Bộ LĐTB-XH phản hồi về chậm trả lời kiến nghị, chậm hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Nhiều địa phương thiếu tính chủ động khi một số vụ việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương chưa được xử lý kịp thời.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận

Sáng 11-10, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các bộ, ngành đã nêu rõ hướng giải quyết nhiều kiến nghị của cử tri.

Liên quan đến các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài trong thời gian qua, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy cho biết, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo năm 2023 tăng cao so với năm 2022. Nhiều địa phương thiếu tính chủ động khi một số vụ việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương chưa được xử lý kịp thời. Nguyên nhân do công tác này tại địa phương chưa được quan tâm xử lý kịp thời.

Đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Ban Dân nguyện liên quan đến nhiều nội dung như giải quyết kiến nghị của cử tri, giải quyết khiếu nại tố cáo và các công việc liên quan, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nói: “Các đánh giá rất sát với thực tiễn”.

Theo ông Trần Tiến Dũng, về xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp công dân không có điều kiện kinh tế do thiên tai, hỏa hoạn hoặc bệnh hiểm nghèo, công dân xin hoãn hoặc miễn giảm, vướng mắc là khi yêu cầu công dân đó đến tỉnh khác để xin hoãn, miễn giảm thì sẽ rất khó khăn, vì công dân đó không có kinh tế hoặc bệnh hiểm nghèo. Bộ Tư pháp đã ghi nhận ý kiến này khi soạn thảo Nghị định 108 hướng dẫn thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, qua đó đảm bảo thống nhất thủ tục thực hiện trên toàn quốc và tạo điều kiện cho công dân không phải đi lại phiền phức.

Phản hồi thông tin trong báo cáo của Ban Dân nguyện cho biết, có 117/263 ý kiến của cử tri nhưng Bộ LĐTB-XH và cơ quan liên quan trả lời chậm (trong đó chủ yếu giải quyết các chính sách về hưu trí, lao động, hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng với đại dịch Covid-19), Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Văn Hồi giải trình, hầu hết các trường hợp chậm trả lời là do hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng lâu và kéo dài qua nhiều thời kỳ lịch sử, cán bộ chiến sĩ tham gia chống Pháp không có văn bản giấy tờ và một số người đã mất lâu nên gia đình không có thông tin hoặc rất ít thông tin.

Về chính sách bảo hiểm xã hội, trước năm 1995 chưa có quy định rõ ràng về thời gian đóng, mức đóng, mức hưởng và lưu trữ hồ sơ thời kỳ đó kém, các cơ quan, đơn vị hiện nay không còn thông tin, nên việc giải quyết chính sách đối với người hưởng lương hưu hay người hưởng mất sức lao động mất thời gian.

Tương tự là chính sách hỗ trợ đối với người dân, người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với mức hỗ trợ nhỏ, thấp, liên quan đến quyết định về cách ly, khu vực cách ly… không rõ.

“Bộ sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm trong quá trình đôn đốc triển khai các cơ quan đơn vị tiếp tục trả lời nhanh hơn và khoa học, hợp lý hơn”, ông Nguyễn Văn Hồi cam kết.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng thì lưu ý, báo cáo của Ban Dân nguyện lấy thời điểm từ 1-8-2022 đến 31-7-2023 không phù hợp với các báo cáo khác trình Quốc hội, thường lấy mốc từ ngày 1-10 năm trước đến hết tháng 9 năm sau.

“Cần thống nhất thời gian báo cáo, đảm bảo sự đồng bộ, dễ đối chiếu, so sánh khi trình ra Quốc hội”, ông Nguyễn Quang Dũng nói.

Bàn về giải pháp xử lý tình trạng tồn đọng đơn kiến nghị, trong đó có một số lượng lớn kiến nghị trùng chéo, ông Nguyễn Quang Dũng cho rằng việc thực hiện trả lại đơn cũng là một phương án khả dĩ, tuy nhiên cần có kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ, cụ thể để hạn chế trường hợp tiếp tục hỏi lại, kiến nghị lại những vấn đề đã được giải đáp.

Tin cùng chuyên mục