Sông Sêrêpốk, sông Ba là hai con sông lớn ở Tây Nguyên và gắn bó máu thịt với đời sống người dân trong vùng. Nhưng hiện nay, hai bên bờ sông đang bị sạt lở nghiêm trọng, do các nhà máy thủy điện xả nước. Hậu quả, nhiều diện tích đất trồng hoa màu của người dân đang trôi dần theo dòng nước…
Mất đất sản xuất
Dòng sông Sêrêpốk được hình thành từ sông Krông Ana (bắt nguồn từ đỉnh núi Cư Yang Sin, Đắk Lắk) và sông Krông Nô (bắt nguồn từ đỉnh núi Nam Nung, Đắk Nông). Hai dòng sông này là nguồn sống của hàng vạn người dân Đắk Lắk - Đắk Nông bao đời qua. Nhưng hiện nay, đoạn sông Krông Nô chảy qua huyện Krông Nô (Đắk Nông) đang bị sạt lở nghiêm trọng do Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Buôn Tua Srah xả nước. Khi chúng tôi đến đoạn sông Krông Nô chảy qua xã Đức Xuyên (huyện Krông Nô), nơi đây, ruộng nương người dân đang đi dần ra sông.
Đứng cạnh mấy cây cà phê còn sót lại, ông Nguyễn Sáu (ở thôn Xuyên Phước, xã Đức Xuyên) ngậm ngùi: “Nhà tôi có 6 sào cà phê, bây giờ đã sập xuống sông hết 5 sào rưỡi rồi. Sắp tới, không biết lấy đất đâu mà làm ăn đây”. Cạnh đó, vườn bắp của anh Đặng Văn Thành (ở cùng thôn) cũng đang trôi ra sông. Anh Thành cho biết, cứ nhà máy xả nước là sau đó, mảnh vườn nhà anh cạnh sông Krông Nô lại bị mất đi khoảng 10 - 30cm. Từ đầu năm đến nay, vườn nhà anh đã mất khoảng 1m.
Ở xã Nâm N’Dir, cảnh tượng sạt lở cũng nghiêm trọng không kém. Nhà ông Bàn Tiến Dũng (ở thôn Nam Ninh) có hơn 1ha đất bên sông Krông Nô, nhưng từ 2009 đến nay đã sạt lở khoảng 0,8ha. “Từ khi NMTĐ đi vào hoạt động, đất nhà tôi bị lở gần hết, bây giờ chúng tôi rất khó khăn, phải đi khắp xã thuê đất làm ăn. Nhưng bây giờ chẳng ai cho thuê đất nữa nên chưa biết làm cách nào để nuôi sống gia đình”, ông Dũng lo lắng. Còn trạm bơm Nâm N’Dir (kinh phí 51 tỷ đồng) được đặt cách bờ sông Krông Nô 12m, bây giờ chỉ còn cách 3m và nếu không di dời kịp thời, chẳng bao lâu nữa sẽ trôi ra sông.
Một số công trình thủy lợi xây dựng bên sông đang có nguy cơ bị cuốn trôi là trạm bơm Đắc Rền (được đầu tư 55 tỷ đồng) và trạm bơm Buôn Chóa (được đầu tư 45 tỷ đồng), hiện nó chỉ còn cách bờ sông chừng 20 - 25m, so với 50m một năm trước đây. Trong khi đó, phương án chống sạt lở hơn 10 tỷ của huyện chỉ là thả những rọ đá (trong lồng sắt) ven bờ sông, để trôi dần. Ông Lê Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N’Dir, cho biết: “Vào đầu năm nay, huyện cho một công ty xuống khắc phục sạt lở. Nhưng công ty này chỉ cho công nhân bỏ đá vào lồng sắt và ném xuống chỗ sạt lở mà thôi. Bây giờ mấy lồng đá cũng đang trôi dần xuống sông và chẳng bao lâu nữa sẽ trôi hết”.
Ngập lụt giữa mùa khô
Ngoài việc gây sạt lở, NMTĐ Buôn Tua Srah còn làm ngập hàng chục hécta cây trồng của 2 xã Nâm N’Dir và Đức Xuyên. Nhà ông Lý Văn Tư (ở thôn Nam Ninh, xã Nam N’Dir) có 4ha đất trồng lúa, cứ mỗi lần NMTĐ Buôn Tua Srah xả nước là lại bị ngập. Ông cho biết: “Cả 4ha đất trồng của nhà tôi đều bị ngập, nhưng các ban ngành của huyện, tỉnh xuống đo đạc chỉ đền bù cho chúng tôi có 2,7ha”. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông, cho biết, những năm trước đây, thời gian ngập lụt lớn chủ yếu rơi vào các tháng 9, 10 và 11, nhưng bây giờ thì bất kể, mấy tháng qua, có khoảng 40ha cây trồng bị ngập, trong đó có hơn 10ha bị mất trắng. Vùng bị sạt lở và ngập lụt dọc sông Krông Nô là đất màu mỡ, được bà con trồng bắp, lúa, đậu, 2 - 3 vụ/năm, năng suất rất cao. Hiện đất sản xuất của 92 hộ dân ở xã Nâm N’Dir và 62 hộ ở xã Đức Xuyên bị ngập ngay cả vào mùa khô.
Những trận bão dữ dằn đã đi qua, nhưng nỗi lo sạt lở đất đai, làng mạc của người dân xã Ia Broăi, huyện Ia Pa (Gia Lai) vẫn đang hiện hữu. Dòng nước sông Ba tiếp tục ngoạm sâu vào 2 buôn Jứ Ama Hoét và Jứ Ama Uốk (xã Ia Broăi) làm người dân ở đây ăn ngủ không yên. Cứ đến hẹn lại lên, khi mùa mưa, lũ tràn về từ thượng nguồn là 2 buôn Jứ Ama Hoét và Jứ Ama Uốk bị ngập nặng. Từ cuối năm 2009 đến mùa mưa bão này, hơn 20 hộ phải di dời nhà vào rẫy để ở, phòng khi nước lũ lên cao cuốn trôi. Ông Rơ Lan Sui (ở thôn Jứ Ama Hoét) cho hay: “Sông Ba nước lớn, lại chảy xiết, nhất là vào lúc mưa bão. Năm nào buôn làng mình cũng sạt lở nên bà con đối phó miết rồi quen. Đất đai mỗi ngày bị trôi mất một ít, việc sản xuất nông nghiệp của bà con trong buôn ngày càng khó khăn”. UBND xã Ia Broăi cũng đã nhiều lần đề nghị huyện Ia Pa và tỉnh Gia Lai có phương án di dời dân tái định cư nơi an toàn, nhưng đến nay, công việc này vẫn chưa giải quyết được.
Hệ quả phát triển thủy điện ào ạt
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Nô, đoạn sông Krông Nô chảy qua 5 xã của huyện với chiều dài 40km, trong đó có 15km bị sạt lở nghiêm trọng. Đoạn lở ít cũng ăn sâu vào bờ đến 30 - 40m, đoạn lở nhiều như ở Đức Xuyên lên tới cả trăm mét. Mặc dù việc sạt lở và ngập lụt đã xảy ra từ 2009 đến nay, nhưng huyện Krông Nô vẫn chưa đền bù hết cho người dân.
Ông Trần Đăng Ánh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Krông Nô, cho biết, tại xã Đức Xuyên, có 65 hộ đã nhận tiền đền bù với diện tích sạt lở 4,5ha, còn 62 hộ chưa nhận tiền đền bù ngập úng 24,7ha. Trung tâm đã lên phương án đền bù 11 tỷ đồng gửi cho Ban quản lý Dự án thủy điện 5 (đơn vị quản lý NMTĐ Buôn Tua Srah - PV). Riêng diện tích sạt lở và ngập úng ở xã Nâm N’Dir thì đã đền bù vào năm ngoái. Còn diện tích 26ha bị ngập mới trong năm nay ở xã Đức Xuyên và Nâm N’Dir, trung tâm cũng đã có phương án đền bù với kinh phí khoảng 9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Lê Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N’Dir, lại cho biết: “Trong xã vẫn có rất nhiều người dân chưa nhận tiền đền bù sạt lở và ngập úng vì họ bảo rằng đền bù quá thấp. Còn công trình cống chống ngập NMTĐ xây dựng cho xã, khi đưa vào hoạt động vẫn cứ ngập. Vì thế, xã và Công ty Khai thác công trình thủy lợi của tỉnh đã không nhận bàn giao công trình này”.
Trên sông Ba hiện có 6 công trình thủy điện được phê duyệt xây dựng với tổng công suất 659MW gồm: Thủy điện An Khê - Ka Nak, Thủy điện sông Ba Hạ, Thủy điện sông Hinh, Thủy điện Đắk Srông, Thủy điện Ea Krông Hnăng và thủy điện sông Ba Thượng. Cứ mỗi khi những thủy điện này xả lũ là nhà cửa người dân lại bị ngập và đất đai bị sạt lở, còn khi thủy điện tích nước lại bị khô hạn. Ông Nguyễn Văn Lương (Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Gia Lai) cho biết: Ngoài hai huyện Krông Pa và Ia Pa, tại thị xã Ayun Pa, các huyện Chư Prông, Kông Chro… vẫn còn hàng trăm hộ dân cần được di dời khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét vào mùa mưa do thiên tai cộng hưởng với thủy điện xả lũ.
Công Hoan - Đức Trung