Giá nhiên liệu tăng, giá cá giảm, nguy hiểm từ các tàu Trung Quốc trên biển khiến ngư dân đã khó khăn lại chồng chất khó khăn. Đặc biệt, những ngư dân nghề cá ngừ đại dương ngư trường xa có thời gian ngoài khơi dài ngày, sắp tới họ sẽ phải tính toán, gắng gượng làm sao đây ?
Ngư dân Nguyễn Văn An (62 tuổi), ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), là chủ của 2 chiếc tàu cá BĐ 96776 và BĐ 95648, chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương, than: “Những chuyến biển gần đây giá cá ngừ câu vàng chỉ ở mức 130.000đ/kg, cá ngừ đại dương câu tay chỉ từ 84.000 - 85.000 đồng/kg. Nếu trúng biển, mỗi chuyến một tàu đánh bắt được 40 - 50 con cá thì mỗi bạn được chia vài ba triệu đồng. Nếu đánh bắt được ít hơn thì cả chủ tàu lẫn những ngư dân đi bạn đành chấp nhận không có thu nhập”.
Bấm đốt ngón tay, ông An tính toán sơ bộ: Mỗi chuyến đi biển tốn trung bình 110 triệu đồng. Chuyến biển trước, tàu cá BĐ 96776 đánh bắt được 29 con, cá loại to từ 45 - 50kg/con, về bờ cân được 1,5 tấn. Chiếc kia (BĐ 95648) đánh bắt được 32 con, về cân được 2,2 tấn. Với giá cá chỉ từ 84.000đ - 86.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi ngư dân đi bạn còn được chia một vài triệu đồng.
Chuyến này dù tàu chưa cập bờ nhưng thông tin từ 2 chiếc tàu đưa về cho biết, tình cảnh sẽ còn thảm hại hơn: “2 chiếc tàu của gia đình tui ra khơi đã 20 ngày, thế nhưng do gió Nam mạnh và đi trúng vùng biển không có cá nên mỗi chiếc tàu chỉ mới đánh bắt được 5 con cá ngừ đại dương nho nhỏ. Chỉ còn vài ngày nữa là đến mùa trăng, tàu phải cập bờ, chuyến này lỗ là cái chắc”.
Giá cá thấp, đánh bắt thất bát, nhiên liệu liên tục tăng, lo lắng dồn nặng lên vai những chủ tàu. Để ngư dân tiếp tục bám biển, các chủ tàu phải “gồng mình” lấy tiền nhà cho ngư dân ứng trước, những chuyến biển sau nếu đánh bắt bội thu, bạn được chi phần cao thì trừ nợ dần.
Chủ tập đoàn tàu cá 16 chiếc ở xã Tam Quan Bắc, ngư dân Bùi Thanh Ninh, tâm sự: “Đã ứng tiền nhà cho ngư dân trước hơn 1 tỷ đồng nên 16 chiếc tàu của gia đình vẫn liên tục bám biển, chia thành 4 tổ, mỗi tổ 4 chiếc”. Giá cá ngừ phập phù lên xuống khiến ông Ninh đứng ngồi không yên: “Chưa khi nào giá cá ngừ sọc dưa lại hạ thấp như năm nay. Thời điểm này năm ngoái, cá ngừ sọc dưa 25.000 đồng/kg thì chuyến biển cách đây 1 tháng rớt xuống còn 14.000 - 17.000 đồng/kg.
Với giá này, cả chủ tàu và thuyền viên đều gặp khó”. Theo tính toán của ông Ninh, nếu trước đây mỗi chuyến biển, 1 tàu cá trong tập đoàn do ông quản lý khai thác được bình quân 10 tấn cá, bán với giá 25.000 đồng/kg, thu được 250 triệu đồng. Sau khi trừ tổng phí 150 triệu, còn lại 100 triệu đồng được chia cho 22 phần, mỗi người được trên 4 triệu đồng. Còn nay, cũng với 10 tấn cá mà mỗi thuyền viên nhận chưa được 1 triệu đồng.
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, hiện sản lượng đánh bắt thủy sản hàng năm từ 180.000 đến 200.000 tấn, trong đó cá ngừ đại dương đạt 10.000 tấn. Cá ngừ đại dương nếu chất lượng tốt, giá trị sẽ rất cao. Trước nay, chất lượng cá ngừ đại dương của Bình Định rất thấp, chỉ tiêu thụ trong nội địa và xuất khẩu dưới dạng phi lê nên giá trị đạt được rất thấp. Vì vậy, nâng cao chất lượng để tăng cao xuất khẩu cá ngừ đại dương là mục tiêu mà lãnh đạo tỉnh Bình Định hướng đến để giúp ngư dân đánh bắt cá ngừ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Những năm gần đây, các tàu khai thác cá ngừ đã chuyển từ phương pháp câu vàng sang câu tay kết hợp ánh sáng. Phương pháp mới này mang lại chất lượng tốt hơn cho cá ngừ đại dương. Tuy vậy, cách thức đánh bắt, bảo quản ngay trên biển của ngư dân còn thủ công, thời gian mỗi chuyến biển dài ngày nên chất lượng rất thấp” - ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết.
HÀ MINH - ĐÌNH VŨ