Chưa đầy 1 tuần sau vụ cháy làm 6 người chết xảy ra tại một nhà dân ở khu phố 3, phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM thì mọi người lại bàng hoàng về vụ hỏa hoạn vào rạng sáng 4-4 tại nhà số 311, phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội làm 4 người trong một gia đình thiệt mạng.
Mới đây, “Bà Hỏa” cũng đã “viếng thăm” một công ty sản xuất tôn nằm trong Khu Công nghiệp Sóng Thần 2 (ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) khiến lực lượng chức năng phải điều tới 10 xe cứu hỏa và gần 100 cán bộ chiến sĩ phòng cháy chữa cháy (PCCC) tới hiện trường và phải sau nhiều giờ mới khống chế được vụ cháy.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong 3 tháng đầu năm 2021, cả nước đã xảy ra trên 540 vụ cháy, làm 23 người thiệt mạng và hàng trăm tỷ đồng tài sản, hàng hóa, nguyên vật liệu bị thiêu rụi. Có nhiều nguyên nhân làm cho tình hình cháy nổ ngày càng phức tạp với thiệt hại lớn. Đối với các nhà dân, hiện nay, hầu hết được xây dựng chỉ có một lối ra - vào duy nhất là cửa chính và thường là cửa sắt xếp, hoặc cửa kéo đóng kín, trong khi ở ban công, sân thượng lại được bao bọc bởi hệ thống “chuồng cọp” chắc chắn nên khi xảy ra hỏa hoạn gây nhiều khó khăn cho việc dập lửa, cứu hộ và cứu nạn, cũng như khiến người ở trong nhà khó có thể thoát ra ngoài. Trong khi đó, đối với nhiều khu chung cư cao tầng, công tác PCCC cũng còn một số bất cập, như: thiếu các thiết bị chữa cháy tối thiểu; chuông báo cháy hỏng; không có bể nước, đường nước phục vụ riêng cho cứu hỏa... Với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, công tác PCCC cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức, thậm chí nhiều nơi chỉ là hình thức.
Các tỉnh thành phía Nam đang vào mùa cao điểm nắng nóng. Khu vực phía Bắc cũng sắp bước vào mùa hè nóng nực. Nắng nóng kéo dài, nền nhiệt tăng cao khiến cho vật liệu trở nên khô kiệt, dễ bén lửa. Cùng với đó, việc sử dụng điện tăng, nhiều thiết bị điện hoạt động hết công suất cũng dễ dẫn đến hiện tượng quá tải, chập cháy, làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ cháy nổ. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào thì vấn đề đáng báo động nhất vẫn chính là ý thức chấp hành các quy định về an toàn cháy nổ vẫn bị xem nhẹ, chủ quan, thậm chí là buông lỏng ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực.
Theo cảnh báo của Bộ Công an, tình hình cháy nổ trong cả nước sẽ còn diễn biến phức tạp và khó lường. Do vậy, nhằm kiềm chế, giảm thiểu các vụ hỏa hoạn, đòi hỏi các cấp chính quyền và cơ quan chức năng ở các địa phương cần phải đề cao hơn nữa vai trò trách nhiệm, thực hiện nghiêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC; đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về PCCC; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, thoát nạn khi có cháy nổ xảy ra nhằm nâng cao nhận thức cho người dân… Cùng với đó là thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định pháp luật về phòng chống cháy nổ, cũng như làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị buông lỏng, xem nhẹ công tác quản lý về an toàn PCCC. Đối với các hộ gia đình, quá trình xây dựng, cải tạo nhà phải quan tâm lắp đặt hệ thống điện đảm bảo an toàn, tránh quá tải; không nên cất trữ các loại chất lỏng dễ cháy như xăng, dầu, cồn với số lượng lớn trong nhà và không bố trí những chất lỏng dễ cháy gần các nguồn nhiệt; cần bố trí các lối thoát ra phía sau nhà, lên ban công hoặc bố trí lối đi lên sân thượng để có thể thoát nạn khi chẳng may có xảy ra cháy nổ…