Bầu cử Mỹ trong thế kỷ 21: Nổi bật những điều “đầu tiên”

Bầu cử Mỹ trong thế kỷ 21: Nổi bật những điều “đầu tiên”

(SGGP 12G).- Ngày 20-1-2009 sẽ là một ngày lịch sử của Mỹ, khi nước này hoặc có một tổng thống đầu tiên là người da màu, hoặc có một phó tổng thống đầu tiên là phụ nữ sẽ tuyên thệ...

Khác biệt giữa 2 thế kỷ

Bầu cử Mỹ trong thế kỷ 21: Nổi bật những điều “đầu tiên” ảnh 1

Ông Obama – tổng thống da màu đầu tiên, hay bà Pailin – nữ phó tổng thống đầu tiên?

Cả nước Mỹ vừa ngỡ ngàng trước quyết định của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, John McCain, chọn Thống đốc bang Alaska, bà Sarah Palin làm liên danh tranh cử.

Ông McCain đưa ra quyết định tại Dayton, bang Ohio, chỉ 12 giờ sau khi ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, Barak Obama chấp nhận đề cử của đảng mình trong cuộc tập hợp khổng lồ tại Denver, chính thức trở thành ứng viên da màu đầu tiên được một đảng quan trọng ở Mỹ đề cử.

Theo chuyên gia Candice Nelson, các động thái diễn ra ở 2 đảng cho thấy, nước Mỹ thế kỷ 21 khác xa so với nước Mỹ thế kỷ 20. Sự ganh đua giờ đây diễn ra trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Hiện cộng đồng người thiểu số ở Mỹ khoảng 100 triệu người, chiếm khoảng 1/3 tổng dân số.

Các nhân vật Obama hay Palin xuất hiện sau khoảng 2 thập niên khi phụ nữ và cộng đồng thiểu số bắt đầu bước vào chính trường trong các cuộc bầu cử ở địa phương và ở các bang. Điều này có nghĩa, phụ nữ và cộng đồng thiểu số ở Mỹ đã sẵn sàng “tham chiến” với tư cách là ứng viên quan trọng, với bề dày kinh nghiệm được tích lũy dần, vào thời điểm nước Mỹ ngày càng đa dạng.

Ngày 4-11 tới, các cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu xem cặp Barack Obama - Joe Biden hay cặp McCain - Sarah Palin sẽ lãnh đạo đất nước trong 4 năm tới. Từ khi Mỹ có Tổng thống đầu tiên là George Washington vào năm 1789, tới nay chỉ có người da trắng đảm nhiệm 2 chức vụ cao nhất trong bộ máy lãnh đạo ở Washington. Thậm chí, phụ nữ ở Mỹ cũng không có quyền bầu cử cho đến tận năm 1920.

Trong khi Hiến pháp Mỹ thay đổi hồi năm 1870 cho phép người da màu đi bầu thì mãi tới những năm 1960, người da màu mới thực sự được công nhận quyền công dân tại các điểm bỏ phiếu. Cách nay không lâu, năm 2004, tại vài nơi bỏ phiếu vẫn có nhiều trường hợp người da màu bị phân biệt đối xử.

Liên tục những điều “đầu tiên”

Cuộc đối đầu năm nay là đỉnh điểm của khoảng thời gian diễn ra nhiều điều “đầu tiên” trong lịch sử Mỹ, kể từ khi nghị sĩ đảng Dân chủ, Nancy Pelosi trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên vào tháng 1-2007. Sau đó là bà Hillary Clinton, người có chiến dịch vẫn động toàn quốc thành công nhất so với bất kỳ người phụ nữ nào trong chính trường Mỹ.

Rồi đến bà Palin, tiếp tục khẳng định vai trò mới của mình, cho thấy phụ nữ Mỹ vẫn chưa dừng bước và họ có thể vượt qua mọi chướng ngại. Nếu chiến thắng, bà Palin sẽ ở vị trí mà ứng viên tự do đảng Dân chủ, Geraldine Ferraro, người đã không thành công  hồi năm 1984 với tư cách là nữ ứng viên tổng thống, ao ước.

Hiện ở Quốc hội Mỹ có 78 phụ nữ. 16 phụ nữ đang có ghế trong Thượng viện và 42 người da màu có chân trong Quốc hội. Các đời tổng thống gần đây của Mỹ đã tạo điều kiện cho phụ nữ và cộng đồng da màu đóng góp nhiều hơn trong nội các: Bà Madeleine Albright từng là ngoại trưởng, ông Colin Powell cũng là ngoại trưởng da màu, bà Condoleezza Rice là ngoại trưởng hiện nay... Tuy nhiên, hiện chỉ có 2 thống đốc da màu và 8 nữ thống đốc tại 50 bang của Mỹ.

Các nhà phân tích nhận định, giữa các chính khách với nhau không có sự khác biệt da trắng hay da màu, đàn ông hay đàn bà và đều là ứng viên xứng đáng. Quan trọng nhất là việc họ mang lại điều gì cho người dân của tổ quốc mình .


VIỆT KHUÊ (theo Reuters)

Tin cùng chuyên mục