Sau chiến tranh, đường Trường Sơn vẫn còn nhiều bí ẩn. Ngay cả nơi “hội ngộ” của 2 tuyến Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn cũng khó xác định với những người đã từng chiến đấu tại đó.
Lúc soi đường mở tuyến, nơi gặp nhau của hai tuyến Đông – Tây được xác định là Bến Hét (Ngọc Hồi, Kon Tum). Bắt đầu từ Khe Hó (Quảng Trị), tuyến đường Đông Trường Sơn do Đoàn 559 mở theo các cung đường 20, 18, 21… sang đất bạn Lào vào Nam. Nhánh Tây Trường Sơn từ Lộc Ninh ngược qua Campuchia theo sông Mê Kông, Sê Kông, đường 13, 18 qua Attôpơ (nước bạn Lào) vào Tây Nguyên gặp Đông Trường Sơn tại Bến Hét.
Vì vậy, đây là một địa điểm chiến lược của đường Trường Sơn. Theo Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559, nơi nào có đường giao cắt, ngầm qua sông suối, đèo dốc hiểm trở, nơi ấy trở thành những trọng điểm đánh phá của kẻ thù. Là điểm giao nhau của con đường chiến lược với các binh trạm tập kết quân, kho bãi… nên ngay từ đầu Bến Hét đã nằm trong tầm ngắm của địch và trở thành một tọa độ lửa của kẻ thù.
Trên trời, các loại máy bay ném bom và rải chất độc hóa học. Dưới đất, những toán biệt kích ráo riết săn tìm theo dấu vết di chuyển của quân ta. Để đảm bảo hoạt động xuyên suốt, ta áp dụng chiến thuật kết hợp các lực lượng hợp thành; lấy bộ đội làm trung tâm; công binh mở đường và bảo đảm giao thông; bộ binh đánh biệt kích, thám báo của địch; phòng không, cao xạ đánh máy bay bảo vệ cho đoàn xe đi.
Tháng 5-1972 ta mở đợt tiến công chiến lược trên 3 mặt trận: Đường 9, Bắc Tây Nguyên và Đông Nam bộ, giải phóng các khu vực Khâm Đức, Đăk Tô – Tân Cảnh. Sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột (tháng 3-1975), tận dụng đường 14 có từ thời Pháp ta chuyển hướng tuyến vận chuyển qua vùng giải phóng theo đường 9 vào đường 14 rồi xuống Đông Nam bộ, vì vậy điểm giao nhau giữa Đông và Tây Trường Sơn cũng dịch chuyển vào khu vực Plây Cần (Ngọc Hồi, Kon Tum), cách vị trí Bến Hét cũ không xa.
Từ đó, vị trí Bến Hét gần như bỏ hoang. Điểm giao nhau của Đông và Tây Trường Sơn dường như bị lãng quên theo thời gian khi mọi dấu vết còn lại chỉ là tấm bia ghi “Đường Hồ Chí Minh - Đông Trường Sơn đường 128a+128h nối Tây Trường Sơn” bên dưới có dòng chữ “Plây Cần” nhỏ và mờ. Hiện nay, nơi từng là trọng điểm chiến lược của đường Trường Sơn là một điểm tập kết gỗ.
PHÚ KHUYNH