh Quảng Trị) bị ngập với chiều dài 40m gây ách tắc giao thông; QL 12, 15 (tỉnh Quảng Bình) bị ngập 02 điểm dài 80m; Quốc lộ 49B (TT Huế) bị ngập tại 7 điểm; Quốc lộ 14G (tỉnh Quảng Nam) bị ngập tại 2 điểm; Quốc lộ 14 (tỉnh Kon Tum) ngập 2 điểm dài 1.500m gây ách tắc giao thông.
Nhiều tuyến thuộc các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi bị ngập, sạt lở. Đường sắt bị ngập nước, sụt lở tại một số điểm làm 15 đoàn tàu phải dừng chờ tại các ga. Đến 16 giờ ngày 15-10 đã hoạt động trở lại.
Bên cạnh đó, bão số 11 cũng làm 95 trụ điện đổ, gãy (Thừa Thiên - Huế: 22; Đà Nẵng: 61; Quảng Ngãi: 12); 46.000m dây điện bị đứt (Thừa Thiên - Huế: 2.000m; Đà Nẵng: 44.000m); 15 trạm biến áp bị sự cố (Đà Nẵng: 14; Quảng Ngãi: 1);
Toàn bộ phụ tải tại 8 huyện, thị và khu phía Bắc thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế); thành phố Đà Nẵng và 1 huyện (Quảng Ngãi) bị mất điện.
Về Viễn Thông: 8 cột ăng ten bị gãy, đổ (Thừa Thiên Huế: 3; Quảng Ngãi: 5); 330 trạm BTS tại Quảng Ngãi bị sự cố.
Hiện các địa phương đang triển khai công tác khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường nhằm sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất của nhân dân và tiếp tục thống kê thiệt hại do bão, lũ gây ra.
Cũng trong sáng nay, 16-10, Trung tâm PCLB miền Trung cho biết, đến nay, mới chỉ có tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thống kê tổng thiệt hại về tài sản; trong đó Quảng Ngãi thiệt hại 65,4 tỷ đồng, Bình Định 8,5 tỷ đồng.
Theo Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên, do mưa lớn trong nhiều ngày qua đã làm cho các hồ chứa thủy lợi, hồ thủy điện đầy nước. Trong đó có 13/20 hồ thủy điện lớn đang xả nước, như: Thủy điện Quảng Trị: 532 m³/s; A Lưới: 254 m³/s; Bình Điền: 60 m³/s; Hương Điền: 381 m³/s ; A Vương: 33 m³/s, Đăk Mi 4A: 201 m³/s; Thủy điện Sông Ba Hạ: 100 m³/s; Yaly: 5.125m³/s; PleiKrông: 2.363 m³/s; Sê San 3: 4.652 m³/s; Sê San 4: 4.480 m³/s, Sê San 4A: 4.745 m³/s; Buôn Kuốp: 143 m³/s; Buôn Tua Srah: 27 m³/s; Srêpôk 3: 126 m³/s.
Sáng nay, trên địa bàn các tỉnh miền Trung nắng trở lại tạo thuận lợi để người dân cùng các cấp chính quyền tổ chức khắc phục hậu quả bão, sớm ổn định đời sống.
Tại hầu hết các địa bàn ở Đà Nẵng, người dân đang tích cực dọn dẹp vệ sinh, dựng lại nhà cửa bị đổ, khẩn trương lợp lại mái nhà bị tốc mái.
SONG NGUYÊN - NGUYỄN HÙNG
Quảng Bình: Lốc xoáy làm 2 người chết, 10 người bị thương nặng
Ngày 16-10 ông Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết, lốc xoáy cực lớn tại hai xã Quảng Minh, Quảng Sơn lúc 1 giờ sáng ngày 16-10 khiến 10 người bị thương nặng, 2 người tử vong, hàng trăm căn nhà mới lợp lại sau bão số 10 đã bị tốc mái hư hỏng nặng.
UBND huyện Lệ Thủy cho biết, lốc xoáy tại hai xã Mỹ Thủy, Mai Thủy khiến hơn 20 nhà dân bị tốc mái.
Minh Phong
Hà Tĩnh: Mưa lớn, nhiều xã miền núi bị cô lập
* Lốc xoáy gây hư hỏng nặng gần 50 ngôi nhà
Sáng 16-10, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11 kết hợp không khí lạnh trên địa bàn Hà Tĩnh đã có mưa vừa đến mưa to, đặc biệt khu vực huyện miền núi Hương Khê mưa rất to.
Mực nước trên các sông lên nhanh, trên sông Ngàn Sâu tại trạm đo Chu Lễ có khả năng lên xấp xỉ báo động 2 và ở mức 12,50m; tại trạm đo Hòa Duyệt lên trên báo động 1 và ở mức 8,20m. Trên sông Ngàn Phố tại trạm đo Sơn Diệm lên trên báo động 1 và ở mức 11,0m. Sông La lên chậm và còn dưới mức báo động 1.
Do lượng nước từ thượng nguồn đổ về mạnh, để đảm bảo an toàn, Nhà máy thủy điện Hố Hô mở 3 cửa xả tràn 1.500m³/s. Hồ thượng nguồn Sông Trí đạt 27.80m xả tràn 3m³/s. Dự kiến chiều nay 16-10, Nhà máy thủy điện Hương Sơn tiếp tục xả tràn từ 55 đến 70m³/s.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyên Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, đến thời điểm này các tuyến đường vào xã Hương Xuân, Hương Giang, Hương Thủy, Phương Mỹ… đã bị nước lũ chia cắt, cô lập. Hiện người dân, tài sản ở vùng thấp trũng, có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất đang được sơ tán đến nơi trú ẩn an toàn…
Còn ở huyện Vũ Quang từ tối 15-10 đến sáng nay mưa to, nước trên sông Ngàn Sâu đổ về mạnh đã gây ngập nghiêm trọng trên diện rộng, xã Đức Lĩnh, Đức Giang… đã bị nước lũ chia cắt, cô lập hoàn toàn, phương tiện đi lại chủ yếu bằng thuyền. Người dân đang được sơ tán đến vùng an toàn.
Khoảng 2 giờ sáng 16-10, một trận lốc xoáy mạnh bất ngờ quét qua địa bàn thành phố Hà Tĩnh và xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) kéo dài khoảng 15 phút khiến gần 50 ngôi nhà dân bị tốc mái, hư hỏng nặng.
Dương Quang