
Thôn Phú Túc, xã miền núi Hòa Phú, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) nép mình bên những tán rừng mới trồng xanh tốt. Chúng tôi ghé nhà chị Đinh Thị Năm, chi hội trưởng phụ nữ thôn, người đầu tiên sử dụng bếp năng lượng mặt trời (NLMT) do tổ chức Solar Serve tặng.
Gương mặt chị rạng rỡ hẳn khi nhắc tới cái bếp “thần kỳ” của mấy ông Tây cho hồi năm ngoái. Hơn 1 năm nay, 20 hộ trong tổng số 90 hộ người Cơtu ở thôn Phú Túc đã bớt phải lo lắng chuyện củi lửa nhờ những cái bếp sử dụng NLMT. Cách đó một quãng đường, gia đình chị Nguyễn Thị Sen cũng rất hào hứng khi chúng tôi hỏi thăm về những cái bếp “thần kỳ”.

Bên bếp đun nấu bằng năng lượng mặt trời.
Chị nhanh nhảu leo lên căn gác lửng của căn nhà mới xây, lôi chiếc bếp được che khá kỹ xuống cho chúng tôi xem. “Nhà tui có 2 vợ chồng, 4 đứa con.
Buổi sáng, trước khi lên rẫy, tui đặt nồi cơm lên bếp, trưa về có sẵn cơm ăn, khỏi phải lui cui vào bếp như hồi trước”. Vậy chị còn vô rừng lấy củi nữa không? - Tôi hỏi. “Ít lắm, mấy năm trước một tuần tui vô 2 lần, mỗi lần đun được dăm ba ngày. Chừ có bếp ni rồi, hai ba tuần mới đi một lần” - chị trả lời gọn lỏn.
Với ý nghĩ sử dụng nguồn năng lượng vô tận của thiên nhiên để phục vụ đời sống con người - nhất là những người nghèo - nhóm nghiên cứu gồm Nguyễn Tấn Bích (giám đốc dự án), TS Hoàng Dương Hùng (giám sát dự án), ông Johannes van Beek (cố vấn dự án-nhà tài trợ) và các nhân viên Solar Serve (Tổ chức phục vụ NLMT) đã hợp tác bắt tay vào nghiên cứu, tuyển lao động (gồm những người tàn tật, người nghèo) huấn luyện phục vụ các công đoạn sản xuất bếp NLMT.
Thực ra, bếp NLMT hình vuông của Hà Lan (Solar Serve) bắt đầu được sản xuất và đem ra thí nghiệm ở miền Bắc nước ta từ năm 1997. Tiếp theo, 8 kiểu bếp hình rổ tre được sản xuất và đưa ra thí nghiệm ở khu vực miền Trung năm 1998. Kết quả thí nghiệm này đã cho thấy miền Trung là nơi giàu NLMT (trung bình 2.000-3.000 giờ nắng/năm).
Căn cứ trên kết quả đó, những năm 1999-2000, dự án bếp NLMT hình hộp đơn giản của Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Solar Serve bắt đầu hoạt động (gồm một thùng gỗ được lắp 4 bánh đựng chậu nhôm bên trong, một tấm kiếng trên miệng thau gắn với tấm phản chiếu ở phía sau). Khi đun nấu, hướng các tia nắng mặt trời vào trung tâm của cái thau bằng nhôm.
Nhiệt độ bên trong sẽ tăng dần đến 120-140 độ C. Dự án bếp NLMT như là một chương trình hoạt động nhân đạo nên đến nay đã có gần 1.000 hộ gia đình nghèo, các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình đặc biệt khó khăn tại các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và Ninh Thuận được cấp phát miễn phí và đưa vào sử dụng thường xuyên.
Nhiều gia đình nhận bếp không biết vận chuyển bằng cách nào đã đưa lên đầu đội về nhà; đưa về không biết sử dụng, đã tháo phần parabol và thau nhôm bên trong làm chậu giặt đồ; trẻ em lấy hộp gỗ làm xe đẩy rong chơi... Vì thế, một chương trình huấn luyện, những đợt hội thảo về cách đun nấu, sử dụng và bảo quản bếp bằng NLMT được thiết lập. Người dân các địa phương nơi được cấp bếp NLMT đã hình thành thói quen đun nấu bằng NLMT.
HÀ MINH – AN HỘI