Bình Phước: Một số trường hợp xử lý sai phạm chưa tương xứng hành vi sai phạm

Việc xử lý cán bộ có sai phạm trong việc giao đất sai đối tượng, sử dụng không đúng chủ trương, sử dụng sai mục đích đã được các đơn vị thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Phước, nhưng mức độ xử lý chưa tương xứng với hành vi sai phạm. Đó là nhận xét của Thanh tra tỉnh Bình Phước tại cuộc họp ngày 11-9 của Ban Chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Việc xử lý cán bộ có sai phạm trong việc giao đất sai đối tượng, sử dụng không đúng chủ trương, sử dụng sai mục đích đã được các đơn vị thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Phước, nhưng mức độ xử lý chưa tương xứng với hành vi sai phạm. Đó là nhận xét của Thanh tra tỉnh Bình Phước tại cuộc họp ngày 11-9 của Ban Chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trương Tấn Thiệu đã khẳng định quan điểm của  lãnh đạo tỉnh là kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có sai phạm. Nếu cán bộ nào thấy khó quá không làm được thì làm đơn xin nghỉ việc, còn nếu thấy làm được thì phải làm ngay, không được chần chừ trong công việc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của dân và uy tín của lãnh đạo tỉnh. Cán bộ các cấp phải giải quyết công việc theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4.

Liên quan đến nội dung này, trước đó UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Thanh tra tỉnh rà soát lại các hồ sơ trước đây. Công tác kiểm điểm, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến việc giao đất, sử dụng đất lâm nghiệp không đúng chủ trương của tỉnh cơ bản đã được các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện. Theo đó, tính đến nay các cơ quan chức năng đã xử lý 8 trường hợp khiển trách, 2 trường hợp cách chức, 6 trường hợp kiểm điểm, rút kinh nghiệm và 1 trường hợp đang đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý.

Tuy nhiên, theo Thanh tra tỉnh Bình Phước, có một số cơ quan, đơn vị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm chưa tương xứng với hành vi vi phạm.

Cụ thể: Hình thức xử lý mà UBND huyện Bù Gia Mập áp dụng đối ông Lê Trung Trực, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, nguyên giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai là kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chưa tương xứng với tính chất, mức độ sai phạm. Bởi vì trong thời gian làm giám đốc Nông lâm trường Đắk Mai, ông Trực để xảy ra những sai phạm như không giám sát chặt chẽ đất được giao cho Công đoàn liên kết với Doanh nghiệp tư nhân Thanh Hải để xảy ra việc sử dụng đất trồng rừng không đúng thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, không hiệu quả và chuyển nhượng trái phép. Từ đó tạo ra sự hiểu lầm trong nhân dân là sử dụng đất thu hồi giao tổ chức, cá nhân sai đối tượng. Ông Trực với danh nghĩa là Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai đã trực tiếp ký kết 2 hợp đồng với Hợp tác xã Tân Phú và ông Hoàng Văn Thái. Mặt khác, ông Phạm Văn Ruông, nguyên Phó Giám đốc Nông lâm trường Đắk Mai, nay là Giám đốc Nông lâm trường Đắk Mai cũng cùng hành vi sai phạm đó, nhưng Công ty TNHH MTV Cao su Phước Long đã xử lý kỷ luật về mặt chính quyền với hình thức khiển trách và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp đã ra quyết định xử lý kỷ luật Đảng bằng hình thức cảnh cáo.

Theo Thanh tra tỉnh Bình Phức, hình thức xử lý kỷ luật về mặt hành chính mà Công ty TNHH MTV Cao su Phước Long áp dụng đối với 3 trường hợp:  ông Đặng Minh Luận, Giám đốc Nông lâm trường Đắk Ơ, ông Nguyễn Sỹ Long, Phó Giám đốc Nông lâm trường Đắk Ơ và ông Phạm Xuân Ruông, Giám đốc Nông lâm trường Đắk Mai là chưa tương xứng với hình thức xử lý kỷ luật về mặt Đảng.

Ng.Việt

Tin cùng chuyên mục