Ngân hàng nhà nước mở van tín dụng dành cho bất động sản, kể cả đầu cơ; BIDV triển khai gói 6.000 tỷ đồng dành cho bất động sản; Bộ Tài chính: việc giãn tiền sử dụng đất sẽ giãn 64.000 tỷ đồng cho các chủ đầu tư dự án khó khăn về tài chính… Hàng loạt thông tin này đang kỳ vọng phá “núi” hàng tồn kho tại các DN bất động sản?
“Tồn kho” 36.000 tỷ đồng từ 26 doanh nghiệp!
Theo khảo sát của chúng tôi, dựa trên báo cáo tài chính quý 1-2012 của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM và Hà Nội, chỉ tính số hàng tồn kho quy thành tiền từ 500 tỷ đồng trở lên, có 26 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với tổng hàng tồn kho 36.706 tỷ đồng.
Nếu cộng luôn 5 doanh nghiệp liên quan lĩnh vực bất động sản (cùng lấy mốc tồn kho từ 500 tỷ đồng trở lên), gồm có Tôn Hoa Sen, Xi măng Hà Tiên 1, Thép miền Nam, Thép Tiến Lên, Xi măng Bỉm Sơn thì tổng cộng hàng tồn kho của 31 doanh nghiệp lên đến 42.761 tỷ đồng!
Trong báo cáo tài chính, có doanh nghiệp tỷ lệ hàng tồn kho so với tổng tài sản khá lớn, ví dụ Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa-Vũng Tàu (HDC). Hàng tồn kho của HDC là 815,2 tỷ đồng thì tổng tài sản là 1.211,4 tỷ đồng; còn nợ phải trả là 648,5 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu là 562,8 tỷ đồng.
Cũng trong danh sách trên, một số doanh nghiệp lỗ năm 2011, bị đưa vào diện cảnh báo trên sàn chứng khoán, như Công ty cổ phần Đầu tư - kinh doanh nhà (ITC) lỗ 137,3 tỷ đồng, hàng tồn kho 1.739 tỷ đồng; Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) lỗ 39,83 tỷ đồng, hàng tồn kho 2.685,4 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (NTB) lỗ hơn 1,1 tỷ đồng, hàng tồn kho 1.136,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 lỗ 8,94 tỷ đồng, hàng tồn kho 1.168 tỷ đồng. Cũng trong năm 2011, con số lãi khá thấp, sang quý 1 năm nay tình hình không sáng sủa hơn!
Tuy nhiên con số trên chưa tính đến nhiều doanh nghiệp hàng tồn kho ít hơn, cũng như các doanh nghiệp chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, chưa công khai các số liệu. Vậy hàng tồn kho lớn cỡ nào? Chỉ tính riêng sản phẩm đầu ra đối với căn hộ chung cư, gồm đã và đang xây dựng, xây xong, xây xong móng được bán ra thị trường, theo thống kê của các công ty tư vấn, số lượng hàng tồn kho tại TPHCM trung bình ước tính khoảng 18.000 căn hộ.
Mặt khác, con số của Sở Xây dựng TPHCM cho thấy, cuối năm 2011 tại thành phố có 19.993 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Với số lượng doanh nghiệp hùng hậu như vậy, nếu thống kê đầy đủ, số lượng hàng tồn kho sẽ cao hơn rất nhiều so với con số nêu trên.
Chật vật giải thoát
Về phía doanh nghiệp, hàng tồn kho quá lớn, đối diện với nguy cơ tồn vong của doanh nghiệp. Tại một buổi hội thảo mới đây, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, cho biết, hiện nay doanh nghiệp còn tồn kho khoảng 500 căn hộ, nợ vay khoảng 1.000 tỷ đồng. Áp lực lãi suất vay rất lớn nhưng đầu ra sản phẩm bế tắc.
Bà Nguyễn Thị Như Loan nói: “Giải pháp trước mắt là phải tìm cách bán hàng càng nhanh càng tốt, bán căn hộ bằng giá thành, thậm chí lỗ chút ít để tăng tính thanh khoản. Xong mấy dự án này tôi bỏ bất động sản”. Ngưng trệ giao dịch, đình hoãn dự án, chậm giao nhà… gần như diễn hàng loạt tại các dự án ở thành phố!
Nhận xét về con số hàng tồn kho, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, nói: “Hàng tồn kho nhiều, tức là tính thanh khoản của doanh nghiệp, thị trường rất kém, độ hấp thụ rất thấp, chu chuyển vốn bị ứng đọng rất lớn. Đầu ra của các doanh nghiệp bất động sản nhưng lại là đầu vào của các ngành doanh nghiệp khác, hàng tồn kho tăng cao nghĩa là nền kinh tế đình đốn, trì trệ, tốc độ tăng trưởng của quốc gia sụt giảm, dấu hiệu của giảm phát. Để giải quyết hàng tồn kho, cần có giải pháp tổng lực, phải kích đầu ra - tức là kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa, chính sách tín dụng với lãi suất hợp lý”.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, các cơ quan liên quan phải triển khai ngay Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, đồng thời phải bổ sung ngành nghề bất động sản trong các chính sách hỗ trợ. Đối với doanh nghiệp bất động sản, phải thấy đây là trách nhiệm đầu tư sai lầm, do đó phải điều chỉnh giá bán hợp lý, hoặc hòa vốn nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư khác.
LƯƠNG THIỆN