Bẫy công nghệ

Tuyệt đối cẩn trọng
Bẫy công nghệ

Không dùng điện thoại di động, không tiếp cận với thiết bị thông tin công nghệ cao, đó là cách Tổng thống Nga Putin ngăn chặn hoạt động gián điệp từ Mỹ. Thói quen hiếm có của ông Putin đã thách thức những chuyên gia “soi thông tin” kỳ cựu nhất của Mỹ ở thời điểm căng thẳng ngoại giao liên quan đến Ukraine, Crimea ở mức đỉnh điểm.

Tổng thống Nga Putin

Tổng thống Nga Putin

Tuyệt đối cẩn trọng

Tờ Wall Street Journal (WSJ) tiết lộ rằng, các tổ chức gián điệp của Mỹ không tài nào tiếp cận được bất cứ cuộc gọi nào để biết được động thái của Nga đối với Crimea trong thời gian qua.

Theo như WSJ thì đã có sự im tiếng đáng lo ngại khi theo dõi không gian số xung quanh Tổng thống Nga Putin và các cơ quan quân sự của Nga. Gián điệp Mỹ không xâm nhập vào được bất cứ cuộc gọi đến hoặc đi nào từ đây. Một số quan chức Mỹ cho rằng đây là phương án nghi binh. Không ngờ, lý do của sự kín tiếng này đơn giản hơn nhiều lần suy đoán của Mỹ. Tổng thống Putin thừa nhận rằng ông không hề sử dụng điện thoại di động để Mỹ có cơ hội tiếp cận. Ông cũng không tha thiết đến chuyện nhắn tin.

Thậm chí, ông Putin, nhân vật quyền lực nhất thế giới (theo bình chọn của các tạp chí uy tín như Forbes, Time), không phải là công dân điển hình xét theo những tiêu chuẩn số của thời đại Internet. Theo Time, trong cuộc họp ngày 20-3 vừa qua với các nhà quản lý công nghiệp Nga, khi được một người đưa tham khảo tài liệu với lời giới thiệu có thể tìm thấy tài liệu này trên Internet, Tổng thống Putin nói: “Tôi hiếm khi đọc những tài liệu như vậy ở không gian mà đa số mọi người đang đắm mình vào!”.

Được liên tưởng như là một nhân vật lạc hậu với công nghệ, Tổng thống Putin đã bảo vệ được mình trước những nỗ lực theo dõi của gián điệp nước ngoài, trở thành một trong số ít mục tiêu khó tiếp cận nhất.

Hạn chế tối đa sử dụng thiết bị công nghệ số, không có trang mạng xã hội riêng, ông Putin cập nhật tin tức chỉ thông qua tóm tắt ngắn gọn mỗi ngày từ các cơ quan tình báo Nga. Đầu năm 2005, khi Tổng thống Putin bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông đã chia sẻ rằng mình không dùng điện thoại cá nhân. Ông nói: “Nếu tôi có điện thoại di động, chắc nó không bao giờ ngừng đổ chuông. Hơn nữa, nếu người thân cần liên lạc, tôi cũng sẽ không có thời gian để trả lời”.

Năm 2010, cũng có lúc Tổng thống Putin xuất hiện trên truyền hình quốc gia với một thiết bị trông giống như điện thoại. Theo Time, đó không phải là chiếc điện thoại thông minh mà Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) hy vọng ông sở hữu. Nó được mô tả là một thiết bị có hình dáng thô như một cục gạch, màu đen.

Từng là điệp viên KGB trong 15 năm, ông Putin hiểu rằng, các cuộc gọi qua điện thoại thường không an toàn.  Ở Nga, có trường Soldatov chuyên dạy mật mã gián điệp. Soldatov cho biết năm 2009, gián điệp Anh và Mỹ đã nỗ lực theo dõi các cuộc điện đàm cũng như các hoạt động giao tiếp truyền thông số của Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev trong suốt thời điểm diễn ra hội nghị cấp cao ở London, Anh.

Theo Guardian, tài liệu mật do cựu nhân viên NSA Edward Snowden tiết lộ, chứng minh rằng Mỹ, Anh không phá được hệ thống mật mã do Soldatov trang bị cho các yếu nhân.

Thói quen nguy hiểm

Một trong những vụ theo dõi điện thoại nguyên thủ quốc gia gây chấn động là vụ NSA theo dõi điện thoại của Thủ tướng Đức Merkel. Năm 2013, thông tin này được tuần báo Der Spiegel của Đức công bố thông qua nguồn tin của Edward Snowden. Hình ảnh bà Merkel chăm chú nhắn tin trong các cuộc họp trong nước và quốc tế không còn xa lạ trước các phương tiện truyền thông.

Cơ quan an ninh Đức cho biết đã cài những phần mềm bảo vệ điện thoại của bà Merkel. Sự thật là NSA đã theo dõi điện thoại của bà Merkel từ năm 2002 đến tận năm 2013. Trung bình, mỗi ngày bà Merkel gửi đi 100 tin nhắn.

Thủ tướng Đức Merkel từng bị NSA theo dõi điện thoại.

Thủ tướng Đức Merkel từng bị NSA theo dõi điện thoại.

Một vị nguyên thủ khác nghiện nhắn tin điện thoại là Tổng thống Pháp Hollande. Ông có thói quen trao đổi công việc qua tin nhắn bằng iPhone. Dù đã được trang bị chiếc điện thoại bảo mật riêng Teorem do hãng điện thoại Thales của Pháp sản xuất nhưng ông Hollande dường như không thấy đây là vấn đề quan trọng. Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng tương tự. Dù bên mình luôn có chiếc Teorem nhưng vẫn quen sử dụng điện thoại kém an toàn hơn để nhắn tin.

Theo Công ty Cryto France chuyên cung cấp các điện thoại có tính bảo mật cao thì các yếu nhân dù biết họ có nguy cơ bị theo dõi điện thoại rất cao nhưng vẫn thích dùng các dòng điện thoại hợp trào lưu. Trong túi họ luôn có từ hai chiếc điện thoại trở lên. Theo trang Techweb, nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra có đến 5 điện thoại di động.

Không ngừng gián điệp

Deutsche Welle đầu tuần qua đưa tin, cựu Giám đốc NSA (giai đoạn 1999-2005) Michael Hayden đã công khai xin lỗi người dân Đức về việc theo dõi điện thoại của cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schrưder và Thủ tướng đương nhiệm Merkel đã làm ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Đức.

Tuy nhiên, ông Michael Hayden nói hoạt động gián điệp của Mỹ với các nước sẽ không bao giờ dừng lại, nhất là trong bối cảnh mỗi quốc gia đều phải ưu tiên lợi ích của mình đối với việc đảm bảo an ninh. Ông cũng bác bỏ khả năng Mỹ ký kết với Đức một hiệp ước không gián điệp nhau và nhấn mạnh Mỹ chưa bao giờ và cũng sẽ không ký với nước nào một hiệp ước như vậy.

Tháng 2-2014, Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục kêu gọi xây dựng một mạng lưới thông tin liên lạc trên toàn châu Âu nhằm cải thiện việc bảo vệ các dữ liệu thông tin và hạn chế tình trạng nghe lén quy mô lớn từ Mỹ và Anh.  Riêng đối với khu vực Đông Nam Á, trước nguy cơ gián điệp ngày một phát triển mạnh với kỹ thuật tinh vi, các quốc gia thành viên cũng đang tìm kiếm thỏa thuận không gián điệp lẫn nhau.

Sau cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Malaysia Najib Razak vào cuối năm 2013, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nói rằng hai bên nhất trí kêu gọi các nước ASEAN đoàn kết trong việc nói không với bất kỳ hoạt động gián điệp nào. Sáng kiến này có thể được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ diễn ra tại Myanmar vào tháng 5 tới.

NHƯ QUỲNH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục