
Chứng kiến dòng người kiên nhẫn xếp hàng suốt nhiều giờ, thậm chí xuyên đêm, bất chấp mưa nắng tại các chùa Quán Sứ, Tam Chúc, Bái Đính…, mới thấy sức lan tỏa sâu rộng của sự kiện chiêm bái xá lợi. Có người chỉ tranh thủ được vài chục phút trong ngày, nhưng vẫn cố gắng đến, rồi lặng lẽ ra về đầy tiếc nuối khi chưa kịp tới lượt. Giữa biển người, hình ảnh những cụ già bước chậm được dìu từng bước, xe lăn được nâng nhẹ bởi những đôi tay tình nguyện hay một lối đi được mở ra chỉ bằng ánh nhìn và cái gật đầu nhường bước... khiến lòng người xúc động. Những chai nước mát được chuyền tay dưới nắng đầu hè. Những chiếc quạt giấy mong manh khẽ lay, mang theo mát lành của lòng tốt đủ để làm dịu giọt mồ hôi, cả những xúc cảm tưởng chừng đã khô cạn trong nhịp sống xô bồ.
Xá lợi Đức Phật là một biểu tượng mang tính lịch sử và tinh thần sâu sắc, không phải là vật thần kỳ có thể mang đến vận may, mà là lời nhắc nhở về những giá trị nhân văn bền vững. Điều quan trọng mà một bậc vĩ nhân để lại không nằm ở hình tướng, mà là ở triết lý sống: hãy sống lương thiện, đừng gây khổ đau cho chính mình và người khác, đó đã là một điều kỳ diệu.
Đức Phật dạy “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, sự bình an không đến từ bên ngoài, mà từ nội tâm trong sáng và hành vi có trách nhiệm. Chiêm bái bảo vật, nếu nhìn theo hướng này, chính là một dịp để mỗi người soi chiếu lại bản thân mình. Giá trị lớn nhất của sự kiện không nằm ở nghi thức hay hình thức bề ngoài, mà là ở sự lay động, thức tỉnh trong mỗi cá nhân. Dù bạn theo tôn giáo nào hay không theo tôn giáo nào, bạn vẫn có thể thực hành những điều đơn giản: sống thiện lương, không làm điều xấu, giúp đỡ người khác trong khả năng của mình.
Cái gọi là phước báu hay may mắn thực ra không đến từ đâu khác ngoài chính hành động và thái độ sống của mỗi người. Không cần lễ lạy nhiều lần, cũng không cần lễ vật to lớn, điều có ý nghĩa nhất chính là cách ta cư xử trong đời sống hằng ngày: biết yêu thương, biết lắng nghe, biết dừng lại trước những điều sai trái. Khi con người sống hướng thiện, xã hội sẽ an lành hơn, đó là điều mà bất kỳ nền văn hóa hay truyền thống đạo đức nào cũng hướng đến.
Hàng triệu người cùng hướng về chiêm bái bảo vật trong những ngày qua, có thể không phải ai cũng thấu hiểu được hết triết lý sâu xa phía sau, nhưng hầu hết đều cảm nhận được một nguồn năng lượng tích cực, thôi thúc họ sống tử tế hơn, bao dung hơn, biết nghĩ cho người khác nhiều hơn. Trong một thế giới đầy lo toan và xô bồ hôm nay, những khoảnh khắc như thế thực sự quý giá. Không phải vì sự linh thiêng huyền bí, mà vì nó gợi mở lại những điều tử tế vốn có trong mỗi con người.