Bình Thuận đang phải chống chọi với đợt hạn hán lịch sử kéo dài trong nhiều tháng qua. Nhiều địa phương trong tỉnh đang thiếu nước sản xuất, sinh hoạt trầm trọng.
Cây khô, người khát
Theo khảo sát, hiện Bình Thuận đang có 3 hồ thủy lợi dưới mực nước chết, gồm: hồ Tà Mon, hồ Sông Phan, hồ Trà Tân và hàng loạt hồ đang ở mức báo động mực nước chết như hồ Đá Bạc, hồ Cà Giây, hồ Sông Khán, hồ Suối Đá và hồ chứa Núi Đất. Đây là những hồ cung cấp nước chủ đạo cho sử dụng sản xuất, phục vụ dân sinh của toàn tỉnh. Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, hiện nay lượng nước còn lại trong hệ thống công trình thủy lợi ước khoảng 23 triệu m3, chỉ còn 14,11% dung tích thiết kế.
Nhiều hộ dân xã Phan Lâm đã phải dùng máy bơm hút những vũng nước cuối cùng lắng lại trong hồ để cứu cà phê.
Đến đầu tháng 5-2015, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận không còn nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Căng thẳng nhất là các vùng Tân Thắng, Sơn Mỹ, Thắng Hải, Tân Phúc, Sông Phan, Tân Nghĩa, Tân Hà, thị trấn Tân Minh (huyện Hàm Tân); Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong). Nhiều hộ dân tại huyện Hàm Tân đã phải qua tận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mua nước sinh hoạt về dùng với chi phí cao. Còn tại xã Hàm Cường (huyện Hàm Thuận Nam), Phó Chủ tịch UBND xã Đỗ Hữu Trí cho biết, nguồn nước sạch hiện không thể đáp ứng đủ cho nhân dân địa phương. Khoảng 20% người dân ở các khu vực vùng sâu, vùng xa thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh vào mùa khô hạn. Nước giếng đào, giếng khoan thì nhiều nơi nhiễm phèn, vôi, họ phải lắng lọc mới sử dụng được. Ông Nguyễn Thanh Cường, người dân xã Hàm Cường, than thở: “Gần 2 tháng qua, chúng tôi đã không còn nước để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Gia đình tôi phải đi mua nước của tư nhân với giá cao, mỗi tháng tốn từ 400.000 - 500.000 đồng nhưng vẫn không đủ dùng. Giờ chúng tôi chỉ mong có mưa sớm để bà con đỡ vất vả”.
Tại xã Phan Lâm, Phan Sơn (huyện Bắc Bình), người dân đang cố tận dụng những vũng nước còn lại trong các hồ thủy lợi để tưới cho hàng ngàn hécta cà phê, thanh long… đang đứng trước nguy cơ bị chết cháy.
Ưu tiên nước sinh hoạt
Trước tình hình nắng hạn khốc liệt, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao Sở NN-PTNT tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi ưu tiên cấp nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và thành phố Phan Thiết; tiếp đó là nước uống cho gia súc và tưới chống hạn cho hàng ngàn hécta cây thanh long. Những địa phương thiếu nước sinh hoạt sẽ được ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách dự phòng để hỗ trợ kinh phí mua, vận chuyển nước sinh hoạt; khoan giếng cho các hộ nghèo, gia đình khó khăn, gia đình chính sách. Các huyện bị thiếu nước trầm trọng như Hàm Tân, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam… tận dụng triệt để các nguồn nước từ nhà máy thủy điện Đại Ninh, nước ngầm từ giếng và tận dụng lượng nước chết tại các hồ chứa, nhằm cung cấp nước cho các diện tích cây trồng, nhất là cây thanh long.
Về lâu dài, Sở NN-PTNT tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, sửa chữa 25 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp không bảo đảm an toàn khi tích nước. Bình Thuận cũng sẽ đề nghị Chính phủ hỗ trợ đầu tư các tuyến kênh nối mạng theo quy hoạch để bảo đảm nguồn nước phục vụ bền vững cho sản xuất, sinh hoạt như: đầu tư hồ chứa nước sông Lũy; kênh nối mạng Cà Giây - Cây Cà (sông Lòng Sông); đầu tư hồ Ka Pét, hồ La Ngà; tuyến kênh nối mạng lấy nước từ đập Tà Pao về huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam…
NGUYỄN TIẾN