
Ngày 17-8-2007, tại huyện Cần Giờ, Bưu điện TPHCM (BĐTP) và đại diện các ngành công an, quốc phòng, bưu chính-viễn thông (BCVT), quản lý thị trường, đánh bắt hải sản, văn hóa thông tin (VHTT) và chính quyền sở tại đã họp triển khai các biện pháp bảo vệ cáp quang biển.

Một số cáp quang biển bị cắt trộm.
Từ tháng 3-1995, tuyến cáp quang biển T-V-H dài 3.400 km có dung lượng 560 Mbps với các trạm kết cuối là Việt Nam, Thái Lan, Hongkong (trạm kết cuối tại Việt Nam là Vũng Tàu) được đưa vào sử dụng. Tiếp đó tuyến cáp quang biển SEA-ME-WE3 dài 30.000 km có dung lượng 5.0 Gbps/PR đi qua các trạm kết cuối nằm ở 31 quốc gia và vùng lãnh thổ (trạm kết cuối tại Việt Nam là Đà Nẵng) với kinh phí đầu tư 1,2 triệu USD cũng đã được đưa vào sử dụng từ tháng 3-1999.
Tại Việt Nam, ngoài các đường truyền vệ tinh và các tuyến cáp quang đất liền, hai tuyến cáp quang biển này có vai trò hết sức quan trọng đối với việc kết nối hạ tầng thông tin giữa trong nước với thế giới và ngược lại. Hiện tại 2 tuyến cáp quang biển T-V-H và SMW3 chiếm 83% tổng lưu lượng thông tin liên lạc giữa Việt Nam với quốc tế, trong đó lưu lượng phân bổ trên tuyến T-V-H xấp xỉ 13% và SMW 3 là 70%.
Nhưng rất đáng tiếc trong thời gian qua, một số tuyến cáp quang biển đi qua các địa phương như Khánh Hòa, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu đã bị phá hoại. Trong đó tuyến cáp quang T-V-H bị cắt trộm 98 km và mất cắp 1 thiết bị repeater, tổn thất khoảng gần 1,3 triệu USD cho chi phí kéo mới và ráp nối.
Đáng chú ý là sự việc này đã gây hậu quả nghiêm trọng đến mạng lưới thông tin quốc gia, ảnh hưởng hoạt động viễn thông giữa Việt Nam và quốc tế, làm gián đoạn các giao dịch điện tử thương mại của doanh nghiệp, xâm hại đến an ninh thông tin quốc gia cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội và uy tín của Việt Nam đối với quốc tế.
Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trên thế giới, bởi vì khi thiết lập tuyến cáp quang biển, người ta chỉ tính tới những sự cố bất khả kháng do nguyên nhân khách quan về kỹ thuật, thiên nhiên và môi trường, chứ không hề tình đến yếu tố phá hoại cố tình của con người, nên các giải pháp đề phòng và ngăn chặn trường hợp này chưa được đặt ra.
Ông Đoàn Hoàng Hải, Phó Giám đốc BĐTP cho biết, Tập đoàn BCVT Việt Nam (VNPT) được giao trách nhiệm quản lý các tuyến cáp quang biển, sau khi phát hiện sự cố đã đưa ra các giải pháp khắc phục để làm giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của việc gián đoạn thông tin trên tuyến cáp quang biển T-V-H. Tuy nhiên, sự việc đang còn để lại nhiều vấn đề cần xem xét và rút kinh nghiệm, cũng như đề ra các giải pháp phòng chống hữu hiệu nhằm tránh những sự cố tương tự trong tương lai.
Một trong những giải pháp được đưa ra là tăng cường công tác tuyên truyền vận động quần chúng, nâng cao hiểu biết cho ngư dân cũng như sự phối hợp giữa các ban ngành vốn còn nhiều bất cập. Với vùng biển thông thương các địa phương trong cả nước và nhiều bà con ngư dân ngụ tại khu vực huyện Cần Giờ, BĐTP là đơn vị thành viên của Tập doàn VNPT đã thể hiện rõ vai trò của mình trong công tác tham gia bảo vệ tuyến cáp quang biển.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ BCVT và Tập đoàn VNPT, trong thời gian vừa qua BĐTP đã tổ chức dán hơn 3.000 poster tại các bưu cục, đại lý bưu điện, bưu điện văn hóa xã, hệ thống cửa hàng và các tờ rơi cho các ngư dân tại huyện Cần Giờ cũng như vùng lân cận để tuyên truyền bảo vệ cáp quang biển.
Hội nghị đi đến thống nhất không thể chỉ có VNPT bảo vệ cáp quang biển, mà rất cần có sự phối hợp liên ngành và các địa phương với nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó về lâu dài, giải pháp cơ bản nhất vẫn là tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của ngư dân các địa phương vùng ven biển có tuyến cáp quang và những người vận chuyển, tiêu thụ cáp quang về ý thức bảo vệ công trình quan trọng quốc gia, trong đó đặc biệt là trách nhiệm chủ yếu thuộc về chính quyền các địa phương. Nhà nước nghiêm cấm mọi hình thức trục vớt, cắt trộm, vận chuyển, buôn bán các loại cáp quang biển; mọi hành vi phá hoại hệ thống cáp thông tin liên lạc phải bị xử phạt thật nghiêm với mức cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.
Mọi công dân đều phải tự giác bảo vệ của công, tích cực phát hiện và tố giác những hành vi xâm hại đến hệ thống cáp viễn thông tới các cơ quan chức năng và chính quyền để kịp thời ngăn chặn và đưa ra xử phạt đích đáng trước pháp luật. Nhiều người đã đề nghị BĐTP và ngành VHTT phát hành thật nhiều poster và tờ rơi loại không thấm nước và nhiễm mặn đến các chủ phương tiện cũng như các thuyền trưởng và ngư dân trên biển để nâng cao ý thức bảo vệ mạng thông tin quốc gia.
Tường Huy