Biết mình còn yếu, còn dở điều gì

Thói thường “tốt khoe, xấu che” là tâm lý chung của nhiều người. Nhưng muốn tiến bộ, phát triển, mọi người cũng như mọi quốc gia, dân tộc cần dũng cảm nhìn thẳng sự thật, biết mình còn yếu, còn dở điều gì so với thiên hạ để từ đó phấn đấu vươn lên bằng, thậm chí vượt qua họ.

Ở Trung Quốc đã từng có một số nhân sĩ trí thức chuyên đi “nhặt sạn”, chỉ ra những điều không hay, chưa đẹp của người Trung Quốc bằng các bài viết góp phần phản tỉnh, giúp mọi người thấy được để tránh. Chẳng hạn như văn hào Lỗ Tấn (1881-1936), với tác phẩm “AQ chính truyện”, đã khái quát lên được một trong những điểm yếu phổ biến của người Trung Quốc là “phép thắng lợi tinh thần”, luôn tự thỏa mãn với những thứ có được, bất kể xấu - tốt, tạo nên một sức ỳ lớn, cản trở sự phát triển đi lên.

Nhưng đây đâu phải căn bệnh riêng của người Trung Quốc. Việt Nam ta cũng có nhiều người thích tự ru ngủ mình bằng “phép thắng lợi tinh thần” này. Ví dụ, hay tự so sánh mình ngày hôm nay với hôm kia, thấy có thêm được chút tiền trong túi, hoặc có chiếc xe máy để đi là đã “hồ hởi phấn khởi” rồi. Trong khi không chịu khó nhìn lại mấy ông bạn hàng xóm, hôm qua họ cũng như mình, thậm chí có người còn thua kém mình, nhưng hôm nay họ đã có cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn mình rất nhiều. Mải say sưa với một số thành tích cỏn con bên trong lũy tre làng, quên đi cả thế giới to rộng bên ngoài, đấy là triệu chứng của “căn bệnh AQ”.

Suy cho cùng, bên cạnh những ưu điểm “cần cù, thông minh, sáng tạo”, người Việt chúng ta cũng còn nhiều điểm “xấu xí” lắm. Chỉ ra những cái “xấu xí” ấy để khắc phục, sửa chữa, không phải nói xấu đất nước, mà là thái độ cầu thị cần có của những người ham muốn tiến bộ, không muốn dẫm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi so với thiên hạ. Chẳng hạn, việc rải đinh nhọn trên đường hãm hại đồng bào, hoặc bán thịt thiu thối cho người khác ăn, để lấy mấy đồng tiền phi nghĩa là những hành động thiếu nhân tính. Ở các xứ sở văn minh, có nền giáo dục tốt, không ai lại đi làm chuyện thất đức như thế bao giờ.

“Nói đúng” và “nói xấu” là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Sự vật, hiện tượng ấy có thể tốt hoặc xấu; nhưng dù là xấu (hoặc chưa tốt), người nghe cũng có thể qua đó rút ra cho mình bài học kinh nghiệm, để sắp tới có thể đề ra biện pháp khắc phục, sửa chữa tốt hơn. Vấn đề ở đây, nghệ thuật biết lắng nghe những lời nói đúng, kể cả nói về những cái xấu hiện đang tồn tại trong xã hội, chứ không nên hoàn toàn dị ứng với nó. Đó là chìa khóa của sự tiến bộ và thành công.

Phan Trọng Hiền (Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục