Bi hài chuyện “thi sĩ” làm thơ

Từ văn hóa tặng thơ
Bi hài chuyện “thi sĩ” làm thơ

Từ văn hóa tặng thơ

Có một vài người dí dỏm nói rằng, ở Việt Nam, cứ 10 người thì 9 người biết làm thơ. Với số lượng đông đảo như vậy, quả là một điều đáng tự hào. Nhưng các cụ xưa có câu “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” để nói lên rằng, nhiều chưa chắc đã tốt. Câu nói trên của các cụ rất đúng với tình trạng bội thực thơ hiện nay.

Trong khi một số ít nhà thơ có tâm và có tài thật sự đang ra sức cống hiến hết mình cho nền thi ca nước nhà thì số đông các nhà thơ phong trào khác đang làm cho nền thi ca rơi vào tình trạng “thượng vàng hạ cám”.

Minh họa: P.S.

Minh họa: P.S.

Tặng thơ không phải là xấu, thậm chí, nó còn là cách thể hiện tình cảm một cách nhanh nhất đến người đón nhận. Nhà thơ nổi tiếng nước pháp Louis Aragon đã có rất nhiều bài thơ tặng người vợ Elsa Triolet yêu dấu của mình, những bài thơ ấy đều là kiệt tác của thi ca nhân loại. Nó được viết lên bởi tình yêu vô bờ bến và tài năng thiên bẩm của Aragon.

Ở Việt Nam, hẳn ai cũng biết thi phẩm Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ tài hoa Hàn Mặc Tử. Bài thơ viết ra từ cảm xúc chân thực của Hàn Mặc Tử về tình yêu không trọn vẹn với một người con gái, ông viết và gửi ra Huế tặng cho Hoàng Thị Kim Cúc, bài thơ ấy đã đi vào lịch sử thi ca nước nhà như một kiệt tác.

Lấy ra những ví dụ trên, tôi không hề có ý so sánh những thi sĩ thiên tài với các nhà thơ phong trào nêu ở đây. Họ, (những nhà thơ phong trào) thường tặng một cách vô tội vạ và không cần quan tâm người được tặng có thích đọc thơ hay không, họ chỉ quan tâm đã bao nhiêu người được tặng và tặng được bao nhiêu cuốn. Điều đó ít nhiều làm cho giá trị của thơ mất đi sứ mệnh cao cả vốn có. Mà đúng là mất đi giá trị thật. Từ sự thiêng liêng cao quý, thơ bị họ làm cho trở nên tầm thường bởi những con người bình thường nhưng lại có ảo tưởng quá lớn.

Có người bạn thơ ở một tỉnh miền núi khoe với tôi rằng, anh vừa cho in 1.000 cuốn thơ, vậy mà vẫn không đủ để tặng. Đã không ít lần tôi chứng kiến cảnh những cuốn thơ vẫn còn mới tinh và thơm nức mùi mực, nhưng đã bị cắt ra thành trăm mảnh đặt trong khay hàng của chị bán bánh rán. Tôi gượng hỏi thì chị ấy khoe là của một ông hàng xóm tặng. Còn mấy cuốn nữa ở nhà, khi nào cần thì lại cắt.

Đến chuyện thi sĩ làm thơ tặng...… cave!

Hàng năm, các hội văn học nghệ thuật thường tổ chức trại sáng tác cho hội viên đến giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và có thêm thời gian để sáng tác hoặc hoàn tất những tác phẩm còn dở dang. Ở một trại sáng tác nọ, do một tổ chức văn học nghệ thuật có uy tín của Trung ương tổ chức tại một khu du lịch nổi tiếng nằm trên núi cao. Các trại viên đến từ nhiều tỉnh khác nhau. Chủ yếu là các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Một người bạn của tôi đã tham gia trại viết ấy. Anh kể lại cho tôi nghe một chuyện cười ra nước mắt.

Chẳng là thế này, ở cổng khu nghỉ ngơi mà các “nhà thơ” của chúng ta tập trung sáng tác, có mấy quán cà phê, massage… mà ở một khu du lịch nổi tiếng, những nơi giải trí như thế mọc lên là điều đương nhiên.

Sau những khoảng thời gian “thai nghén” mãi vẫn không thành hình “đứa con” ưng ý, các nhà thơ bắt đầu đi “giải trí”! Trong quán cà phê có mấy em “chân dài” ăn mặc mát mẻ ra mời chào! Các “nhà thơ” lâu nay chỉ biết đánh vật với con chữ, nay gặp các em trẻ đẹp chẳng khác nào nắng hạn gặp mưa rào.

Thế rồi ai cũng ra sức trổ tài chém gió để lấy lòng người đẹp. Thấy nói mồm không thôi chưa đủ, đêm về, họ bắt đầu làm thơ tặng cho những người đẹp ấy với ước mong được nàng để ý đến. Những cô nhân viên quán cà phê và massage kia có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ rằng, một ngày nọ bỗng nhiên họ được tặng thơ mà thơ viết để “ca ngợi” mình hẳn hoi…

Chẳng biết các nhà thơ đã được “bén mùi” người đẹp hay chưa mà số thơ viết tặng và số người tặng thơ cứ mỗi ngày tăng lên khiến cho các nàng choáng. Ban đầu, một số người đẹp còn thấy thích thú vì điều đó, nhưng ngày nào cũng được tặng và người nào ra đây ngồi cũng tặng nên đâm ra chán, bội thực.

Một chiều, anh bạn tôi ra quán ngồi và gọi một ly cà phê. Thấy bạn tôi bước từ nơi mà các “nhà thơ” kia nghỉ ra, mấy cô nhân viên liền sán lại, hỏi: “Anh cũng là nhà thơ à?”. Bạn tôi ngượng tím mặt, chưa biết trả lời ra sao thì mấy cô ấy đã vội móc ở trong túi quần ra một nắm giấy lộn, tờ thì bị gập làm năm làm bảy, tờ thì bị vo tròn nhàu nát, nhìn như đám giấy mà người ta vứt trong nhà vệ sinh, các cô vội vàng khoe: “Đây là thơ chúng em được tặng đấy!”.

Anh bạn tôi thật sự ngỡ ngàng, cười chẳng ra cười, mà khóc cũng không được, nhưng thấy sao trong mắt cứ cay cay… Mấy “nhà thơ” đó đã làm cho hình tượng về một nhà thơ bị hạ thấp biết nhường nào… Chẳng nói được câu gì, anh chỉ biết thở dài ngao ngán, lặng lẽ nhấp một ngụm cà phê rồi mau chóng ra về!

Mong rằng một số nhà thơ phong trào sớm tỉnh ngộ, có cái nhìn đúng đắn hơn, đưa thơ về đúng giá trị của nó.

BÁ HÒA

Tin cùng chuyên mục