Trước những tác động của biến đổi khí hậu, công tác bảo vệ các loài chim thú quý hiếm tại Vườn quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ngày càng được chú trọng. Một trong số đó là việc bảo tồn, phát triển đàn Yến Hàng tại các hòn đảo ngoài khơi.
Nhiều động - thực vật quý hiếm
Xuất phát từ TP Vũng Tàu, qua một đêm lênh đênh trên biển giữa mùa gió chướng, chúng tôi đặt chân đến cảng Bến Đầm của huyện Côn Đảo. Vượt thêm 12km trên cung đường biển ngoằn ngoèo và dốc, chúng tôi cũng đến được Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo. Ra đời năm 1993, VQG Côn Đảo có diện tích gần 20.000ha, trong đó rừng và đất rừng trên 14 hòn đảo thuộc quần đảo Côn Sơn gần 6.000ha; với nhiều loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu, như rùa biển, dugong, cá heo, trai tai tượng. Ngay từ khi thành lập, Ban Quản lý VQG đã chú trọng công tác bảo tồn, phát triển loài động vật quý hiếm, trong đó có Yến Hàng - một loài chim quý (có tên khoa học Collocalia germaini) được xếp vào danh mục động vật rừng quý hiếm.
Ở Việt Nam, Yến Hàng làm tổ trong các hang động đá vôi, đá granit tự nhiên trên các hòn đảo trải dài từ đảo Yến - Quảng Bình, Cù Lao Chàm - Hội An, Quảng Nam, các hòn đảo ven bờ dọc các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sản phẩm yến sào thiên nhiên là nguồn tài nguyên quý hiếm của quốc gia, có giá trị nhiều mặt về khoa học, dược phẩm và kinh tế. Quần thể Yến Hàng phân bố tại VQG Côn Đảo ước tính khoảng trên dưới 6.000 cá thể, phân bố ở 13 hang thuộc 8 hòn đảo lớn, nhỏ khác nhau.
Trước đây, Ban Quản lý VQG Côn Đảo chủ yếu thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và khai thác sản phẩm từ chim yến theo hướng truyền thống. Từ năm 2011 đến nay, sau khi khảo sát và nhận thấy tiềm năng, lãnh đạo VQG đã kết hợp với Công ty Yến sào Khánh Hòa thành lập Trung tâm Yến sào Côn Đảo.
Nơi “nhả vàng” của chim yến tại hòn Thỏ
Canh chim “nhả vàng”
Theo chân anh Phạm Văn Tính, cán bộ Trung tâm Yến sào Côn Đảo, chúng tôi lênh đênh trên chiếc ca nô nhỏ ra hòn Thỏ. Do đang mùa gió chướng nên việc cập vào hòn không đơn giản, những con sóng đánh tới tấp vào núi đá khiến chiếc ca nô chòng chành không ngớt. Mất khá nhiều thời gian, chúng tôi mới chạm được chân lên tảng đá đầu tiên của hòn Thỏ. Hướng về đỉnh hòn, “hướng dẫn viên” Tính vừa dặn dò đường đi vừa kể câu chuyện gắn bó với nghề bảo vệ chim yến ở Côn Đảo. Hơn 20 năm về trước, anh Tính lúc đó còn làm kiểm lâm nên thường xuyên ra các hòn trực chốt. Bởi vậy, Yến Hàng không còn xa lạ với anh mà như “bạn” thân thiết hàng ngày.
Men theo vách đá trơn trượt và hiểm trở, chúng tôi cũng lên tới đỉnh của hòn Thỏ. Đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện là anh Nguyễn Ngọc Nhựt (42 tuổi, quê Khánh Hòa). Anh Nhựt ra hòn Thỏ từ khi Công ty Yến sào Khánh Hòa hợp tác với VQG, đến nay thấm thoát cũng đã 6 năm. Công việc ở đây chủ yếu là tuần tra bảo vệ tổ yến để không bị kẻ gian đến lấy trộm; đồng thời xua đuổi các loài thiên địch của yến như rắn, cú mèo, chuột... và những loài chim dữ đến ăn và phá tổ yến trong hang. “Nói thật ở đây cũng khá buồn. Hàng ngày, chỉ có 2 người trên hòn, ngó qua ngó lại cũng có chừng đó, mãi rồi thành quen, nên cứ việc ai nấy làm”, anh Nhựt trải lòng.
Chia tay hòn Thỏ, chúng tôi hướng về phía hòn Bông Lan. Không hiểm trở như hòn Thỏ, hòn Bông Lan thoai thoải và thấp hơn nhiều. Hai người giữ hòn tuổi đời mới hơn 30 và đã có gia đình nhưng vì mưu sinh nên ra đây bảo vệ các hòn thuộc VQG Côn Đảo từ 6 năm trước. Sau những cuộc trò chuyện rôm rả, chúng tôi cố ý chờ để được tận mắt trông thấy những con chim “nhả vàng” bay về tổ. Khi hoàng hôn dần buông xuống, chúng tôi kịp thấy từng đàn yến lần lượt lao vút từ ngoài biển vào hang của mình, việc này diễn ra rất nhanh.
Cũng giống như các hòn khác, đời sống anh em ở hòn Bông Lan cũng gặp nhiều trở ngại và nỗi nhớ nhà. Có lẽ lúc vui nhất ở đây là vào vụ khai thác yến. Mỗi năm, yến được khai thác 2 mùa vào cuối tháng 4 và đầu tháng 9. Khi đó cần nhiều người nên trên hòn đông vui và tấp nập hẳn lên.
Ông Nguyễn Khắc Pho, Phó Giám đốc Ban Quản lý VQG Côn Đảo, cho biết cơn bão Linda năm 1997 đã tàn phá cảnh quan thiên nhiên; môi trường sống của nhiều loài sinh vật, trong đó sinh cảnh và nơi kiếm ăn của quần thể chim yến bị phá vỡ. Sau bão, quần thể Yến Hàng ở Côn Đảo ước chỉ còn khoảng 4.400 con. Để khắc phục, Ban Quản lý VQG Côn Đảo đã triển khai đề án hợp tác bảo tồn, phục hồi và phát triển quần thể Yến Hàng. Từ năm 2011 đến nay, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã hỗ trợ giúp đỡ VQG tăng cường nhân lực, triển khai lực lượng bảo vệ hang yến tại các đảo xuyên suốt 100% thời gian. Ngoài ra, hai bên cũng phối hợp thu nhặt trứng yến đưa về đất liền ấp nhân tạo, nuôi thời gian rồi đưa ra thả lại các hòn, tính đến nay được gần 500 con. Đó là những thành công ban đầu của đề án phát triển và bảo tồn quần thể Yến Hàng tại VQG Côn Đảo
NÔNG NGÂN