
Ứng viên tổng thống John McCain hôm qua đã công bố hồ sơ sức khỏe cá nhân nhằm chứng minh ông... đủ khả năng làm tổng thống. Cử tri Mỹ đang rất quan tâm vấn đề sức khỏe ứng viên, bởi McCain có thể là người già nhất đắc cử nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
72 tuổi vẫn đủ khỏe

“Ông già” McCain và “chàng trai” Obama, ai là tổng thống tương lai?
Sức khỏe là yêu cầu không thể thiếu với một nguyên thủ quốc gia, nhất là với lãnh đạo một cường quốc như Mỹ, bởi lãnh đạo gặp vấn đề sức khỏe thì có thể làm thay đổi cả lịch sử. Sức khỏe ứng viên là một yếu tố tác động quyết định của cử tri.
Từ đầu cuộc tranh cử, giới truyền thông và cử tri Mỹ đã “săm soi” tuổi tác và sức khỏe của ứng viên McCain, người sẽ tròn 72 tuổi vào tháng 8-2008. Có lẽ thế mà McCain đã sớm cho công bố hồ sơ sức khỏe của ông trong 8 năm qua, dày đến... 1.173 trang. Trong lúc đó, ứng viên Barack Obama, 47 tuổi và Hillary Clinton, 61 tuổi, đều chưa công bố hồ sơ này.
Theo các bác sĩ, hồ sơ sức khỏe của McCain chứng tỏ ông đủ khả năng làm tổng thống. Hiện ông không bị ung thư da dù từng 3 lần bị u hắc tố (dạng ung thư da nguy hiểm), tim và sức khỏe tổng quát đều tốt, huyết áp, cân nặng bình thường, mức cholesterol trong mức cho phép...
Phần lớn lần khám bệnh của McCain đều liên quan tuổi tác: loại bỏ thương tổn da tiền ung thư, điều trị thoái hóa khớp, nội soi khối u lành tính ở ruột...
Vài tháng McCain phải kiểm tra nguy cơ tái phát ung thư da, lần mới nhất hôm 12-5. Đây là vấn đề được quan tâm nhất vì ông từng bị u hắc tố vào năm 1993, 2000 và 2002, khi u mới phát triển ở bề mặt da và được cắt bỏ. Lần năm 2000 nguy hiểm nhất, sâu đến 1,2mm. Lần ra tranh cử 8 năm trước, McCain cũng công bố hồ sơ sức khỏe dày hàng trăm trang.
Những câu chuyện lịch sử
Thông thường, các ứng viên không buộc phải công bố toàn bộ hồ sơ sức khỏe. Trong cuộc đua năm 1992 giành đề cử của đảng Dân chủ, ứng viên Paul Tsongas tuyên bố đã điều trị dứt ung thư sau khi được ghép tủy năm 1986, có cả chứng nhận của bác sĩ.
Tsongas cáo buộc đối thủ “tung tin giả” về sức khỏe của ông và còn mời báo chí tới xem ông bơi biểu diễn nhiều vòng quanh hồ. Tuy nhiên, ngay sau cuộc bầu cử năm 1992 (mà Tsongas sớm hết tiền và bỏ cuộc), bệnh của ông tái phát, năm 1996 được ghép tủy lần 2 nhưng đầu năm 1997 ông chết do các biến chứng. Dân Mỹ đặt vấn đề là nếu Tsongas thắng Clinton thì một tổng thống cứ phải lo trị ung thư sẽ làm được gì?
Một ứng viên từng thành công trong che giấu hồ sơ sức khỏe là Franklin Roosevelt. Ông đã bị tăng huyết áp nặng và bệnh tim 8 tháng trước cuộc bầu cử năm 1944 nhưng rất ít người biết. Đối thủ Thomas Dewey cũng chỉ gọi Roosevelt là “ông già mệt mỏi”. Sau cuộc bầu cử tháng 11-1944, Roosevelt thắng nhiệm kỳ thứ tư nhưng chỉ 5 tháng sau đó, ông chết vì xuất huyết não.
Có khi chuyện nhỏ lại hóa lớn như vụ ứng viên của đảng Cộng hòa Richard Nixon bị va đầu gối vào cửa xe hơi tháng 8-1960, tuy chỉ bầm tím nhưng sau đó bị nhiễm trùng nên ông phải nhập viện. Trong 2 tuần Nixon nằm viện, đối thủ thuộc đảng Dân chủ John F. Kennedy đã tranh thủ thu hút cử tri.
Ngay sau khi xuất viện, vẫn còn hốc hác, Nixon có cuộc tranh luận trực tiếp với Kennedy ở Chicago, mà nhà báo Theodore H. White kể lại trong cuốn “The Making of the President 1960”: Nếu chỉ nghe truyền thanh thì 2 ứng viên ngang ngửa nhau nhưng xem truyền hình mới thấy Kennedy thắng thế rõ ràng”. Và đúng thế, tổng thống thứ 35 của Mỹ chính là Kennedy.
THIỆN NGUYỄN