Big Tech bạo chi để vận động chính sách

Tập đoàn Alphabet (công ty mẹ của Google), Facebook và Microsoft dẫn đầu danh sách chi tiền vận động hành lang nhiều nhất ở châu Âu nhằm chống lại những quy định mới hạn chế sức mạnh của các tập đoàn công nghệ Mỹ - theo kết luận nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Corporate Europe Observatory và tổ chức dân sự LobbyControl.
Văn phòng Google tại Dublin, Ireland
Văn phòng Google tại Dublin, Ireland

Tầm ảnh hưởng lớn

 Nghiên cứu được thực hiện dựa trên bảng tổng hợp dữ liệu đến giữa tháng 6-2021, do các công ty gửi tới kho cơ sở dữ liệu Đăng ký minh bạch của Liên minh châu Âu (EU). Kết quả cho thấy, 612 tập đoàn, công ty và hiệp hội chi hơn 97 triệu EUR (114 triệu USD) hàng năm để vận động hành lang về các chính sách kinh tế kỹ thuật số của EU.

Alphabet đứng đầu danh sách với 5,75 triệu EUR (6,81 triệu USD), kế đến là Facebook với 5,5 triệu EUR (6,51 triệu USD), Microsoft 5,25 triệu EUR (6,22 triệu USD), Apple 3,5 triệu EUR (4,14 triệu USD), Huawei 3 triệu EUR (3,5 triệu USD), Amazon có mức chi 2,75 triệu EUR (3,26 triệu USD).

Theo nghiên cứu, số tiền vận động hành lang trong lĩnh vực công nghệ vượt trên cả các lĩnh vực dược phẩm, nhiên liệu hóa thạch, tài chính và hóa chất. Nhận định về nghiên cứu trên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, số tiền vận động hành lang ngày càng tăng của các công ty công nghệ và kỹ thuật số lớn phản ánh vai trò ngày càng tăng của các lĩnh vực này trong xã hội.

Việc đáng quan ngại hơn, đó là các nền tảng trên có thể sử dụng “vũ khí” này để đảm bảo tiếng nói của họ không chỉ được lắng nghe mà còn đánh bật cả các ý kiến trái chiều trong cuộc tranh luận về cách xây dựng các quy tắc mới cho các nền tảng kỹ thuật số.

Hoạt động vận động hành lang của các hãng công nghệ lớn của Mỹ, còn gọi là Big Tech, tập trung vào 2 dự thảo luật chính: Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA).

DMA nhắm đến các hãng công nghệ có doanh thu hàng năm trên 6,5 tỷ EUR tại châu Âu trong 3 năm gần nhất, có giá trị thị trường trên 65 tỷ USD và cung cấp một dịch vụ nền tảng cốt lõi ở ít nhất 3 quốc gia EU, cùng một số tiêu chí khác. Dự thảo luật này đưa ra một loạt yêu cầu với các đại gia công nghệ, bao gồm chia sẻ một số dữ liệu nhất định với đối thủ và cơ quan quản lý, báo cáo các thương vụ sáp nhập...

Các công ty này cũng bị hạn chế một số điều như không ưu tiên các dịch vụ riêng trên nền tảng của mình. Các nhà làm luật cũng kêu gọi áp mức phạt tới 10% doanh thu toàn cầu, hoặc thậm chí phải chia tách hoạt động kinh doanh nếu các công ty này không tuân thủ.

Trong khi đó, DSA nhắm đến các nền tảng trực tuyến có trên 45 triệu người dùng. Theo dự thảo luật này, các nền tảng phải tìm cách xử lý những nội dung bất hợp pháp, kiểm soát hành vi thao túng trên nền tảng gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử, lan truyền tin giả... Các công ty có thể bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu nếu vi phạm.

Bảo vệ thị trường châu Âu

 Trong vài năm gần đây, khu vực châu Âu đã cảnh báo về khả năng mở rộng quyền lực của các công ty công nghệ thế giới. Từ năm 2018, châu Âu đề ra Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) mang tính bước ngoặt, giúp công dân khối này có tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với hoạt động xử lý, bảo vệ dữ liệu của các Big Tech. Đồng thời, GDPR cũng thúc đẩy nhiều cuộc thảo luận hơn về bảo vệ dữ liệu ở Mỹ.

Đến ngày 15-6-2021, Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (CJEU) cho phép cơ quan giám sát bảo mật dữ liệu của các quốc gia thành viên có hành động pháp lý chống lại các công ty công nghệ. CJEU nêu rõ, trong một số điều kiện nhất định, cơ quan giám sát của các nước thành viên EU có thẩm quyền khởi tố hình sự đối với hành vi vi phạm GDPR.

Phán quyết của CJEU có thể mở đường cho các cơ quan giám sát bảo mật dữ liệu tại EU đưa ra hành động pháp lý chống lại các tập đoàn công nghệ của Mỹ như Google, Twitter và Apple.

Ngoài lý do giảm sức ảnh hưởng lên thị trường của Big Tech, châu Âu còn lý do khác, đó là bảo vệ những công ty tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ ra đời tại khu vực này. Châu lục này đã bị tụt hậu đáng kể trong cuộc cạnh tranh xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số vào thế kỷ 21 và đang đi tìm chính sách phù hợp hơn để bắt kịp cuộc đua công nghệ số. Do đó, việc giám sát công nghệ từ các tập đoàn nước ngoài của EU được cho là đi đúng hướng khi tập trung chính xác vào thị trường công nghệ mở, tính di động, chia sẻ dữ liệu và hạn chế đối với tầm ảnh hưởng từ các tập đoàn, công ty công nghệ nước ngoài.

Châu Âu cũng lo ngại đến việc một số tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới giao dịch mua lại các công ty khởi nghiệp nhỏ nhằm thoát khỏi sự giám sát của cơ quan chức năng do có mức doanh thu thấp. Trong khi các giao dịch mua bán cao cấp, chẳng hạn như việc Microsoft mua lại Skype vào năm 2011 là tiêu điểm thì các giao dịch nhỏ hơn thường không được chú ý.

Ví dụ, vào năm 2019, Apple đã mua một công ty trí tuệ nhân tạo ở Anh với một khoản tiền không được tiết lộ. Chính phủ Đức, Pháp và Hà Lan có ý kiến mạnh mẽ về vấn đề này và cho rằng, EU nên đặt ra các ngưỡng nhất định rõ ràng và hợp pháp đối với việc các tập đoàn nước ngoài mua lại các công ty có doanh thu tương đối thấp, nhưng giá trị cao để hạn chế sức cạnh tranh trên thị trường công nghệ.

Hiện có các thông tin cho rằng, các công ty công nghệ đang tìm cách tiếp cận gần hơn với Ủy ban châu Âu (EC) khi các nhà vận động hành lang tham gia vào 3/4 cuộc họp của các quan chức EC về 2 dự thảo luật DMA và DSA. Thậm chí, các hiệp hội, tổ chức tư vấn chính sách (think tank), cũng như một vài đảng phái chính trị cũng đang giúp sức cho các Big Tech.

Nghiên cứu trên được xem là lời cảnh tỉnh cho giới hoạch định chính sách của châu Âu khi ban hành các dự luật mới gây ảnh hưởng đến lợi ích của các tập đoàn nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục