Biến chất thải nguy hại thành “ngôi nhà ý thức xanh”

Chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt hàng ngày đang được nhiều tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp vận động người dân bỏ đúng nơi quy định, sau đó được thu gom, xử lý. Thực tế này đã và đang góp phần làm xanh, sạch khu phố, môi trường xung quanh khu vực người dân sinh sống... Mô hình “Ngôi nhà của pin” tại phường Tân Quý, quận Tân Phú, TPHCM là một điển hình như thế.
Mô hình “Ngôi nhà của pin” góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường
Mô hình “Ngôi nhà của pin” góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường

Ngôi nhà của pin cũ

Mấy cục pin trong chiếc điều khiển tivi của nhà anh Hoàng Văn Hiến (khu phố 4, phường An Khánh, TP Thủ Đức) bị hư, anh loay hoay chẳng biết bỏ vào đâu. Phân vân mãi, rồi anh bỏ chung cục pin cũ với bịch rác sinh hoạt mang ra trước cửa để đơn vị thu gom mang đi... Câu chuyện không có chỗ để bỏ các loại chất thải nguy hại như pin cũ không chỉ xảy ra với anh Hiến mà đang diễn ra ở rất nhiều hộ dân, khu dân cư trên địa bàn TPHCM. Pin sau khi sử dụng bị người dân thải bỏ được xếp vào loại chất thải nguy hại, vì dễ gây ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái, nguy cơ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người nếu không được thu gom, xử lý đúng quy định.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Ngọc Trúc Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân Quý, quận Tân Phú (người lên ý tưởng triển khai mô hình “Ngôi nhà của pin”), thực tế các loại chất thải nguy hại bị thải bỏ bừa bãi đang diễn ra rất phổ biến trên cả nước, cụ thể nhất là pin. Pin sau khi sử dụng thường bị người dân bỏ chung với rác thải sinh hoạt. Do vậy, để cải thiện tình trạng này, UBND phường Tân Quý và các đơn vị như Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường đã chung tay triển khai thực hiện mô hình “Ngôi nhà của pin” nhằm khuyến khích mọi người chuyển giao chất thải nguy hại đúng quy định.

Ghi nhận tại đây cho thấy, khác với thùng đựng rác thải sinh hoạt, thùng rác đựng pin cũ được thiết kế mô phỏng như ngôi nhà, có màu sắc bắt mắt, giúp người dân nhận diện dễ dàng khi lắp đặt tại các khu dân cư tập trung (trụ sở khu phố, chợ, trường học...). Cũng theo chị Trúc Linh, hiện đã có 10 “Ngôi nhà của pin” được lắp đặt trên địa bàn phường. Thời gian tới, phường sẽ tiếp tục khảo sát, triển khai, lắp đặt thêm những ngôi nhà tương tự.

Hiện nay, mỗi tháng, những thành viên là cán bộ, đoàn viên, hội viên các hội của phường Tân Quý (quận Tân Phú) sẽ tổ chức đi thu gom pin tại các “Ngôi nhà của pin” và chuyển đến các địa điểm tái chế trên địa bàn. Sau khi thu gom, lượng pin, rác thải điện tử nguy hại sẽ được chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM đem đi xử lý.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Cao Văn Tuấn, Trưởng Phòng Công nghệ và Kiểm soát chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho biết, các mã pin thải sẽ được công ty thu gom, lưu trữ đúng quy trình, thực hiện tiền phân loại và được công ty xử lý bằng phương pháp đốt. Trước đó, Sở TN-MT TPHCM đã triển khai thường niên chương trình “Tuần lễ thu gom chất thải nguy hại”. Theo đó, các hộ gia đình tập hợp những loại chất thải nguy hại như pin, ắc quy hư cũ, bóng đèn hư cũ, bình đựng hóa chất nguy hại… mang đến 150 điểm tập kết thuộc các quận, huyện để chuyển giao cho đơn vị xử lý.

Mô hình nhỏ nuôi ý thức lớn

PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho rằng, với các loại pin dùng trong sinh hoạt hàng ngày nói riêng và chất thải nguy hại nói chung nếu không được bỏ đúng nơi quy định sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường và gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bởi trong pin có chứa nhiều thành phần như kim loại, các loại than, hóa chất, thủy ngân... Khi bị thải bỏ bừa bãi ra môi trường tự nhiên và gặp điều kiện thời tiết, các thành phần của pin sẽ phân tán vào môi trường đất, nước (có loại tan, loại không tan). Nồng độ các chất này sẽ tăng dần sau mỗi lần tiếp xúc thông qua chuỗi thức ăn.

Cụ thể khi phân tán vào nước, các loài như tảo, cá sẽ bị ảnh hưởng. Khi tích tụ trong đất sẽ ảnh hưởng đến các loại rau, cây trồng. Khi con người tiếp xúc qua chuỗi thực phẩm này thì nồng độ các chất sẽ tăng dần, có thể gây ra các bệnh ung thư, các bệnh liên quan đến sinh sản, tiêu hóa. Do vậy, theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, việc triển khai các mô hình thu gom pin cũ tại nguồn là rất cần thiết, dù chỉ là hành động nhỏ nhưng nó mang lại rất nhiều lợi ích cho môi trường và sức khỏe con người. Không những thế, việc thu gom, phân loại pin cũ tại nguồn cũng là quy định bắt buộc mà Luật Môi trường 2020 đã quy định.

Có thể nói, mô hình “Ngôi nhà của pin” nói riêng, hưởng ứng chương trình “Tuần lễ thu gom chất thải nguy hại” nói chung không chỉ dừng ở chỗ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện phân loại và chuyển giao chất thải nguy hại đúng quy cách, mà còn giúp chung tay thực hành thói quen bảo vệ môi trường. “Quan trọng hơn, hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ chất lượng môi trường sống của chính mình”, chị Trần Trúc Uyên (ngụ phường Tân Quý, quận Tân Phú) chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục