Bọ đậu đen tràn đến Bình Dương

Bọ đậu đen tràn đến Bình Dương

Hơn một tuần qua, bọ đậu đen đã tràn đến 4 huyện phía Bắc của tỉnh Bình Dương là Tân Uyên, Dầu Tiếng, Bến Cát và Phú Giáo. Những con bọ có màu đen, kích thước cỡ hạt đậu này đáp vào nhà nào là nhà đó phải mất ăn mất ngủ.

Bọ đậu đen tràn đến Bình Dương ảnh 1

Xịt thuốc diệt bọ đậu đen bám vào các bao lương thực trong kho.

Thực ra, bọ đậu đen đã hoành hành người dân 4 huyện trên từ 3 năm trước. Cứ bước vào thời điểm giao mùa, chẳng biết từ đâu tới mà cứ nhà nào mái tranh, mái ngói là chúng ào ào đáp vào hơn cả những bầy ong vỡ tổ.

Ngày 7-6, tại nhiều hộ thuộc ấp Cây Sắn, xã Lai Uyên, huyện Bến Cát, chúng tôi chứng kiến cảnh bọ đậu đen đậu kín cả trần nhà, cả vách tường và nền nhà. Anh Trần Văn Nhanh, làm nghề cạo mủ cao su, ngụ trong một căn nhà tranh tại đây than thở: chúng thường vào nhà ban đêm, nhiều đến nỗi trong nhà không còn chỗ nên đáp ra cả ngoài sân, ngoài vườn.

Chúng rơi đầy cả vào nồi cơm, nồi canh đang ăn. Chúng tôi mất ăn mất ngủ vì lũ côn trùng này. Một người dân gần đó cho biết, 3 ngày qua cả nhà phải sơ tán ra gò ngủ, không thể ngủ trong nhà, bọ nhiều đến nỗi không khí đầy mùi hôi tanh.

Không chỉ tấn công vào nhà dân, bọ đậu đen còn vào cả hàng quán và trường học. Ở nhiều hàng quán bình dân dọc các đường liên xã, chúng tôi cũng thấy bọ đậu đen bay khắp. Đặc biệt, ở các phòng học của trường mẫu giáo xã An Điền huyện Bến Cát, bọ đậu đen đã bám đầy trần và các vách phòng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dịch bọ đã xuất hiện nhiều năm nay.

Bọ đậu đen tràn đến Bình Dương ảnh 2

Xịt thuốc giết bọ đen ở ngoài sân.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương đã cử đoàn đến phun thử nghiệm thuốc Peremecide, kết quả bọ đậu đen chết. Đến tháng 12-2004, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế nghiên cứu, khảo nghiệm thuốc sử dụng và phối hợp với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh cùng UBND các huyện có kế hoạch hướng dẫn, phun thuốc diệt trừ bọ đậu đen vào cuối mùa nắng, đầu mùa mưa năm 2005.

Thế nhưng hiện nay hàng chục ngàn người dân ở 4 huyện nêu trên vẫn đang khốn đốn vì nạn bọ đậu đen. Nhiều hộ đã mua thuốc trừ sâu xịt bọ đậu đen, nhưng xịt chết hôm nay, ngày mai những con khác lại đáp vào thế chỗ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Lai Uyên huyện Bến Cát cho biết: Lâu nay một vài lần ngành y tế có xuống quan sát thực tế, nhưng chưa thấy có triển khai phòng chống gì.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương, thì bọ đậu đen gầy tổ trong đất, đặc biệt trong đất có nguồn phân gia cầm, xác bã động thực vật và không gây hại cho cây trồng. Khi chúng xuất hiện thì với mật số rất cao và có mùi hôi rất khó chịu.

Ông Hiếu đề nghị trước mắt, các hộ dân có thể áp dụng biện pháp phun xịt vệ sinh, nhưng tuyệt đối không được phun thuốc bảo vệ thực vật (như hàng ngàn hộ dân đang sử dụng), mà phải là thuốc nằm trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Y tế. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phải lập ngay các đoàn chuyên gia đến hướng dẫn cách thức phòng diệt và vệ sinh cho người dân và hỗ trợ kinh phí mua thuốc phun xịt cho các hộ nghèo. 

KHẮC VĂN

Bọ đậu đen hay còn gọi là bọ xít hôi thuộc loài Mezomorphus Villiger, họ Tenebrionidate. Đã xuất hiện ở Thủ Đức (TPHCM), Bình Dương, Lâm Đồng, Đồng Nai… vào thời điểm giao mùa (đầu mùa mưa hoặc đầu mùa khô), và biến mất sau đó vài tuần. Đến nay trên thế giới chưa có một nghiên cứu sinh học, sinh thái nào về loại côn trùng này. Nguyên nhân xuất hiện của quần thể này có thể do tốc độ đô thị hóa tăng quá nhanh, làm mất đi môi trường sống tự nhiên của chúng; tốc độ phát triển chăn nuôi với số lượng lớn nên lượng phân thải ra nhiều, nhưng việc xử lý chưa hợp lý.

(Nguồn: Trung tâm Kiểm dịch thực vật vùng II)

Tin cùng chuyên mục