
Sinh ra và lớn lên từ vùng quê cổ tích trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, Xuân Hòa đã sớm bộc lộ cá tính thẳng thắn, trung thực. Đang làm cán bộ chuyên trách của huyện, Xuân Hòa tình nguyện nhập ngũ, cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Cũng ở đây, những ký ức chiến trường khắc sâu trong lòng tác giả, được nhắc đến qua những câu chuyện về những địa danh như sông Hàm Luông, Mỏ Cày Bắc, căn cứ I4… về những đồng đội như: Người nữ giao liên Miền Nam, Sống mãi tên anh, Tư lệnh Trần Hải Phụng; Thu Bà Điểm… Mỗi vùng đất, con người trong Một thời để nhớ đều gắn với những kỷ niệm sâu sắc của tác giả, thẫm đẫm tình đồng đội, tỉnh quân dân.
Một thời để nhớ của Xuân Hòa không chỉ dừng ở cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. Chỉ có điều lần này ông lại nhìn cuộc chiến trong một cương vị mới, người phóng viên chiến trường. Xuân Hòa là một trong những phóng viên đầu tiên có mặt khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Ông đã dành nhiều trang với lượng tư liệu ngồn ngộn đề viết về những ngày tháng theo chân bộ đội trên đất Chùa Tháp, qua những vùng đất như Xa Mát, Thiện Ngôn, Sanun, Kroche, Ko kong… gặp những con người như chính trị viên Kim Văn Bút, xạ thủ Nguyễn Đức Hùng, chiến sĩ Lê Văn Hải… Mỗi người, mỗi nơi đã giúp ông dệt nên bức tranh đa sắc về những người lính tình nguyện Việt Nam.
Xuân Hòa cũng dành một phần quan trọng để nhớ về những đồng nghiệp. Đó là thế hệ nhà báo đàn anh như Vũ Linh, Phạm Đình Trọng, Trần Ngọc Thị, Mai Bá Thiện, Minh Khoa, Đỗ Kết… Câu chuyện bữa ăn sáng để tiễn 2 phóng viên lên mặt trận của anh Mai Bá Thiện (phụ trách báo Quân khu 7) được tác giả kể lại thấm đẫm tình anh em, đồng đội. Xuân Hòa cũng dành nhiều tình cảm cho các đồng đội, đồng nghiệp từng sát cánh với mình trong những năm tháng “để nhớ” như Trần Thế Tuyển, Vũ Xiêm, Lê Hanh, Phạm Văn Mấy, Mai Xuân Thọ, Phạm Sĩ Sáu, Nguyễn Trường …. Mỗi câu chuyện là những lát cắt vui buồn một thời của các phóng viên chiến trường - nhà báo quân đội.
Ký ức và hiện tại đan xen là nguồn cảm hứng vô tận để nhà thơ Xuân Hòa sáng tác. Ở tuổi bát tuần, người con vùng đất cổ tích xưa vẫn tràn dâng nhiệt huyết. Ông vừa tổ chức kỷ niệm 25 năm làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ và Hát quan họ Kinh Bắc tại TPHCM. Ông vẫn theo sát hoạt động của Ban Liên lạc Truyền thống Báo Quân Giải Phóng - Quân khu 7. Và đặc biệt, các tác phẩm thơ văn của ông vẫn xuất hiện đều đặn tại các nhà xuất bản, báo chí và truyền hình. Như con tằm nhả tơ, Xuân Hòa vẫn miệt mài từng đêm trên trang viết...