Huyền thoại Ford (*)

Bình dân hóa xe hơi

Bình dân hóa xe hơi

Henry Ford là ông vua xe hơi của nước Mỹ, một thiên tài về kỹ thuật đồng thời là một nhà quản lý tài ba. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp ô tô nói riêng, tập đoàn xe hơi Ford vẫn đang là tập đoàn công nghiệp quan trọng bậc nhất của nước Mỹ.

  • Khởi nghiệp
Bình dân hóa xe hơi ảnh 1

36 tuổi, Henry Ford bị đuổi khỏi Công ty xe hơi Detroit nhưng anh vẫn nuôi mộng chế tạo chiếc xe hơi của riêng mình. Vào những năm đầu của thế kỷ 20, các nhà sản xuất xe hơi thường quảng bá xe trong các cuộc đua để thu hút sự quan tâm của dân chúng. Năm 1901, Ford chế tạo hai chiếc xe hơi đua lớn và một trong hai chiếc đó đã “so găng” với chiếc xe do Alexander Winton - nhà sản xuất xe hơi hàng đầu ở Ohio - thiết kế trong cuộc đua dài 10 dặm. Chiếc xe của Ford chiến thắng vang dội và nhờ đó, một doanh nhân ngành than là Alexander Mancomson đồng ý tài trợ và năm 1903, Công ty Ford Motor ra đời cùng số vốn góp của 10 nhà đầu tư khác. Vốn của Ford Motor là 100.000USD nhưng thực sự trong tay Ford chỉ có 28.000USD tiền mặt.

Năm 1903 với 125 công nhân, Ford cho ra đời 1.700 chiếc xe thuộc 3 kiểu dáng khác nhau. Lợi nhuận khá lớn, làm hài lòng các cổ đông nên Ford thành lập thêm một công ty sản xuất xe hơi nữa nhưng thất bại.

Trong Ford luôn nung nấu một ý tưởng có tính cách mạng là sẽ làm ra một chiếc xe dành cho đa số dân chúng, vì xe hơi lúc ấy quả thật là món hàng xa xỉ. Mùa đông năm 1906, Ford bí mật xây một gian phòng chưa đầy 30m2 trong nhà máy ở Detroit với quyết tâm thiết kế và lên kế hoạch sản xuất loại xe dành cho đại chúng. Cuối cùng, từ tháng 10-1908 những chiếc Ford Model T đã xuất xưởng và lập tức thay đổi hình ảnh toàn nước Mỹ vì chỉ với 825USD khách hàng đã sở hữu được chiếc xe.

Đơn giản, chắc chắn và giá rẻ, Model T đã kích thích công chúng Mỹ. Chỉ trong năm sản xuất đầu tiên, 10.000 chiếc Model T đã được bán ra, kỷ lục dành cho một mẫu xe hơi. Thời gian đầu, những chiếc Model T sản xuất theo kiểu thủ công nhưng do nhu cầu của thị trường tăng nhanh, Ford bắt buộc phải mở rộng quy mô sản xuất và nhà máy Highland Park được khánh thành vào năm 1910 do kiến trúc sư hàng đầu thời đó là Albert Kant thiết kế. Nhưng đây chỉ là những bước “chập chững” của Model T.

“Bình dân hóa” xe hơi luôn là mộng ước của Ford khi chiếc Model T được giảm giá liên tục nhờ hợp lý hóa sản xuất. Đầu tiên Model T có giá 850USD chiếc, đến năm 1912 chỉ còn 575USD, thấp hơn thu nhập bình quân 1 năm của người dân Mỹ. Đến năm 1913, 248.000 chiếc xe Ford đã được tiêu thụ và lợi nhuận của Ford Motor tăng vọt từ 3 triệu USD vào năm 1909 lên 25 triệu USD vào năm 1914. Với thị phần tăng từ 9,4% vào năm 1908 lên 48% trong năm 1914, chiếc Model T thực sự đã là bá chủ xe hơi trên toàn thế giới.

  • 20 năm huyền thoại

Với châm ngôn: “Mọi việc đều có thể làm được tốt hơn hiện tại”, từ năm 1910, Ford tiến hành quy trình tự động hóa Highland Park và kéo dài suốt 17 năm sau đó với rất nhiều thử nghiệm. Tháng 1-1914, Ford phát triển một băng chuyền vận hành liên tục bằng xích để đưa khung gầm xe từ phân xưởng này đến phân xưởng khác mà công nhân không phải di chuyển nhiều. Chính vì vậy, 13.000 công nhân của Ford đã cho xuất xưởng 260.720 chiếc xe trong năm 1914.

Bình dân hóa xe hơi ảnh 2
Kiểu xe Model T nổi tiếng của Ford

Trong khi đó, các công ty khác trong ngành công nghiệp xe hơi Mỹ phải cần đến 66.350 công nhân để sản xuất 286.770 chiếc. Năm 1921 chiếc Model T đã chiếm 60% thị trường xe mới toàn thế giới và điều Ford băn khoăn duy nhất là làm sao có đủ lượng xe để đáp ứng nhu cầu thị trường. Thế là ông quyết định xây dựng một nhà máy lớn nhất và hiệu quả nhất thế giới tại River Rouge, gần Detroit. Nhà máy mới nằm trên diện tích 800ha, đủ chỗ cho 75.000 công nhân, có cả 145km đường sắt. Thịnh suy cũng là lẽ thường.

Chính trên đỉnh cao chót vót thì dấu hiệu suy tàn của Model T bắt đầu ló dạng khi chiếc thứ 10 triệu ra đời (ngày 4-6-1924). Giữa thập kỷ 1920, General Motor đã tung ra thị trường những chiếc Chevrolet giá rẻ với những tiện nghi mà Model T không có. Rồi thị hiếu thị trường cũng thay đổi, người mua chú trọng đến kiểu dáng hơn mặc cho thời kỳ này giá một chiếc Model T chỉ còn 290USD. Tuy nhiên, Henry Ford vẫn khăng khăng bảo vệ đứa con tinh thần của mình, gạt phăng những ý kiến, sáng kiến cải tiến chiếc Model T của các cộng sự.

Đến năm 1926 thì doanh số của Model T tụt thê thảm khiến Ford nhận biết những gì phải đến đã đến. Ngày 25-5-1927, Ford tuyên bố ngừng sản xuất xe Model T và đóng cửa Highland Pard 6 tháng, chấm dứt gần 20 năm huyền thoại của nó. Cái chết của Model T cũng là buổi bình minh của loại xe hơi nhỏ. Nhưng Model T cũng đã kịp thay đổi hiện trạng văn hóa Mỹ.

Rất nhiều xa lộ đã ra đời chỉ để cho Model T thoải mái thong dong trên đường, xuyên suốt các bang. Các con đường ở các thành phố miền Tây bỗng chốc trở nên tắc nghẽn, buộc phải hợp lý hóa hệ thống điều phối giao thông. Nhiều ngành kinh tế phải điều chỉnh và sắp xếp lại để phù hợp với sự “sinh sôi” quá nhanh của Model T. Năm 1929, Ford, General Motor và Chrysler đã đi vào huyền thoại cho đến tận ngày nay khi kiểm soát 80% thị trường xe hơi Mỹ.

Nguyên Quốc

Bài 2: Thống trị kỷ nguyên mới

(*) Theo Forbes-Những câu chuyện thành công nổi tiếng nhất mọi thời đại do First News phát hành

Tin cùng chuyên mục