Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 1-3 bắt đầu chuyến thăm 6 nước Mỹ Latinh gồm Uruguay, Argentina, Chile, Brazil, Costa Rica và Guatemala. Chuyến thăm của bà được xem là nhằm hiện thực hóa chính sách của Tổng thống Barack Obama là cải thiện quan hệ giữa Mỹ với các nước trong khu vực.
Những gì xảy ra trong vòng một năm qua ở khu vực Mỹ Latinh cho thấy, Mỹ thực sự chưa thay đổi cách nhìn về một nơi được gọi là “sân sau” của mình. Cách quân Mỹ triển khai ồ ạt tại Haiti sau trận động đất lịch sử vừa qua và sự thay đổi đột ngột của Mỹ, theo đó không ủng hộ Tổng thống cánh tả Honduras Manuel Zelaya trở lại cầm quyền đã tạo ra phản ứng quan ngại xen lẫn tức giận từ nhiều nước Mỹ Latinh. Đó là chưa kể tiến trình cải thiện quan hệ chậm chạp với Cuba, hoãn bổ nhiệm nhiều nhà ngoại giao đặc trách khu vực và tiếp tục lập căn cứ quân sự ở Colombia mang danh nghĩa chống ma túy, nhưng thực chất là để sẵn sàng can thiệp vào các nước láng giềng.
Những diễn biến này như giọt nước tràn ly, dẫn đến quyết định thành lập khối mới bao gồm các nước Mỹ Latinh và Caribbean mà không có sự tham gia của Mỹ cũng như Canada. Chặng dừng chân đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Clinton tại Montevideo, thủ đô Uruguay để dự lễ nhậm chức của Tổng thống cánh tả vừa được bầu, ông Jose Mujica.
Theo ông Peter DeShazo, giám đốc Chương trình châu Mỹ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược ở Washington, sự có mặt của bà Clinton tại lễ nhậm chức này cho thấy, Mỹ “muốn ủng hộ nền dân chủ trong khu vực, bất kể người được bầu thuộc cánh tả hay không”.
Thế nhưng, thực tế không phải đại diện cánh tả nào ở Mỹ Latinh cũng được Mỹ chào đón, cụ thể là các nước Venezuela hay Bolivia, những nước thường lên tiếng chỉ trích Mỹ đã không nằm trong danh sách những điểm đến của Ngoại trưởng Mỹ. Theo nhà phân tích Michael Shifter thuộc nhóm Nghiên cứu đối thoại liên châu Mỹ: Tổng thống mới của Uruguay tiêu biểu cho một xu hướng mới của Mỹ là “ủng hộ nền độc lập của các nước Mỹ Latinh nhưng không đối đầu với Mỹ”.
Riêng với Brazil- nước lớn nhất Mỹ Latinh và có vị Tổng thống cánh tả, ông Luiz Inacio Lula da Silva, dù muốn hay không, Ngoại trưởng Mỹ khó có thể bỏ qua chặng dừng chân tại đây. Brazil hiện là nước đang giữ chức Chủ tịch HĐBA LHQ.
Với vai trò ngày càng lớn mạnh trên trường quốc tế, tiếng nói của Brazil ngày càng có ảnh hưởng quan trọng trên thế giới. Brazil lại có quan hệ gần với Iran và cương quyết chống lại mọi dự thảo trừng phạt Iran do Mỹ đưa ra tại HĐBA LHQ. Ngoại trưởng Mỹ sẽ gặp khó khăn để thuyết phục nước này bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết siết chặt cấm vận Iran.
Quan chức Ngoại giao Brazil phụ trách quan hệ với Iran, ông Roberto Jaguaribe, khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi là vẫn còn rất nhiều khả năng thương thuyết. Brazil không muốn một nước Iran có vũ khí hạt nhân nhưng cũng không muốn một giải pháp phi ngoại giao”.
Lịch sử mối quan hệ giữa Mỹ với khu vực Mỹ Latinh là lịch sử của những cuộc can thiệp nhằm phục vụ lợi ích của Washington. Do đó, cho dù những ngôn từ và chính sách ngoại giao có thay đổi theo từng thời kỳ tổng thống Mỹ thì bản chất mối quan hệ đó vẫn không đổi. Vì vậy, những gì xảy ra trong mối quan hệ này thời kỳ Tổng thống Obama xét về bản chất cũng sẽ không khác gì so với thời kỳ các tổng thống tiền nhiệm. Mục đích chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ lần này cũng không nằm ngoài bản chất ấy.
Vũ Minh