
Theo Ban quản lý dự án cơ sở Lâm trường Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi), từ năm 2003 đến tháng 6 năm 2005, toàn huyện Sơn Hà có gần 1.000 ha rừng phòng hộ đầu nguồn bị phá. Điều đáng nói là, mỗi năm qua đi, có hàng trăm hécta rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham ở địa phương này bị mất đi như thế nhưng các cơ quan chức năng vẫn không có cách ngăn chặn.
Xót cho những cánh rừng
Khảo sát dọc theo tỉnh lộ 623 qua các xã Sơn Thành, Sơn Hạ, thị trấn Di Lăng thuộc địa phận huyện miền núi Sơn Hà, chẳng còn thấy mấy cây rừng, chỉ toàn là cây mía, cây keo mới trồng và nhiều nhất là cây mì. Những nơi khác, ngoài bìa rừng có cây cối thật, nhưng chịu khó lội bộ vào sâu bên trong thì chỉ có cây mì, không thấy cây rừng mà cách đây mười, mười lăm năm người ta trồng để bảo vệ nguồn nước cho công trình thủy lợi Thạch Nham có vai trò tưới cho hơn 50.000 ha lúa và hoa màu ở các huyện đồng bằng trong tỉnh.

Những cánh rừng bị tàn phá để lấy đất trồng các loại hoa màu.
Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số hay phá rừng làm lúa rẫy, nhưng vài năm gần đây, từ khi có nhà máy Mì Sơn Hải (công suất 200 tấn/ngày) thì tốc độ phát triển diện tích của mì tương đương tốc độ cạn kiệt của những cánh rừng. Theo kế hoạch của huyện Sơn Hà, đến năm 2010, huyện sẽ có 4.500 ha mì, thế mà chỉ đến tháng 6-2005 địa phương này đã có 3.000 ha mì.
Người dân đua nhau phá rừng để trồng mì. Lúc đầu chỉ chặt những cây lớn, chừa cây nhỏ, nay thì lớn nhỏ gì cũng chặt tất. Thậm chí họ còn “giết” cây bằng cách vạt khoanh tròn thân cây làm cây chết đứng giữa trời. Mà cây khô rồi thì chặt, để đó làm gì! Thậm chí có một số người dân tuyên bố: Nếu giá mì lên đến 1.000 đồng/kg thì cây nhà cũng chặt, huống hồ là cây rừng của… “mấy ông lâm trường”. Việc phá rừng còn có sự “đóng góp” rất… lớn của lâm tặc.
Vào năm 2004, cánh rừng gỗ lim xanh, chò chỉ có diện tích 300 ha ở thôn Nước Nia thị trấn Di Lăng bị “tàn sát” không thương tiếc. Hoặc như các cánh rừng có các loại gỗ quý hiếm ở Mô Nic (xã Sơn Kỳ), Nước Bao (xã Sơn Bao)… qua thời gian cũng theo dòng Xà Lò, sông Rin rồi xuôi xuống sông Trà và vào tay các ông chủ buôn gỗ lậu.
Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao kiểm lâm có 2 trạm kiểm soát, một trạm đường bộ ở xã Sơn Hạ, một trạm đường thủy ở đầu mối Thạch Nham, buôn gỗ lậu chỉ có thể đi qua hai con đường này, mà “máu rừng” vẫn chảy?
Ban quản lý dự án cơ sở Lâm trường Sơn Hà (BQL) cho biết: BQL đang quản lý bảo vệ 7.000 ha rừng phòng hộ đầu nguồn trải trên địa bàn các xã Sơn Thành, Sơn Hạ, Sơn Trung và thị trấn Di Lăng. Từ năm 2003 đến giữa tháng 6-2005, đã có 984,1 ha rừng phòng hộ đầu nguồn với những loại cây muồn đen, dầu rái, keo lá tràm… ở huyện bị tàn phá hết sức nghiêm trọng.
Trong đó có những vùng gần như bị xóa sổ, đó là các tiểu khu 192, 193, 198 và 209 ở xã Sơn Thành; tiểu khu 191, 194, 204, 211 ở thị trấn Di Lăng. Cũng theo BQL thì ở hai xã - thị trấn nói trên, mỗi năm xảy ra hàng trăm vụ phá rừng. Ở thị trấn Di Lăng vào năm 2004 có 51 vụ, 6 tháng đầu năm 2005 có 42 vụ. Còn ở ở xã Sơn Thành, chỉ tính riêng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2005, đã có 366 vụ phá rừng.
“Chủ rừng” mệt mỏi…
Đến BQL cơ sở Lâm trường Sơn Hà, chúng tôi nhận thấy cán bộ nhân viên ở đây đã quá mệt mỏi. Giám đốc Lê Văn Quí đang xin nghỉ hưu trước tuổi. Ông muốn “giới thiệu” ông Nguyễn Trung Triết- tổ trưởng kỹ thuật BQL - thay ông làm giám đốc, nhưng theo lời ông Triết thì: “Tôi không dám nhận…”.
Sự mệt mỏi của cán bộ, nhân viên ở đây có nhiều lý do. Mấy tháng nay, hết đoàn nọ đến đoàn kia đến làm việc, kiểm tra tại lâm trường nhưng tình hình vẫn không chuyển biến gì. Rừng vẫn bị phá tàn khốc. Anh Nguyễn Trung Triết cho biết là từ khi tốt nghiệp Trường trung học kỹ thuật Lâm nghiệp Nghĩa Bình đến nay anh đã gắn bó với rừng Sơn Hà, vậy mà chưa bao giờ thấy xót cho những cánh rừng ở đây như bây giờ.
Hàng ngày, anh và những nhân viên bảo vệ của BQL trên đường đi làm về vẫn thường bị kẻ xấu ném đá. Vợ khuyên anh nghỉ việc ở nhà, vì chị luôn nhận được những cú điện thoại gọi đến hăm dọa. Thậm chí gia đình anh mua 3 con bò về nuôi cũng bị ai đó đánh chết mất một con.
Hỏi về sự phối hợp của các cơ quan chức năng với BQL, chúng tôi nhận được sự thở dài ngao ngán. Anh Triết đưa ra vài trường hợp, chính anh em bảo vệ của BQL bắt và giao cho cơ quan chức năng xử lý, nhưng rồi sau đó vẫn thấy xe các đối tượng hoạt động bình thường.
Trong các vụ ấy, có thể kể đến chuyện xảy ra vào trưa ngày 14-6-2005. Khi nhận được tin báo có xe tải mang biển số kiểm soát 76K 1771 do Dương Đình Mỹ lái vào chở gỗ rừng đầu nguồn, BQL phối hợp với cảnh sát giao thông huyện đến bắt về giao cho Hạt kiểm lâm Sơn Hà xử lý.
Ấy vậy mà không hiểu vì sao chỉ 48 giờ sau, chiếc xe này và cả lái xe đã được thả ra. Vụ thứ hai là vào lúc 23 giờ ngày 24-5-2005, BQL bắt được xe mang biển số kiểm soát 76K 4262 (chủ xe là Hồ Duy Lâm) chở 13,5 siste gỗ của rừng đầu nguồn. Nhưng chưa kịp xác minh, chưa xử phạt thì ngày 1-6-2005, một lãnh đạo Hạt kiểm lâm lại viết giấy đề nghị BQL cho “lấy xe đi sửa chữa”.
Có vụ tức cười là vào 3 giờ 30 phút sáng ngày 6-7-2005, có nguồn tin báo là có lâm tặc vào chở gỗ lậu, BQL điện thoại báo cho kiểm lâm để phối hợp đi bắt. Nhưng đợi mãi không được, BQL tự đi và bắt tại trận xe mang biển số 76K 3922 do Bùi Xuân Tùng (quê ở xã Tịnh Hà huyện Sơn Tịnh lái) vào tận khoảnh 3+6 tiểu khu 203, thuộc thôn Gò Rinh, xã Sơn Thành, bốc xếp 5,74 m3 gỗ đốn hạ từ rừng đầu nguồn.
Khi chuyển cả xe lẫn gỗ về Hạt kiểm lâm thì thấy “mấy anh kiểm lâm đang ngủ”. Cũng theo anh Triết, nhiều khi người dân báo lên cho lâm trường có lâm tặc chở gỗ nhưng họ dặn dò: Các anh có đi thì phối hợp với công an xã ấy, đừng nói với ai khác và đừng cho lâm tặc biết người cung cấp thông tin (!?)
PHẠM ANH