Bình Thuận: Khai thác khoáng sản hay làm du lịch?

Dự án chồng dự án
Bình Thuận: Khai thác khoáng sản hay làm du lịch?

Dải cát ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận là nơi có nguồn sa khoáng quý mà người dân thường gọi là cát đen. Thời gian qua, Chính phủ đã có văn bản dừng xuất khẩu thô và chỉ cấp phép khai thác cho những đơn vị có nhà máy chế biến sâu để xuất khẩu.

Chọn các dự án khai thác cát đen hay dự án du lịch, đang là vấn đề làm đau đầu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, khi mà việc tranh chấp “bầu trời” và “không gian sạch” đang là đề tài nóng giữa  các nhà đầu tư lĩnh vực du lịch và các công ty khai khoáng cát đen.

Dự án chồng dự án

Bình Thuận: Khai thác khoáng sản hay làm du lịch? ảnh 1

Dự án du lịch Tiến Phú đang trong giai đoạn hoàn thiện để đi vào hoạt động, chủ đầu tư chờ động thái của lãnh đạo tỉnh.

Thành phần chính của cát đen  gồm Rutin (TiO2), Zircon (ZnSiO4) và Ilmenit (FeTiO3), đây là nguồn nguyên liệu chính để chế biến bột titan và titan kim loại. Trong đó, Ilmenit dùng phổ biến  trong sản xuất que hàn, đá mài… còn  Zircon được dùng để tạo độ cứng trong sản xuất sành sứ, thủy tinh, linh kiện điện tử. Quý nhất chính là Rutin - được biết đến với tính chất siêu nhẹ, siêu bền, dẫn nhiệt thấp, chủ yếu được dùng để chế biến hợp kim trong các ngành kỹ thuật hiện đại, nhất là trong công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ. Chất dioxit titan là loại nguyên liệu không thể thiếu trong các ngành công nghiệp sơn dầu, giấy, nhựa tổng hợp, cao su, men sứ, da, sợi nhân tạo.

Năm 2000, hầu hết các khu vực có cát đen tại  Bình Thuận  lại thuộc về nhiều dự án du lịch đã làm xong thủ tục cấp phép. Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận khi đó lại muốn tận thu lượng cát đen này trước khi triển khai các dự án du lịch, vì họ ngại công trình du lịch đã được đầu tư đi vào hoạt động thì số khoáng sản nằm dưới lòng đất gần như không thể khai thác được  nữa.

Năm 2005, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ  cho dừng khai thác tận thu và chỉ cấp phép khai thác cho những đơn vị có nhà máy tinh tuyển.

Trong Hội nghị toàn ngành tài nguyên và môi trường năm 2005, khi đó Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (nay là Thủ tướng) từng nói: “... Tiếp tục khai thác xuất khẩu thô hoặc mới qua sơ chế như hiện nay để  thu được một số lợi ích trước mắt, nhưng không bao lâu nữa nguồn tài nguyên sẽ cạn kiệt và các thế hệ sau sẽ không còn cơ hội để nâng cao rất nhiều lần cái lợi mà thế hệ chúng ta đã thu được...”.

Chúng tôi muốn nói thêm về sự thất thoát tài nguyên quý của chính mình khi chúng ta xuất thô các loại sa khoáng từ cát đen  bằng những con số rất đơn giản, nhưng nói lên nhiều điều: nếu chúng ta xuất thô 500.000 tấn và hơn 200.000 tấn đã qua tuyển tinh với giá bán 50 - 400 USD/tấn thì ngược lại, chúng ta  phải nhập về khoảng 10.000 tấn bột dioxit titan tinh, với mức giá trên 3.000 USD/ tấn/năm.

Đừng tham đĩa bỏ mâm

Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản không muốn xây dựng nhà máy chế biến sâu vì vốn bỏ ra quá cao và thời gian thu hồi vốn không nhanh bằng bán thô hoặc xuất khẩu hàng sơ tinh tuyển và có lẽ các tỉnh đang giữ trong tay nguồn khoáng sản quý lại chỉ muốn nâng số lượng hơn là nâng chất lượng dự án. Do vậy, từ trước đến nay nhiều doanh nghiệp chỉ việc xin giấy phép, rồi “bán lại” để hưởng lợi nhuận chênh lệch hoặc bán thô.

Bình Thuận: Khai thác khoáng sản hay làm du lịch? ảnh 2

Nhếch nhác một điểm khai thác titan trên bờ biển tỉnh Bình Thuận. Ảnh: CHIẾN DŨNG

Từ năm 2000 đến 2004, trên 120 km bờ biển của Bình Thuận đã có trên 50 dự án khai thác cát đen được ký cấp chồng lên các dự án du lịch đã được phê duyệt trước đó?!

Trước thực trạng trên, ông Lê Thanh Mười, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận khi đó phải thú thật: “Cái dở của chúng tôi là cấp phép cho các dự án du lịch trước  khi chưa nhìn thấy hết tiềm năng khai thác khoáng sản, để rồi bây giờ,  dự án sau cấp phép “chồng” dự án trước…”.

Hiện từ Suối Nhum đến La Gi có Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Hợp Long (vừa làm lễ động thổ) với diện tích đất được cấp là 197 ha tại xã Tiến Thành, TP Phan Thiết và xã Thuận Quí huyện Hàm Thuận Nam, vốn đầu tư là 163,45 tỷ đồng với thời hạn hoạt động là 5 năm. Còn hai doanh nghiệp khác là Tân Quang Cường cùng Hải Tinh có nhà  máy tuyển tinh với công suất loại nhỏ đã hoạt động trước đó.  

Từ  cách làm này của UBND tỉnh Bình Thuận, nhiều dự án du lịch được cấp phép từ những năm 2000 và đã  triển khai đầu tư hàng trăm tỷ đồng  phải nháo nhào chạy vạy kêu cứu khắp nơi, khi thấy quanh họ chợt “mọc”  lên những nhà máy khai thác khoáng sản cát đen.

 Bà Ngọc Dung, chủ dự án du lịch Tiến Phú ở xã Tiến Thành, TP Phan Thiết cho biết, từ năm 2004 đến 2007, bà đã đầu tư trên 20 tỷ đồng vào xây dựng khu du lịch này để  kịp  khai thác vào cuối năm 2008, “Vậy mà nay, khi nghe dự án Hợp Long triển khai khai thác cát đen ngay cạnh khu du lịch của mình, tôi hoàn toàn bất ngờ và lo sợ rằng những tác động về  môi trường khi khai thác titan sẽ làm ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch của chúng tôi…”.

Không chỉ bà Dung bức xúc, mà hàng chục nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch ở Bình Thuận cũng nói như than, trước tương lai kinh doanh chẳng mấy dễ dàng như khi họ đi xin giấy phép. Trong đơn kêu cứu, các nhà đầu tư du lịch cho rằng việc Công ty Hợp Long hứa là sẽ “bảo vệ môi trường” như: không gây tiếng ồn, không khai thác nước ngầm, không dùng nước biển, không gây khói bụi và khai thác xong trả lại nguyên trạng… là không khả thi, bởi thực tế của những tác động xấu đến môi trường xung quanh của những dự án đang khai thác titan tại Bình Thuận đã chứng tỏ điều ngược lại.

Trong khi các nhà đầu tư lĩnh vực du lịch đang “tiến thoái lưỡng nan”, bởi nếu không tiếp tục đầu tư nữa thì dự án sẽ lỡ dở, lừng chừng  khó thu hút du khách và tiền tỷ “lỡ bỏ ra” để đầu tư sẽ bị mất trắng?! Họ chỉ còn biết cầu cứu và trông đợi sự can thiệp của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương.

Còn nhà đầu tư khai khoáng cho rằng mình đang làm đúng luật nên không có lý do gì phải dừng lại. Việc các nhà đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng lo sợ những tác động đến môi trường du lịch đã cùng viết đơn kêu cứu lên chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng đề nghị cân nhắc, xem xét những tác động môi trường khi cấp các dự án  khai thác khoáng sản đi vào hoạt động chung với hoạt động du lịch nghỉ dưỡng cao cấp cùng lúc và rất gần nhau, cũng là việc cần xem xét.

Tìm tiếng nói chung, hài hòa giữa lợi ích của các nhà đầu tư và lợi ích của tỉnh trong vụ việc kể trên quả là không dễ, nhưng để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư ở lại lâu dài với địa phương mình, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng cần có cách giải quyết dứt khoát và minh bạch.

Chiến Dũng

Tin cùng chuyên mục