Bị kết án tù vì đoàn kiểm tra làm sai quy định

(SGGPO).- Đó là trường hợp của ông Vũ Tiến Minh (SN 1976, ngụ thôn Fi Nôm, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) bị TAND huyện Đức Trọng xử phạt 30 tháng tù giam về tội chống người thi hành công vụ là đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch Covid-19. Ông  Minh kháng cáo kêu oan cho rằng, không biết người quay phim mình là ai và các chứng cứ gây bất lợi cho đoàn kiểm tra liên ngành bị bỏ ra ngoài hồ sơ, làm sai lệch bản chất vụ án.

Ông Vũ Tiến Minh kháng cáo kêu oan.
Ông Vũ Tiến Minh kháng cáo kêu oan.

Ném ghế vào người quay phim mình

Khoảng hơn 17 giờ ngày 4-7-2021, ông Minh cùng 8  người làm cho công ty mình về quán Linh Nhi (anh Minh góp vốn với chủ quán) trên đường Sư Vạn Hạnh, thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng) để ăn tối. Khi đang ăn thì có 4-5 người lạ vào quán nói chuyện với bà Trịnh Thị Út Nhỏ (chủ quán) ở quầy tính tiền. Lúc này một phụ nữ chừng hơn 30 tuổi, lấy máy điện thoại quay phim bàn ăn ông Minh đang ngồi nên ông hỏi lý do vì sao quay phim mà chưa được sự đồng ý. Ông Minh gặng hỏi: “Chị quay phim đã hỏi ý kiến chúng tôi chưa?. Chị là ai, giới thiệu đi” (trích Clip- PV) nhưng người này không nói gì, tiếp tục dùng điện thoại để quay phim. 

Bị kết án tù vì đoàn kiểm tra làm sai quy định ảnh 1 Ông Vũ Tiến Minh kháng cáo kêu oan

Quá bức xúc, ông Minh lấy tay gạt chiếc điện thoại rồi lấy ghế ném về phía người phụ nữ nhưng không trúng. Một lát sau, ông Minh mới biết người quay phim là bà Nguyễn Hoàng Phương Thảo, thành viên của đoàn liên ngành của huyện Đức Trọng đi kiểm tra về công tác phòng chống dịch Covid-19. Sau đó, Công an và VKSND huyện Đức Trọng khởi tố, bắt tạm giam và truy tố ông Minh về tội chống người thi hành công vụ quy định tại khoản 1, Điều 330, Bộ luật Hình sự.

Ngày 1-11- 2021, TAND huyện Đức Trọng mở phiên xét xử sơ thẩm. Tại phiên xử, ông Minh nói 2 lần lấy lời khai ban đầu, ông đều khai không biết bà Phương Thảo và những người vào quán là đoàn kiểm tra liên ngành. Sau đó, ông bị điều tra viên Lê Đức Vinh mớm cung nên thừa nhận để được tại ngoại lo việc gia đình, làm ăn. Ông Minh nói có góp vốn với chủ quán nên bữa ăn chỉ mang tính chất gia đình, không vi phạm quyết định số 4532/UBND-VX3 ngày 3-7-2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng (quán ăn uống không được phục vụ tại chỗ- PV). Việc lấy tay gạt điện thoại và ném ghế về phía bà Thảo vì không muốn bị quay phim tùy tiện, bà Thảo không giới thiệu, không đeo bảng tên khi làm nhiệm vụ.

Còn LS Lê Cao Tánh (thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng), bào chữa cho ông Minh yêu cầu hoãn phiên tòa, triệu tập điều tra viên, người liên quan đối chất tại tòa nhưng không được chấp nhận. Ông Minh bị TAND huyện Đức Trọng tuyên phạt 30 tháng tù giam về tội chống người thi hành công vụ.

Có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án ?

Không đồng tình bản án, ông Minh đã gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện Đức Trọng, tiếp tục khẳng định không biết bà Phương Thảo là công chức đang thực hiện công vụ và ông vô tội vì “không biết bà Thảo quay phim để thực hiện công vụ hay mục đích nào khác và hầu hết các thành viên trong đoàn liên ngành không mặc trang phục ngành, không đeo bảng tên, dù đây là dấu hiệu trực quan để nhận biết người thi hành công vụ”. 

Bị kết án tù vì đoàn kiểm tra làm sai quy định ảnh 2 Quán ăn Linh Nhi nơi xảy ra vụ việc

Về việc bản sơ thẩm cho rằng dịch Covid-19 phức tạp, cấp bách nên đoàn kiểm tra đột xuất, không có kế hoạch, ban hành quyết định, ông Minh phản bác: “Thời điểm này, tỉnh Lâm Đồng mới có 5 ca nhiễm Covid-19 tại huyện Đạ Tẻh nên chưa phải áp dụng Chỉ thị 15, 16,19 của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Lâm Đồng mới ban hành công văn số 4532/UBND-VX ngày 3-7-2021 là không cho quán ăn bán tại chỗ từ 0h ngày 4-7-2021. Do đó, không thể nói là việc kiểm tra quán ăn là trường hợp khẩn cấp”.

Đặc biệt, ông Minh còn gửi đơn tố cáo đến Thủ trưởng cơ quan điều tra- Viện KSND tối cao về dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 375, Bộ Luật Hình sự. Cụ thể, các hình ảnh được trích xuất từ camera cho thấy đã bị cắt đoạn đầu thể hiện việc bà Thảo quay phim từ ngoài đường vào trong quán. và đoạn video này đã không được đưa vào hồ sơ đã làm diễn biến vụ việc không được xem xét khách quan và có dấu hiệu làm sai lệch bản chất vụ án.

Thạc sĩ Lưu Đức Quang (Giảng viên Bộ môn Luật Hiến pháp- Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM) nêu quan điểm: Phải xác định là ông Minh có dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ. Nhưng trong vụ việc, bà Phương Thảo không có biểu hiện là người thi hành công vụ như đeo bảng tên, giới thiệu về nhiệm vụ của mình và khi được hỏi lý do quay phim thì im lặng không giải thích nên ông không biết bà Phương Thảo đang thi hành công vụ. Việc ghi hình là công khai nhưng không minh bạch vì không nói rõ mục đích việc ghi hình. Khi người dân hỏi tại sao ghi hình, anh có thẩm quyền gì mà ghi hình là đang thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của công dân đối với xã hội, trong đó có hoạt động của các cơ quan công quyền. Nếu là cán bộ, công chức có thẩm quyền thì phải xuất trình giấy tờ, biển tên, phù hiệu để người ta giám sát nhưng bà Phương Thảo và các thành viên trong đoàn thực thi công vụ không đảm bảo những nguyên tắc theo quy định luật cán bộ công chức thì không thể gọi là công vụ được. Hành vi của anh Minh có thể chỉ xử phạt hành chính về gây rối trật tự. 

Tin cùng chuyên mục