
Ngày 27-3-1975, đồng chí Lê Duẩn điện cho các đồng chí Võ Chí Công và Chu Huy Mân: “…Chiến thắng oanh liệt ở Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên đã tạo ra thời cơ giải phóng Đà Nẵng. Ta phải tập trung lực lượng từ hai phía, từ Thừa Thiên-Huế đánh vào và từ Nam – Ngãi đánh ra, nhanh chóng tiêu diệt sinh lực địch, không cho chúng rút chạy để co cụm về giữ Sài Gòn. Trong lúc này thời gian là lực lượng. Phải hành động hết sức táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay”.

Chấp hành chỉ thị này, hầu như cả mặt trận, bất kỳ đơn vị nào cũng tranh thủ thời gian, tìm mọi cách chuyển quân đánh thẳng vào Đà Nẵng nhanh nhất.
Quân khu 2 và một sư của Quân đoàn 1 tiến công theo hai hướng: từ đèo Mũi Trâu theo đường 14 tiến xuống theo hướng Tây Bắc; từ Phú Lộc, theo đường số 1 đánh chiếm Thừa Lưu, Cầu Hai, Lăng Cô, đào Hải Vân áp sát thành phố Đà Nẵng. Sư đoàn 304 áp sát phía Tây Nam.
Cùng thời điểm này, Sư đoàn 2, các lực lượng pháo binh, tăng thiết giáp của Quân khu 5 bỏ qua mục tiêu dọc đường, tiến thẳng về Đà Nẵng. Pháo của ta bắt đầu nã đạn vào hải cảng và sân bay. Do thiếu xe kéo và tình hình diễn biến quá nhanh đến đêm 27-3, lực lượng pháo binh chiến dịch mới tổ chức được trận địa pháo tại Mũi Trâu và Lăng Cô.
Ở hướng Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ mới đưa được hai đại đội pháo ở trận địa Sơn Khánh. Nêu cao tinh thần “chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” nhiều đơn vị pháo binh đã vượt qua khó khăn do địa hình, thời tiết chuyển pháo lên trận địa chờ giờ xung trận.
N.T.H.H tổng hợp