Bảo tồn… Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh

Bảo tồn… Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh

(SGGP-12G).- Không chỉ nổi tiếng với ngọn chủ sơn Ngọc Linh cao 2.598m, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (BTTN) còn nổi tiếng về cây sâm Ngọc Linh và là kho tàng đa dạng sinh học lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái vô giá của Ngọc Linh trước những tác động xấu đang là một thách thức lớn! 

Nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá

Theo Quyết định số 38/2002 của UBND tỉnh Kon Tum, Khu BTTN Ngọc Linh có diện tích 41.420ha nhưng sau khi rà soát, quy hoạch lại, ngày 9-1-2009 UBND tỉnh ban hành Quyết định 333 giao cho Khu BTTN Ngọc Linh quản lý 42 tiểu khu với tổng diện tích 38.109,4ha rừng và đất quy hoạch chức năng đặc dụng. Khu BTTN Ngọc Linh được xem là một trong bốn kho tàng đa dạng sinh học lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, những khám phá, những gì được biết về Khu BTTN Ngọc Linh vẫn còn hãn hữu.

Các chiến sĩ giữ sâm ở khu bảo tồn Ngọc Linh. Ảnh: T.L

Các chiến sĩ giữ sâm ở khu bảo tồn Ngọc Linh. Ảnh: T.L

Các kết quả nghiên cứu khoa học trước đây cho thấy, Khu BTTN Ngọc Linh có 874 loài thực vật bậc cao thuộc 537 chi, họ; 309 loài động vật hoang dã... Khu bảo tồn có kiến tạo địa chất lâu đời, còn tồn tại nhiều loài loài thực vật cổ xưa như các họ ngọc lan, họ na, họ chè, họ cáng lồ và các họ thực vật ôn đới. Có 9 loài thực vật đặc hữu, trong đó sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis) là cực kỳ quý hiếm. Có nhiều kiểu rừng như rừng cây lá rộng, lá kim… Động vật có 5 loài thú được ghi trong Sách Đỏ thế giới: Khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, báo gấm, hổ, nhím đuôi ngắn và 15 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Trong khu hệ chim phát hiện hai loài mới là khướu đầu hung, khướu đuôi vằn; khu hệ bò sát có 3 loài đặc hữu là thằn lằn đuôi đỏ, rùa hộp trán vàng và ếch da cóc…

Năm 2008, trong một khảo sát tại địa bàn xã Đăk Choong (Đăk Glei), các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã khám phá 39 loài thực vật mà họ chưa từng thấy ở các địa phương khác. Cuối tháng 3 đầu tháng 4-2009, đoàn cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật do tiến sĩ Trần Thế Bách làm trưởng đoàn tiến hành nghiên cứu tại Khu BTTN Ngọc Linh đã thu thập được 50 loài thực vật quý hiếm.

Sâm Ngọc Linh đang có nguy cơ bị tuyệt chủng

Sâm Ngọc Linh đang có nguy cơ bị tuyệt chủng

Tạo sinh kế cho người dân

Tuy nhiên, những năm gần đây khi đường Hồ Chí Minh được thông thương, bọn lâm tặc thường vào rừng khai thác gỗ trái phép, bẫy bắt động vật hoang dã, còn người dân phá rừng trồng mì, cà phê… đã gây tác động xấu đến hệ sinh thái Khu BTTN Ngọc Linh. Mặc dầu Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ngọc Linh được thành lập (xây dựng 5 trạm quản lý bảo vệ rừng, 1 tổ kiểm lâm cơ động) nhưng do nguồn nhân lực có hạn (mỗi đơn vị trực thuộc này được bố trí 4 người) nên họ không thể kiểm soát hết được các hoạt động xâm hại vào khu bảo tồn.

 Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ngọc Linh Nguyễn Thế Thịnh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ngọc Linh đã phát hiện và xử lý 16 vụ vi phạm lâm luật. Trong đó, có 15 vụ người dân phát gần 5ha rừng làm nương rẫy và 1 vụ khai thác gần 17m3 gỗ trái phép”. Nhưng đó là số ít được phát hiện và xử lý, còn bao nhiêu héc ta rừng bị mất, tài nguyên rừng bị lâm tặc phá… thì không ai rõ được!

Trước tình hình trên, tăng cường các hoạt động bảo tồn đi đôi với các hoạt động nghiên cứu, khám phá, kêu gọi các dự án đầu tư tạo sinh kế cho người dân trong khu vực phát triển bền vững… hạn chế những tác động xấu vào Khu BTTN Ngọc Linh đang là đòi hỏi và là một thách thức lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn bảo tồn được sự đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá của Khu BTTN Ngọc Linh hiện nay, không có cách nào hơn là tạo cho người dân trong khu vực có được sinh kế bền vững.

Muốn làm được điều này, cách tốt nhất là giúp người dân phát triển mạnh cây sâm Ngọc Linh đặc hữu - có giá trị kinh tế cao nhất trong các loại cây trồng ở Việt Nam hiện nay (1kg sâm có giá khoảng 50 triệu đồng) để họ có cuộc sống ổn định, tránh những tác động xấu vào khu bảo tồn. Vấn đề là tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu về cây sâm Ngọc Linh nhưng việc xây dựng quy trình trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh để chuyển giao cho người dân vẫn chưa đi vào thực tế.

Đi đôi với việc giúp người dân phát triển cây sâm Ngọc Linh, cần có nhiều hoạt động nghiên cứu, khám phá, kêu gọi các dự án lớn bảo tồn sự đa dạng sinh học.

Hữu Mai

Tin cùng chuyên mục