Nắng chiều xiên xiên qua từng kẽ lá. Ông K’sor Meo (làng Mok Đen 1, xã Iadom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) âu yếm nhìn đứa cháu ngoại đang ngồi học bài trên chiếc bàn nước gần đó. Con nhỏ ham học làm ông ưng cái bụng lắm, vậy mà lúc trước cứ ngỡ con bé phải bỏ học giữa chừng, may nhờ các chú bộ đội biên phòng giúp đỡ nên cháu ông mới có thể đến trường.
Đổi đời nhờ lính biên phòng
Trầm giọng, ông K’sor Meo kể: “Từ lúc cha mẹ bỏ nhau, con bé Siu H’Liêm sống chung với vợ chồng chúng tôi. Thấy kinh tế gia đình khó khăn, nó muốn nghỉ học để đỡ gánh nặng. Tui buồn lắm mà không biết làm sao. Biết chuyện, các chú ở Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã đến khuyên bảo, động viên và hỗ trợ kinh phí mỗi tháng 300.000 - 400.000 đồng cho nó đi học. Vật chất đã quý, cái tình càng đáng quý hơn. Giờ con bé đang học lớp 9, vài tháng nữa sẽ tốt nghiệp cấp 2. Nếu không có sự giúp đỡ quý giá này, chắc cháu ngoại tôi đã mất cơ hội đến trường, tương lai mờ mịt lắm”.
Không chỉ riêng gia đình ông K’sor Meo, các gia đình cư ngụ tại hai thôn và sáu làng của xã Iadom (chủ yếu là người dân tộc Jrai, còn lại là người các dân tộc Tày, Nùng, Mường, Kinh) đều nhắc đến CB-CS Đồn biên phòng Lệ Thanh với tình cảm trìu mến như thế. Những suất học bổng, sách vở, những bộ đồ và xe đạp được CB-CS của đồn tặng khi vào năm học mới đã giúp con em họ có thêm điều kiện tiếp cận cái chữ.
Một trong những điều khiến người dân ở đây cảm thấy ngày càng gắn bó với bộ đội biên phòng chính là việc họ được giúp làm kinh tế một cách hiệu quả.
Chỉ tay vào khu vườn có 350 trụ tiêu, chị Siu H’Liên (thôn Mók Đen 2) hồ hởi khoe: “Lúc trước gia đình tôi trồng lúa, sau khi thu hoạch trừ đi các chi phí chỉ còn vài triệu đồng. Được các chú biên phòng động viên chúng tôi chuyển sang mô hình mới. Đúng là trồng tiêu phải chăm sóc vất vả hơn, cũng không thu hoạch được liền như trồng lúa lúc trước nhưng chỉ khoảng 3 năm nữa, vườn tiêu này sẽ cho thu hoạch cao hơn nhiều so với trồng lúa. Gia đình tôi sắp đổi đời rồi!”.
Đại úy Rơ Lan Khoan, Đội trưởng Đội vận động quần chúng của Đồn biên phòng Lệ Thanh, cho biết: “Theo thói quen, bà con chỉ thích trồng những loại nào cho thu hoạch sớm; chẳng hạn chỉ cần cắm “hom” khoai mì, bắp xuống đất, vài tháng đến một năm sau có thể thu hoạch. Vì vậy, việc vận động bà con trồng cây lâu năm như tiêu, cà phê… gặp nhiều khó khăn dù những loại cây này cho năng suất và thu nhập cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng kia.
Kiên trì giải thích thấu đáo không thôi chưa đủ, anh em chúng tôi còn chủ động liên hệ Phòng Nông nghiệp và khuyến nông huyện hỗ trợ giống, hướng dẫn bà con chăm sóc cây. Lúc đầu bà con cũng còn chưa tin, chỉ đến khi nhìn thấy mô hình trồng tiêu của gia đình chị Siu H’Liên thực hiện khả quan, 9 gia đình trong xã đến học hỏi kinh nghiệm, đến nay tổng cộng trồng được gần 1.400 trụ tiêu phát triển tốt. Chúng tôi đang tiếp tục vận động các hộ dân khác thực hiện phương thức “lấy ngắn nuôi dài” - trồng xen cây khoai mì với cây tiêu, cà phê, tin rằng sẽ có kết quả khả quan”.
Ấm tình biên giới
Có ai đó nói rằng, nếu tuyến biên giới tỉnh Gia Lai như “cái phễu” lớn, thì Đồn biên phòng Lệ Thanh quản lý địa bàn “cuống phễu” với trục sống là cặp cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh - Ozadao trên con đường 78A dài gần 70 km từ biên giới sang thành phố Bung Lung, tỉnh Rattanakiri của nước bạn Campuchia.
Gần đây, đơn vị đảm nhận thêm một đoạn đường biên giới dài vài cây số trên sông Pô Kô theo địa giới hành chính của xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Với vị trí chiến lược ấy, thực hiện tốt công tác quản lý biên giới và quản lý tình hình trật tự trị an tại địa bàn là điều không đơn giản, nhất thiết phải dựa vào dân.
Với phương châm “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với bà con), chỉ huy đồn phân công mỗi cán bộ trong Đội công tác địa bàn chuyên phụ trách một làng nhưng đều phải biết các làng trong khu vực. Nhờ vậy, các CB-CS luôn bám sát thôn làng, gần gũi chia sẻ tâm tư tình cảm của bà con. Tình cảm thân thiết bền chặt là vậy, nên khi phát hiện những dấu hiệu bất thường hoặc có đối tượng phạm tội, bà con đều báo ngay cho bộ đội biên phòng.
Ngoài ra, Đồn biên phòng Lệ Thanh còn huấn luyện Đội dân quân nữ của xã gồm 7 cô gái - đều là người dân tộc - để phục vụ công tác phối hợp tuần tra biên giới.
Trung tá Phạm Hữu Tàm, Chính trị viên Đồn biên phòng Lệ Thanh cho biết: Nhờ đơn vị làm tốt công tác vận động quần chúng, trên địa bàn 8 thôn làng do đồn quản lý không xảy ra tình trạng vượt biên, người dân không nghe lời kẻ xấu xuyên tạc Đảng và Nhà nước; tình trạng buôn lậu giảm hẳn, chỉ diễn ra nhỏ lẻ với số lượng không nhiều, chủ yếu là các mặt hàng lâm sản, động vật rừng được đưa từ Campuchia vào Việt Nam qua các đường mòn hai bên “cánh gà” cửa khẩu…
Chiều biên giới thật yên bình. Những hạt nắng cuối cùng còn đọng lại trên ngọn cây Kơ Nia. Chúng tôi bồi hồi chia tay cửa khẩu Lệ Thanh, nơi có nụ cười rạng rỡ của người chiến sĩ biên phòng và tình cảm quân - dân ấm nồng lan tỏa từng nhà, từng thôn bản.
| |
Đoàn Hiệp – Ái Chân
| |
| |