Việc mở phiên phúc thẩm là do kháng cáo của bị cáo Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM) và 9 bị cáo khác.
Tại phiên tòa, bị cáo Tất Thành Cang đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét hành vi của bị cáo một cách khách quan, toàn diện. HĐXX hỏi: “Bị cáo nhận thức hành vi của mình có sai không?”.
Bị cáo Tất Thành Cang cho rằng mình không vi phạm điều 219 Bộ luật Hình sự, hành vi của bị cáo không sai so với chủ trương không đầu tư vào bất động sản, tài chính, ngân hàng… Bị cáo Tất Thành Cang trả lời HĐXX là “oan”.
Bị cáo Tất Thành Cang nhận có bút phê “đồng ý” vào tờ trình 1148 do Văn phòng Thành ủy là ý kiến chấp thuận 2 phương án phát hành 9 triệu cổ phần tại SADECO mà Văn phòng Thành ủy trình lên để đơn vị này quyết định chủ trương cho các đại diện vốn biểu quyết tại SADECO. Bị cáo Tất Thành Cang cho rằng, tờ trình 1148 được xây dựng dựa trên tờ trình 12A. Trong khi đó, tờ trình số 13 (nêu tên nhà đầu tư là Công ty Nguyễn Kim), bị cáo chỉ được biết đến khi làm việc với cơ quan điều tra.
Bị cáo Tất Thành Cang khẳng định mình chỉ là nạn nhân của hành vi gian dối khi tờ trình số 13 bị ngụy tạo. Bị cáo Tất Thành Cang cho rằng bản thân bị oan, không phạm tội.
Về vấn đề này, bị cáo Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc IPC, Chủ tịch HĐQT SADECO) khẳng định không biết đến tờ trình 12A và cho rằng tờ trình này không có giá trị về mặt pháp lý.
Trong số tiền 4,6 tỷ đồng các bị cáo nộp khắc phục cho SADECO, phía đại diện công ty này cho biết số tiền được đưa vào quỹ hoạt động của công ty.
Luật sư bào chữa bị cáo Dũng hỏi căn cứ nào để làm việc này thì đại diện Công ty SADECO chưa trả lời. Bị cáo Dũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Gia đình ông đã nộp khoản tiền bồi thường cho SADECO sau khi có bản án sơ thẩm.
Bị cáo Hồ Thị Thanh Trúc (nguyên Tổng Giám đốc SADECO) cũng xin xem xét giảm nhẹ hình phạt. Bà cho biết, đã vận động gia đình bồi thường 465 triệu đồng trong bản án sơ thẩm tuyên. Bà cũng nêu hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ bệnh và con nhỏ.
Bị cáo Trần Công Thiện (nguyên Tổng Giám đốc IPC, là người đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy TPHCM tại SADECO) cho rằng, nguồn vốn bị cáo đại diện không phải là tài sản nhà nước và bản án sơ thẩm xét xử không đúng bản chất.
Công ty SADECO kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm buộc bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc và đồng phạm phải bồi thường 2,8 tỷ đồng. Đồng thời, huỷ bỏ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 13 ngày 7-12-2017 của Công ty SADECO (đăng ký tăng vốn điều lệ từ 170 tỷ đồng lên 260 tỷ đồng).
Công ty này cũng yêu cầu Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty với số vốn điều lệ đăng ký là 170 tỷ đồng.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào đầu tháng 1-2022, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang 10 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bị cáo Tề Trí Dũng lãnh 20 năm tù về 2 tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tội tham ô tài sản. Các bị cáo khác nhận từ án treo đến 16 năm tù về các tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; tham ô tài sản.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Tất Thành Cang, Tề Trí Dũng cùng đồng phạm có nhiều sai phạm trong quá trình chuyển nhượng 9 triệu cổ phần SADECO cho Công ty Nguyễn Kim. Theo quy định, khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần, vốn Văn phòng Thành ủy TPHCM tại SADECO phải được thực hiện qua đấu giá.
Tuy nhiên, những cá nhân liên quan phát hành 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần mà không thông qua thẩm định giá, đấu giá. Hành vi của các bị cáo gây thất thoát 669 tỷ đồng cho nhà nước.