
Khoảng nửa thế kỷ trước, Phần Lan chỉ được biết đến như là một quốc gia chuyên cung cấp gỗ từ những cánh rừng bạt ngàn của họ. Không mấy người chú ý tới quốc gia nghèo khó nằm sát vùng cực với dân số đa phần là những thợ rừng và nông dân trình độ học vấn thấp này.
Nhưng hiện nay, đất nước nhỏ bé phía Bắc châu Âu với nền kinh tế công nghệ cao đang rất phồn thịnh này lại là một trong số những quốc gia có khả năng cạnh tranh cao nhất trên thế giới. Đã có không ít chính trị gia từ khắp nơi đổ về Helsinki (thủ đô của Phần Lan) để cố tìm hiểu những bí quyết thành công này.

Gia đình Minna Sirelius và Stefan Nygard.
Chúng tôi có câu thành ngữ – giảng viên trường đại học Stefan Nygard vừa nâng niu đứa con gái nhỏ vừa nói – Nếu bạn là người Phần Lan, bạn đã là người may mắn”. Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu khác, thông thường đang phải vật lộn để duy trì hệ thống an sinh xã hội tốn kém của mình trong các điều kiện cạnh tranh và toàn cầu hóa, lại khó có thể sao chép những điều kiện và quan điểm của người Phần Lan.
“Phần Lan là một trường hợp ngoại lệ của châu Âu – giáo sư Riisto Erasaari từ Trường Đại học Tổng hợp Helsinki nói – Đây là một quốc gia thuần nhất nhỏ bé, mọi hoạt động chủ yếu dựa vào nhà nước. Và kiểu mẫu xã hội của chúng tôi đặc trưng Phần Lan đến nỗi, nó không thể đem ra áp dụng tại một nơi khác. Nhưng cũng có một số yếu tố của nó, ví dụ như sự quan tâm của nhà nước đối với các phát minh và giáo dục, thì có thể xuất khẩu được”.
Nygard và cô vợ anh ta là Minna Sirelius đang được tận hưởng những thành quả mang tính đặc trưng của Phần lan. Họ không phải trả một xu nào cho việc học đại học, cho dù đã phải mất tới 7 năm để nhận được những tấm bằng về lịch sử và tâm lý. Sirelius được chăm sóc y tế miễn phí khi đang mang thai và sinh cô con gái Emilia của họ. Và còn được nghỉ sinh thêm 11 tháng nữa. Nhà nước sẽ trả cho cô tới 60% số thu nhập trong thời gian chăm sóc đứa bé.
Sang năm tới, Nygard và Sirelius còn được quyền lựa chọn nhà trẻ cho con (là nhiều môi trường của các ngôn ngữ khác nhau như tiếng Phần Lan, tiếng Thụy Điển, tiếng Anh và Tây Ban Nha), và chính phủ có nghĩa vụ trả 4/5 số tiền chi phí tại đây.
Tại Phần Lan, nếu có ai đó bị mất việc làm, họ có thể sống dựa vào khoản trợ cấp thất nghiệp của chính phủ bằng khoảng 70% tiền lương trước đây trong vòng 18 tháng. Còn khi nghỉ hưu, người dân sẽ được nhận khoản tiền hàng tháng bằng 60% mức lương gần nhất của họ trước khi nghỉ.
Tất nhiên, để có được những quyền lợi như vậy, cũng phải có giá của nó: mức đóng thuế của Phần Lan được xếp vào loại cao nhất châu Âu. Nếu như đường công danh của Sirelius gặp thuận lợi, cô sẽ phải đóng khoản tiền thuế tới 45% số thu nhập của mình. “Tôi có cảm tưởng rằng, xã hội và đất nước chúng tôi sống nhờ vào điều này – cô ta giải thích – Mô hình một quốc gia theo định hướng xã hội sẽ không thực tế, nếu chúng tôi không biết nhận lấy một phần trách nhiệm từ những chi phí phúc lợi”.

Một góc thủ đô Helsinki.
Theo Petri Rouvinen, giám đốc Trung tâm phân tích kinh tế ETLA, thì suy nghĩ của Sirelius cũng là quan điểm tương tự của đa số người dân Phần Lan: “Thế giới quan của người dân Phần Lan được đặc trưng bởi tính tập thể và sự công bằng. Chính điều này đã tạo cơ sở cho sự tồn tại của cả hệ thống”.
Còn theo Mikko Kautto, nhân viên Trung tâm phân tích xã hội quốc gia (Welfare Research Center), người Phần Lan đều cho rằng, những chi phí xã hội không phải đóng vai trò kìm hãm phát triển kinh tế mà lại là một yếu tố tích cực.
Không phải tình cờ mà Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum) được tổ chức hàng năm tại Davos (Thụy Sĩ) đã xếp hạng Phần Lan là nền kinh tế có khả năng cạnh tranh cao nhất thế giới (vượt qua cả Mỹ) suốt 4 trong 5 năm gần đây.
Sự tiến bộ vượt bậc này có thể thấy rõ trong các trường học của Phần Lan, nơi các học sinh tại đây vào thời cuối chiến tranh thế giới thứ hai được xếp vào loại trình độ kém nhất trong thế giới các quốc gia phát triển về kinh tế. Nhưng hiện nay, các sinh viên, học sinh Phần Lan lại được đánh giá cao nhất theo các nghiên cứu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế.
Quan chức Riita Lampola thuộc Cơ quan giáo dục Phần Lan cho biết, việc bảo đảm cho tất cả những đứa trẻ Phần Lan – không phụ thuộc vào điều kiện gia đình hay địa điểm sinh sống – đều có được một nền học vấn xứng đáng là mục tiêu hàng đầu của chính phủ. “Chúng tôi từng là một quốc gia nghèo với dân số ít ỏi, và vì thế chúng tôi cần mọi thứ nếu như muốn xây dựng một xã hội hiện đại và phát triển – Lampota giải thích – Điều này có nghĩa là mỗi người cần phải có một trình độ học vấn thích đáng”.
Triết gia trẻ tuổi, đồng thời là cố vấn chính phủ Pekka Himanen, khẳng định: “Khi mọi người có thể tận dụng được mọi tiềm năng của mình, họ sẽ trở thành những nhà phát minh hay đổi mới. Một nền kinh tế đổi mới luôn có khả năng cạnh tranh, cho phép đảm bảo tài chính cho một quốc gia theo định hướng xã hội, tạo ra một cơ sở kinh tế vững chắc, lại làm tiền đề nảy sinh những nhà phát minh mới nhờ chế độ phúc lợi xã hội tốt”.
Cũng theo Himanen, các nước châu Âu khác có thể sao chép những nỗ lực của Phần Lan trong việc hoàn thiện hệ thống giáo dục cũng như đầu tư vào các nghiên cứu khoa học (hiện đang chiếm tỉ lệ tới 3,6% GDP và chỉ đứng sau Thụy Điển).
Chính phủ Phần Lan luôn duy trì mức đầu tư cao cho các nghiên cứu khoa học, ngay cả vào những thời điểm khủng hoảng kinh tế đầu những năm 1990, khi GDP sụt giảm tới 13% trong vòng 3 năm và tỉ lệ thất nghiệp lên tới 17,9%. Những chính sách đúng đắn này là điểm tựa cho rất nhiều công ty Phần Lan đạt được thành công vượt bậc, cụ thể như nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới Nokia (chiếm 32% thị trường điện thoại di động trên thế giới).
Cuối cùng, theo như hiệu trưởng danh dự Jorma Sipila của Trường đại học Tổng hợp Tampere, kiểu mẫu xã hội của Phần Lan đang là một đảm bảo tốt nhất cho tương lai của họ: “Các yêu cầu của một nền kinh tế phát triển cao như vậy khiến quốc gia cần phải có những đầu tư xã hội thích đáng để đào tạo ra những con người có khả năng. Sự kết hợp giữa phồn thịnh với bảo đảm xã hội là phương án phát triển duy nhất trong tương lai của Phần Lan”.
(Theo Christian Science Monitor)
NHƯ QUỲNH