Bàu Bàng thu hút đầu tư vào công nghệ cao

Huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương mới được thành lập hơn 7 năm qua nhưng đã thu hút được hàng loạt doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước về đầu tư vào các khu công nghiệp, trong đó có cả DN có vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD vào Khu công nghiệp Khoa học công nghệ (KCN KHCN), góp phần tạo ra giá trị gia tăng lớn cho kinh tế của tỉnh.
Khu công nghiệp Bàu Bàng hiện đóng góp lớn vào phát triển kinh tế xã hội địa phương
Khu công nghiệp Bàu Bàng hiện đóng góp lớn vào phát triển kinh tế xã hội địa phương

Điểm nhấn khu công nghiệp công nghệ cao

KCN KHCN tại Bàu Bàng sẽ là một cụm nối dài của vùng trung tâm từ TP Thủ Dầu Một, TP mới Bình Dương trong việc thu hút các tập đoàn đa quốc gia; trong đó có KCN Lai Hưng diện tích 600ha được tỉnh Bình Dương dành để thu hút các DN KHCN vào đầu tư, thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thu hút được các lao động tri thức và có tay nghề.

Tính đến nay, huyện Bàu Bàng đã thu hút hàng loạt nhà đầu tư tên tuổi từ nước ngoài như: Công ty Polytex Far Eastern Việt Nam đầu tư chuỗi liên hợp hóa sợi - dệt - nhuộm với vốn hơn 274 triệu USD; Công ty TNHH KyungBang Việt Nam đầu tư hơn 179 triệu USD sản xuất các loại sợi và vải; Công ty TNHH nội thất Lacouer Craft Việt Nam đầu tư hơn 98 triệu USD sản xuất đồ nội thất, trang trí nội thất, ghế sofa; Tập đoàn Kolon đầu tư 140 triệu USD (giai đoạn 1) để sản xuất sợi lốp polyester…

Tính đến cuối năm 2020, huyện đã thu hút 1.000 dự án phát triển công nghiệp, bao gồm 816 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 29.736 tỷ đồng và 184 dự án FDI với vốn đầu tư lên đến 3,6 tỷ USD. Trong đó, riêng năm 2020 đã thu hút 27 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 178 triệu USD và 20 dự án đăng ký tăng thêm với gần 85 triệu USD. Nhờ có sự đầu tư liên tục của DN trong các KCN mà kinh tế của huyện đã chuyển dịch mạnh sang hướng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, hình thành các khu đô thị, thương mại sầm uất, góp phần quan trọng đưa giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng bình quân hàng năm 21,31%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 25,33%...

Theo ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng: “Với mục tiêu xây dựng huyện Bàu Bàng phát triển, sớm trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị phía Bắc của tỉnh, tạo bước đột phá, thúc đẩy huyện Bàu Bàng hướng đến tầm cao mới, tỉnh Bình Dương đã quy hoạch xây dựng KCN KHCN tại Bàu Bàng. Và đây được xem là bước đột phá sản xuất công nghiệp, hạ tầng mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề cho sản xuất công nghệ cao”.

Huyện Bàu Bàng hiện có 3 KCN gồm: KCN Bàu Bàng và Bàu Bàng mở rộng, diện tích 3.166ha do Tổng Công ty Becamex đầu tư; KCN Tân Bình, diện tích 352,49ha, đã đầu tư cơ sở hạ tầng sẵn sàng đón các nhà đầu tư, định hướng sẽ mở rộng thêm 1.055ha về hướng Bàu Bàng (qua 2 xã Hưng Hòa và Tân Hưng) và KCN Cây Trường, quy mô 700ha tại xã Cây Trường 2 và thị trấn Lai Uyên.

Phát triển hạ tầng giao thông

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới, huyện Bàu Bàng tập trung nguồn lực hiện đại hóa hạ tầng giao thông, trong đó chú trọng các công trình kết nối giữa các vùng, khu vực trong tỉnh, như đường trục Mỹ Phước - Bàu Bàng. Các hạ tầng kỹ thuật khác cơ bản đáp ứng được nhu cầu, phục vụ thiết thực mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, huyện tập trung bố trí vốn các công trình chuyển tiếp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, ưu tiên thực hiện các công trình trọng điểm như: Đường vành đai KCN Bàu Bàng - đường ĐT 749A, đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, trung tâm hành chính huyện, trường học và các tuyến đường kết nối giao thông quốc lộ 13, đường Bến Cát - Bàu Bàng…

Trong kế hoạch phát triển 5 năm tới của tỉnh Bình Dương,  huyện Bàu Bàng tiếp tục được quy hoạch, đầu tư đồng bộ đường giao thông quy mô từ 2 đến 8 làn xe, tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa giữa các vùng trong tỉnh. Đặc biệt, KCN - đô thị Bàu Bàng được đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và đi trước đã tạo nên diện mạo đô thị văn minh, hiện đại, thông thoáng.

Từ việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, huyện đặt ra nhiệm vụ tăng cường mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, siêu thị, cơ sở giáo dục và hỗ trợ các DN nhỏ và vừa phát triển theo hướng thông minh, thân thiện môi trường.

Tin cùng chuyên mục