Biến cỏ tranh thành… tiền

Biến cỏ tranh thành… tiền

Nước sâm lạnh là thức uống được chế biến từ nhiều loại thảo dược, trong đó có rễ cỏ tranh. Cỏ tranh là một loại cây hoang dại cao từ 0,2m đến 1m, thân có lông cứng ở mắt, lá xanh tươi, mép có lông.

Biến cỏ tranh thành… tiền ảnh 1
Phơi rễ cỏ tranh.

Từ lâu, người dân ngoại thành đã biết dùng lá cỏ tranh non làm thức ăn cho trâu, bò, ngựa và lá già lợp nhà rất tiện ích. Riêng rễ cỏ tranh có nhiều đốt như đốt mía và vị ngọt; có công dụng giải nhiệt, giải khát, thông tiểu, tẩy độc nên trở thành một loại thảo dược quý.

Biết được ích lợi của rễ cỏ tranh, nhiều người đào loại rễ này bán cho các tiệm thảo dược, các tiệm nước sâm - nhiều nhất là các hộ ở khu vực đường Lưu Hữu Phước thuộc khu phố 5, phường 15 quận 8 (Bến Nguyễn Duy cũ).

Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 4-5 giờ sáng, những người dân nơi đây đến những vùng đất hoang có nhiều cỏ tranh như Nông trường Phạm Văn Hai, Nông trường Lê Minh Xuân, Nông trường Láng Le (Bình Chánh, TPHCM), chỉ hơn một buổi mỗi người đào được ít nhất 20kg.

Rễ cỏ tranh đào xong đem về rửa sạch vỏ, đem bỏ mối cho các tiệm với giá 2.000 đồng-3.000 đồng/kg, kiếm được 40.000 đồng- 60.000 đồng/ngày. Một số người không đi đào rễ tranh được thì ở nhà gia công chà rửa vỏ rễ mỗi ngày cũng kiếm được 20.000 đồng - 30.000 đồng.

Đây là một nghề tương đối vất vả vì phải hàng ngày dãi nắng dầm mưa ngoài trời, nhưng nhờ có mối lái bao tiêu toàn bộ nên thu nhập ổn định. Một số hộ trước đây đi đào rễ cỏ tranh chỉ có phương tiện là chiếc xe đạp, nhưng nhờ tằn tiện nên đến nay hầu hết đều có xe gắn máy. Không ít hộ đã thay nhà tranh vách gỗ bằng nhà tôn vách tường hoặc nhà mái bằng.

Ít ai ngờ, cỏ tranh từng bị xem là “kẻ thù” của nhà nông nay lại trở thành “ân nhân” của biết bao nhiêu người lao động nghèo. 

TRẦN CÔNG TẠO

Tin cùng chuyên mục